| Hotline: 0983.970.780

Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa - Hồi thứ Sáu

Thứ Sáu 26/11/2021 , 15:59 (GMT+7)

‘Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa’ phơi bày bi hài kịch của những kẻ nhẹ dạ và cả tin, khi va chạm với thực tế xô bồ đô thị đầy chiêu trò tinh quái

Nhà văn - nhà báo Đỗ Bảo Châu.

Nhà văn - nhà báo Đỗ Bảo Châu.

Nhà văn – nhà báo Đỗ Bảo Châu (12/1/1946 – 4/11/2021) là một cây bút gắn bó mấy mươi năm với sự tồn tại và phát triển của báo Nông Nghiệp Việt Nam. Ông không chỉ mang đến cho bạn đọc những bài điều tra sắc sảo và cẩn trọng, mà ông còn tạo ra dấu ấn riêng trên báo Nông Nghiệp Việt Nam bằng thiên truyện dài kỳ “Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa” đáo để và hài hước.

“Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa” được nhà văn – nhà báo Đỗ Bảo Châu ký hai bút danh Tú Sườn và La Quán Gió, có ngầm ý trào lộng bản thân là hậu sinh của Tú Xương và La Quán Trung. Mà sự thật thì “Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa” đã chứng minh điều ấy, vì ông viết với điệu cười chua cay kiểu Tú Xương và tình tiết chương hồi kiểu La Quán Trung.

“Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa” từng được độc giả báo Nông Nghiệp Việt Nam theo dõi hào hứng và say mê. Thậm chí, nhiều bà con vùng sâu, vùng xa còn lưu trữ để dành đọc cho nhau nghe sau những buổi lên nương lên rẫy, như một món quà tinh thần thú vị. Yếu tố nào đã làm nên giá trị hấp dẫn kỳ lạ của “Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa”? Đó là sự thấu hiểu và sự cảm thông của nhà văn – nhà báo Đỗ Bảo Châu hướng về những người nông dân chất phác.

Thông qua hình tượng nhân vật Cả Tĩn, “Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa” phơi bày bi hài kịch của những kẻ nhẹ dạ và cả tin, khi va chạm với thực tế xô bồ đô thị đầy chiêu trò tinh quái và bịp bợm. Cả Tĩn nhẹ dạ vì lương thiện, cả tin vì nhân hậu. Cả Tĩn bị lừa gạt nhiều lần, nhưng không oán hận tình đời và không chối bỏ tình người. Những trớ trêu mà Cả Tĩn nếm trải, khiến độc giả cười ra nước mắt, nhưng dứt tiếng cười lại thấy đồng cảm xót xa và trìu mến gần gũi.

Nhà văn – nhà báo Đỗ Bảo Châu cả đời luôn giữ quan niệm về nghề cầm bút “để lại nhân cách, cũng là tác phẩm”. Và khi ông đã rời xa cõi nhân gian này, đồng nghiệp và công chúng đều nhận ra, ông không chỉ để lại nhân cách mà còn để lại tác phẩm. Chỉ riêng “Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa”, đã khẳng định tấm lòng của ông với những người nông dân cần cù và thua thiệt. Ông bao dung sự yếu đuối của họ, ông cổ vũ sự hăm hở của họ và ông nâng đỡ sự trong sáng của họ.

Để tưởng nhớ nhà văn – nhà báo Đỗ Bảo Châu, báo Nông Nghiệp Việt Nam xin giới thiệu lại một số trích đoạn đáng nhớ từ thiên truyện dài kỳ “Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa”.

HỒI THỨ SÁU

Cầu được ước thấy - Cả Tĩn bị lừa

Một mất mười ngờ - Chuyện đùa hóa thật

Nếu bạn đọc theo dõi từ số báo trước, hẳn còn nhớ bác Cả Tĩn nhà ta đã bị bác Cả gái “quản thúc” tại gia, không được lên tỉnh nữa. Người chép chuyện không ngon ngủ không yên, vì lo “sập tiệm”, mục “nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa” mà bản báo đã tạm ứng dài dài. Đùng một cái, người chép chuyện nhận được tin bác Cả gái bỏ lệnh “cấm vận” và yêu cầu bác Cả giai gấp rút khăn gói “nhà quê ra tỉnh”.

Bác Cả gái đã thay đổi lập trường? Hay phải chăng bác Cả giai nhà ta giỏi mồm mép thuyết phục? Không phải! Chuyện chỉ đơn giản thế này: cái ngõ đi chung (vẫn đi từ hai chục năm nay) bỗng bị bà hàng xóm tai quái dở chứng, rào tịt lại. Bởi vậy bác Cả gái nhờ cậy người có chữ làm đơn kiện. Và việc này, phi bác Cả giai đi, không xong.

Khi bước chân ra khỏi ngõ, bác Cả đem một cái túi căng phồng đơn từ, tài liệu, một món tiền giắt kỹ ở túi áo trong và một nhiệm vụ quan trọng ghi trong đầu: Đến các tòa soạn báo.

Đã nhiều lần ra tỉnh (và bị lừa) bác Cả của chúng ta có quá nhiều kinh nghiệm, bởi vậy khỏi phải ai dặn bác “đường đi nước bước”. Thậm chí có người còn nói vui: “Lần này, ông ấy tha lừa người khác, là may!”

Xuống xe, đeo túi rất đàng hoàng, phớt lờ mấy tay xích lô, xe ôm chạy theo níu kéo, bác Cả nhăm nhăm đi tìm một tòa soạn báo. Rồi sau một lúc mỏi chân, bác Cả chọn một người đứng tuổi, có khuôn mặt tử tế và dáng vẻ trí thức để thăm. Vị trung niên sốt sắng chỉ cho bác Cả đường đến một tòa soạn báo. Đến nơi, bác Cả ngẩng đầu và đứng đọc rất lâu (có lẽ bác còn phải đánh vần) cái tên tòa soạn: “Thông-tấn-xã”. Bác Cả nghĩ thầm: “Không được! Không được!” Đến Thông tấn tỉnh mình còn chưa ưng, huống hồ đây mới chỉ là thông tấn…xã”.

Đang lúc dùng dằng chưa quyết, bác bỗng giật nảy mình vì có một người đứng cạnh, cứ nhìn bác và tủm tỉm cười. Người đó đeo một cái túi màu đen (các nhà báo đều đeo túi màu đen) và tay cầm một tập sách báo gì đó. Người đó nhìn bác từ đầu đến chân, và hỏi:

-Té ra là bác gửi đơn từ cho bản báo?

Bác Cả giật nảy mình lần nữa và buột miệng:

-Sao anh biết?

Người đó vẫn tủm tỉm cười, đoạn nói nhỏ:

-Tôi là nhà báo. Bác theo tôi về tòa soạn.

Bác Cả suýt nữa thì reo lên thành tiếng. Chả phải bác Cả của chúng ta mất cảnh giác đâu. Giá như người đó chỉ nói: “Tôi là nhà báo” chắc chắn bác Cả sẽ chẳng tin. Nhưng đằng này lại “bác theo tôi” Ôi! Đúng là cầu được, ước thấy. Bác Cả hấp tấp đi theo anh “nhà báo”.

Sau một hồi vòng vo ngoắt ngoéo, quả nhiên người đó dẫn bác đến đúng một tòa báo thật. Bác đánh vần: Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Ồ! Cái tên tờ báo thì đích thị của Trung ương rồi mà lại trúng phóc, Nông nghiệp hẳn là phải thấu rõ chuyện nông thôn. May quá, giá không tình cờ biết anh ta, mà đi thẳng tới đây (cứ cho là bác tìm thấy đi) chắc gì bác đã được tiếp đón ngay? Thật đúng là “giời có mắt”.

-Bác chờ tôi một chút, tôi vào báo Ban biên tập rồi sẽ ra tiếp chuyện bác.

Nói xong, người đó đi vào trong tòa soạn rất tự nhiên. Bác Cả mừng rơn, hồi hộp đứng chờ ngoài cổng. Bác lại cẩn thận sờ nắn bọc tiền và cái túi tài liệu, lạy giời lạy đất, vẫn không suy suyễn mảy may. Kia rồi! Người đó đã ra …

 - Này, anh nhà báo … cái việc của tôi thế này…

- Chuyện đất đai chứ gì?

- Tôi biết rồi! Ta ra ngoài này…

Cái “ngoài này…” chính là một quán giải khát. Mà quán giải khát này, lại chỉ bán bia. Bác Cả tuy không uống được bia, cũng vui vẻ gọi bia tiếp “nhà báo”. Sau vài tuần bia, “nhà báo” xem chăm chú đơn từ, đoạn phán:

- Bài không đăng, không trả lại bản thảo …

- Thế là sao ạ?

Có gì đâu, đơn từ gốc bác phải giữ. Bởi vậy, phải sao ra. Tôi chỉ giữ bản “phô tô” thôi. Bác mang đi “phô tô…” rồi quay lại đây.

Trước hết, bác Cả chưa hiểu “phô tô” là gì. Thứ hai, cũng không biết ở đâu, bác đành nói cái câu muôn thuở của người nhà quê:

-Thôi! Trăm sự nhờ anh. Anh giúp cho.

Nể tình “nhà báo” bèn… miễn cưỡng nhận ba chục ngàn của bác và mang tài liệu đi “phô tô”. Nhưng trước khi đưa đi “phô tô”, “nhà báo” phán:

-Bác hãy ghi tên thật vào đơn, kèm địa chỉ và ký vào. Bác cứ ngồi đây và ghi cho rõ, tôi ra đăng ký “phô tô” cho bác.

Thật là một nhà báo có lương tâm và đầy trách nhiệm. Bác Cả ngồi tại bàn, nắn nót viết tên và ký nghiêm chỉnh vào tờ đơn…

Chép đến đây, người chép chuyện xin thưa cùng bạn đọc, lúc đó rõ ràng là bác Cả của chúng ta chưa nhận ra, nhưng bạn đọc thì dễ dàng nhận thấy là bác Cả đã bị lừa. Nhà báo ấy chính là một nhà báo … rởm. Bởi vậy, sau khi “nhà báo” đã “mọc cánh bay đi”, thì bác Cả mới tỉnh ngộ và sực nhớ mình đã bị lừa một cách tinh vi. Cũng may là tuy tiền mất, nhưng tật chưa mang. Bác vẫn còn giữ được những đơn từ.

Cáu tiết, bác trở lại cái tòa soạn báo ban nãy, thì mới hiểu ra điều này: cái kẻ vừa tự xưng là “nhà báo” ấy, chỉ là một người hay lui tới các tòa soạn, nhìn mặt những người thật thà quê kệch, biết là đang nhờ vả kiện cáo chi đây, để phỉnh phờ, lừa gạt.

Đúng lúc bác Cả đang bực mình vì gặp phải nhà báo rởm, thì lại có một người tự xưng là nhà báo, ra gặp bác để làm việc. Lần này bác Cả của chúng ta không dẫn nhà báo vào quán bia mà dẫn thẳng đến … đồn công an. Thật không may, đấy mới chính là nhà báo thứ thiệt.

Đương nhiên, việc bác Cả ra tỉnh lần này đã được “như ý” – tức là đạt yêu cầu – tuy có tốn kém chút đỉnh. Tuy vậy, khi về nhà, bác Cả hạch toán tất vào “giao dịch phí” mà tuyệt nhiên không đả động gì đến việc bị lừa đảo và bị uống một chầu bia “bất đắc dĩ”.

Thật đúng là:

“Bảy mươi chưa què, chớ khoe rằng tốt.

Không cái dại nào, giống cái dại nào”.

Muốn biết bác Cả có còn dám ra tỉnh nữa hay thôi, xin xem hồi sau sẽ rõ. 

LA QUÁN GIÓ

  • Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa - Hồi thứ Bảy
    Truyện dài kỳ 04/12/2021 - 07:48

    'Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa' là sự thấu hiểu và sự cảm thông của nhà văn – nhà báo Đỗ Bảo Châu hướng về những người nông dân chất phác.

  • Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa - Hồi thứ Năm
    Truyện dài kỳ 22/11/2021 - 14:46

    ‘Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa’ được độc giả để dành đọc cho nhau nghe sau những buổi lên nương lên rẫy, như một món quà tinh thần thú vị.

  • Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa - Hồi thứ Tư
    Truyện dài kỳ 21/11/2021 - 10:12

    ‘Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa’ là sự thấu hiểu và sự cảm thông của nhà văn – nhà báo Đỗ Bảo Châu hướng về những người nông dân chất phác.

  • Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa - Hồi thứ Ba
    Truyện dài kỳ 19/11/2021 - 11:04

    ‘Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa’, đã khẳng định tấm lòng của nhà văn – nhà báo với những người nông dân cần cù và thua thiệt.

  • Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa - Hồi thứ hai
    Truyện dài kỳ 17/11/2021 - 20:59

    ‘Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa’ phơi bày bi hài kịch của những kẻ nhẹ dạ và cả tin, khi va chạm với thực tế xô bồ đô thị đầy chiêu trò tinh quái

  • 'Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa' và tiếng cười nâng đỡ kẻ nhẹ dạ
    Truyện dài kỳ 16/11/2021 - 16:48

    'Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa' được nhà văn – nhà báo Đỗ Bảo Châu ký hai bút danh Tú Sườn và La Quán Gió, từng khiến bạn đọc hào hứng và say mê.

  • Vỡ lẽ
    Truyện dài kỳ 19/08/2016 - 08:37

    Lên Thủ đô, hôm đầu Hải và Dung tá túc trong một nhà nghỉ. Hôm sau, họ tìm nhà, và thật may mắn, thuê được một căn hộ tập thể trên tầng 10 của một chung cư, với giá rất hợp lý, chỉ 5 triệu đồng một tháng.

  • Sát cánh
    Truyện dài kỳ 18/08/2016 - 08:55

    Vừa gặp nhau trong quán cà phê, Dung gục đầu vào vai Hải, khóc òa lên. Hải ôm lấy người yêu, vuốt ve, an ủi cô: Em đừng buồn. Sóng gió rồi sẽ qua thôi.

  • Chia rẽ
    Truyện dài kỳ 17/08/2016 - 09:57

    Ông Quỳnh gầm lên: "Hải. Thằng Hải đâu. Xuống gặp bố ngay". Nghe tiếng chồng, bà Hoa, vợ ông, hớt hải chạy ra: "Con nó ở trên phòng nó. Để tôi lên tôi gọi nó xuống."

  • Bão táp
    Truyện dài kỳ 16/08/2016 - 09:06

    Cả tỉnh như một chảo nước sôi sùng sục trước cơn “bão” dư luận. Báo chí đã “săn” được đích danh ông Quỳnh để phỏng vấn.

  • Tình yêu
    Truyện dài kỳ 15/08/2016 - 09:18

    18 giờ, Hải và Dung mới rời Thủ đô, dự định 22 giờ sẽ về đến nhà. Nhưng mới đi được chừng hơn 20 km, đến thị trấn Liên Khê thì bất ngờ trời nổi cơn dông, rồi mưa như trút.

Xem thêm
Chuẩn bị đón bằng di tích quốc gia đặc biệt Hải Thượng Lãn Ông

Hà Tĩnh Những hạng mục, công việc cuối cùng chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 300 năm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đang được tỉnh Hà Tĩnh gấp rút hoàn thành.

Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.