Mùng 2 Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, có dịp đi ngang xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước, Bình Định), lúc ấy đã 10 giờ trưa, nhưng quán bánh xèo Bà Năm nằm bên đầu cầu thuộc thôn Mỹ Cang (xã Phước Sơn) vẫn còn dựng đầy xe máy của thực khách. Giờ này đã quá giờ ăn sáng, cũng chưa đến giờ ăn trưa, vậy mà quán bánh xèo Bà Năm vẫn đỏ lửa. Mới thấy, bánh xèo Mỹ Cang thu hút thực khách bất kể giờ giấc. Bánh xèo Bà Năm Mỹ Cang có gì mà hấp dẫn thực khách đến như vậy?
Tôi là dân thị xã An Nhơn, cách Mỹ Cang chỉ hơn 10km, thế nhưng chưa 1 lần được thưởng thức món ngon nức tiếng cả nước được xếp hàng đặc sản, bánh xèo Mỹ Cang. Cũng bởi, những năm trước đây, lúc ấy bà Năm, bà tên thật là Lý Thị Thu còn khỏe, còn đứng lò trực tiếp bán. Khi ấy, quán bánh xèo của bà Năm còn là nhà mái lá đơn sơ, thực khách muốn ăn bánh xèo phải đi từ 5 giờ sáng may ra mới thưởng thức được. Đến quán, dù anh là quan huyện, quan tỉnh mặc kệ, mà nếu đến sau bà Năm sẽ cho ăn sau, ấy là luật “bất thành văn” của bà Năm, ai chờ không được thì… rút.
Có người vượt cả chặng đường dài 25km từ Quy Nhơn chạy xe lên Mỹ Cang ăn bánh xèo, nếu gặp lúc quán bà Năm hết tôm đất là đành mang bụng trống quay về. Bởi, nếu quán hết tôm đất là bà Năm tắt lò, không đúc nữa, chứ không mua tôm nuôi đúc bánh thay thế tôm đất, bà Năm sợ bánh xèo bị mất mất hương vị đặc trưng.
Cứ ngỡ cách hành xử như thế sẽ làm mích lòng thực khách, không còn ai tha thiết đến quán bà Năm nữa, nào ngờ chính cái cách mua bán “chảnh chọe” không giống ai ấy lại hấp dẫn thực khách. Một lần vượt cả chặng đường xa mà không ăn được bánh xèo Mỹ Cang, ức trong ruột, lần sau vị khách ấy nhất định sẽ thức dậy thật sớm, mới 5 rưỡi sáng đã ngồi tại quán bà Năm.
Có lần, tôi hỏi 1 bạn văn đã từng ăn bánh xèo bà Năm: “Bánh xèo ở đó có gì mà hấp dẫn đến vậy”. Ngẫm nghĩ 1 lát, anh nói: “Bánh xèo bà Năm bột xay ra đến đâu đúc đến đó nên có vị ngọt tinh túy của gạo. Tôm là tôm đất, lại là tôm tươi, khi đúc bánh còn búng tanh tách trong rổ, ăn vào có mùi vị thiên nhiên của cả vùng đầm Thị Nại. Các món rau thì tươi xanh, mới hái từ vườn.
Nhưng nét hấp dẫn nhất là ngồi dưới mái nhà lá đợi bà Năm đúc bánh xèo, tôi liên tưởng ngày xưa ngồi bệt trong gian nhà bếp đợi bà nội đúc từng lá bánh xèo, bên ngoài trời mưa rả rích. Lúc bà cầm nguyên khuôn bánh đã chín ụp xuống chiếc trẹt, bên trên có lót lá chuối, lá bánh xèo nóng hổi bốc hơi ngun ngút rời khỏi chiếc khuôn rơi xuống là lúc lũ con trẻ háo hức tột cùng. Chỉ là bánh xèo vỏ, tinh bột gạo chứ không có tôm thịt như bây giờ, nhưng chấm vào chén mắm đục, đưa vào miệng, cứ như món thần tiên.
Nhìn bà Năm đúc bánh xèo thấy thương lắm. Bà tỉ mẩn chăm chút từng chiếc bánh, y như đúc cho con cháu ở xa về ăn chứ không phải đúc bán cho khách”.
Bây giờ, bà Năm đã 84 tuổi, không còn sức để đứng lò đúc bánh xèo. Nhưng bánh xèo Mỹ Cang vẫn còn đó, quán bánh xèo Bà Năm vẫn còn đó. Con cháu của bà Năm nối nghiệp và nghiêm cẩn tuân thủ tôn chỉ của bà, tôm đúc bánh phải là tôm đất còn sống được đánh bắt từ tự nhiên, gạo nguyên liệu phải là gạo được sản xuất theo hướng hữu cơ tại địa phương, bột xay tới đâu đúc tới đó, nước mắm tinh bằm xoài chứ không pha trộn gì vào…
Riêng quán bánh xèo của bà Năm trước đây giờ do anh Tuấn, con trai độc nhất của bà Năm đứng bán. Nhà quán mái lá ngày xưa giờ đã được xây dựng lại khang trang; chiếc cối đá xay bột ngày xưa giờ cũng không còn, nay bột được xay bằng máy; nhưng thương hiệu bánh xèo Bà Năm Mỹ Cang vẫn còn đó và chất lượng bánh xèo vẫn không thay đổi.
Lần này, nhìn vào quán bánh xèo Bà Năm còn chỗ trống, tôi quyết không bỏ lỡ cơ hội. Vào quán, tôi ngẩn ngơ nhìn cô gái đứng bên kệ bếp được đặt ngay trước quán, trên kệ để 6 cái lò than đỏ hừng, 2 tay thoăn thoắt lúc chế bột vào khuôn này, lúc bỏ tôm vào khuôn kia. Ấy là chị Nguyễn Thị Mộng Điệp, cháu của bà Năm. “Ông nội của tôi là anh trai kế của bà Năm”, chị Điệp minh họa mối quan hệ họ hàng của chị với bà Năm.
Trước đây, khi bà Năm còn khỏe, chị Điệp giúp bà Năm đi mua tôm, nhặt rau, bưng bánh cho thực khách, trong lúc làm việc chị Điệp còn học nghề đúc bánh xèo của bà Năm. Bây giờ, khi anh Tuấn, con trai độc nhất của bà Năm tiếp quản quán bánh xèo của mẹ, chị Điệp lại đứng lò đúc bánh giúp cho anh Tuấn.
Trả lời câu hỏi “Quán bánh xèo Bà Năm bây giờ mỗi ngày bán được bao nhiêu ký gạo”, chị Điệp chia sẻ: “Không biết được đâu anh, vô chừng lắm. Thấy bột đã ngót mà khách vẫn còn đông là quán tiếp tục ngâm gạo. Gạo ngâm chừng 2 tiếng là đã có thể xay. Bây giờ xay máy nhanh lắm chứ không phải như ngày xưa xay bằng cối đá. 3 giờ sáng mỗi ngày là đã phải thức dậy ngâm gạo để sáng sớm là có xay, nếu ngâm gạo đêm trước để sáng hôm sau mới xay thì bột sẽ bị chua, bánh không ngon. Bột xay đến đâu đúc bánh đến đó bánh mới có vị ngọt.
Tôm đất được mua từ thôn Dương Thiện (xã Phước Sơn), được những người làm nghề khai thác thủy sản ven bờ đánh bắt trên đầm Thị Nại. Bữa nào tôm đất hết sớm quán sẽ không bán nữa, chứ không mua tôm nuôi về đúc sẽ làm mất thương hiệu, chỉ có con tôm đất mới tạo được vị ngọt, giòn cho bánh xèo”.
Đâu cần gì kinh doanh to tát mới có tôn chỉ hoạt động, chỉ đúc bánh xèo thôi mà bà Năm cũng đề ra tôn chỉ để bảo vệ thương hiệu. Bây giờ, con trai của bà Năm nối nghiệp cũng tuân thủ nghiêm cẩn tôn chỉ của mẹ đề ra. Có lẽ vì vậy mà hơn 40 năm qua, quán bánh xèo Bà Năm ở thôn Mỹ Cang cả mùa mưa lẫn mùa nắng đều nườm nượp khách, nhất là vào những ngày lễ, Tết. Ở Mỹ Cang bây giờ không chỉ có mỗi quán bánh xèo Bà Năm như trước đây, dọc 2 bên đường đã mọc lên nhiều quán bánh xèo Mỹ Cang khác, nhưng quán Bà Năm vẫn được thực khách nhắm tới nhiều nhất.