(Hạt ngọc nhà trời bất câu lắng sốt…)
Áp Tết, muốn về làng tìm người thật cao tuổi để hỏi về một câu đồng dao đã găm vào kí ức hơn sáu mươi năm: “Gạo chợ Thùi mười ba loong tôộng/ Gạo chợ Đôộng mười một loong bun/ Gạo chơ Xun mười hai loong gạt…”.
Gạo!
Là hạt ngọc của trời!
Dĩ nông vi bản!
“Nhất Đồng Nai/ Nhì hai huyện!”. Quảng Ninh - Lệ Thủy (Quảng Bình), độc canh lúa bao đời và cũng là niềm tự hào giàu có bao đời. Ngày được mùa, đường làng nhộn nhịp lắm, nhiều tiếng cười. Nhưng lỡ thất bát, nông phu méo mặt, củ khoai lát sắn cõng hạt cơm. Có nhẽ đến hàng trăm năm, câu chào cửa miệng khi gặp nhau trên đường làng: “Đi mô đó? Ăn cơm chưa?”. Xưa, áp Tết mới thấy ghe gọ căng buồm từ Đồng Hới ngược Nhật Lệ, Kiến Giang lên, mang theo hàng hóa, đa số người hai bờ chỉ đứng nhìn, chép miệng vì túi không tiền. Được cái, hai mươi năm cùng cả nước vào trận, hai huyện có đóng góp lớn “thóc không thiếu một cân…”. Rồi hậu chiến, cơ chế quản lý của hợp tác xã nông nghiệp xơ cứng, xã viên dựa dẫm, lãn công, đói dài. Rồi đổi mới, tự chủ ruộng đất, có bội thu hơn, vẫn là hạt gạo, một hai con heo, dăm bảy con gà, đám rau trong vườn. Làn sóng xuất khẩu lao động nước ngoài mang về dăm ba trăm triệu xây cái nhà thật to rồi ngồi ngắm, chờ nhà nước gọi đi công nhân xí nghiệp tận Sài Gòn, Bình Dương, lên Tây Nguyên hái cà phê…
Tôi ở tỉnh lỵ, ít về làng. Những câu đồng dao, ca từ hò năm mái (hò khoan) cứ chìm vào ký ức.
Một ngày hè, trăng sáng, về dạo quanh làng, gặp một đám “quá niên trạc ngoại… tam tuần” đang ngồi… nhậu. Hỏi, các cậu bảo, bàn chuyện làm ăn mở tổ hợp tác. Rồi bỗng lác đác trên phố ở tỉnh lỵ xuất hiện bánh kẹo ông Ký, khoai deo Thanh Thủy, hương trầm thác Cóc, mật ong An Mã, bánh xoài Mai Thủy… đóng gói, đóng chai, dán nhãn có những dòng quảng bá vừa thật thà vừa pha chút hoa mĩ, văn phạm còn sai hỏi - ngã. Khách du lịch đến thành phố Đồng Hới tìm mua khoai deo, khoai xào gừng, bánh xoài… Vẫn cái triết lý “Tri túc” (biết đủ) của Nho giáo cho phép người hai huyện tự bằng lòng, cứ có dịp là nam phụ lão ấu zô zô!. Cưới xin, mời cả nghìn thực khách, lãng phí thực phẩm vô tận. Từ khi “cách mạng” cánh đồng, trăm phần trăm gieo thẳng, làm nông đỡ vất vả. Rồi gần cả trăm phần diện tích lúa chiêm xuân thu hoạch xong, để vậy, bón vài cân phân chờ gặt lúa tái sinh, nghề nông lại càng nhàn. Đủ ăn, thừa ăn nhưng lối làm giàu vẫn chưa rõ. Xe bốn bánh chạy trên đường làng vẫn chủ yếu của con em từ tỉnh lỵ về… Cảnh sắc vùng châu thổ Kiến Giang của hai huyện thì đẹp không đâu bằng. Họa sĩ tài danh Lê Trí Dũng từ thủ đô về thăm nhà Đại tướng phải thốt lên: Con sông đẹp nhất từng thấy và nhiều bến đẹp từng thấy! Nhưng, chiếc cầu một nhịp bắc qua nhà Đại tướng thông tuyến từ Quốc lộ 1A lên đường Hồ Chí Minh thì dừng thi công gần hai năm vì… thiếu vốn.
Không như Ba Đồn.
...Hỏi, sao cũng là Quảng Bình mà Ba Đồn phát triển kinh tế hàng hóa thần tốc như vậy, cũng từ huyện lỵ của Quảng Trạch, thành thị xã trực thuộc tỉnh đã hơn mười năm, mà Lệ Thủy, Quảng Ninh?
Dễ hiểu, “Ba Đồn là chợ xưa nay
Tụ nhân tụ hóa…”.
149 năm vết chém sông Gianh (1627 - 1776), ba đồn binh của quân Trịnh ở bắc sông Gianh phải ăn uống, tiêu dùng…
Dân hai huyện! Có lẽ vào các thập niên 70 của thế kỷ 15 sau chiếu di dân của Lê Thánh Tông, người Hoan Ái (Thanh Hóa - Nghệ Tĩnh), Sơn Nam hạ (Đông bắc bộ),… cập cửa Nhật Lệ ngược lên Kiến Giang cố tìm vùng đất phù sa để làm lúa và tôn vinh “hạt ngọc nhà trời”. Tính giản dị và bảo thủ đã ăn sâu gần sáu trăm năm, bây giờ vỡ ra cũng phải có thời gian. Nhưng, cái manh nha nền kinh tế hàng hóa chưa rõ hình hài mà nhiều thiết chế văn hóa làng xã đã hơi bị thất thoát. Hàng rào tường xây lạnh lùng khuất lấp không còn cho phép láng giềng “gọi nhau xin lửa qua rào”. Lễ hội bơi thuyền truyền thống có hơn năm trăm năm bây giờ phải đóng thuyền “đồng phục”. Không còn lũy tre cho con chim nhớ mùa về làm tổ. Không còn bụi chuối để mùa lụt đóng bối bè cho lợn gà và cả người tạm trú đôi ba ngày, nước dâng lên trời thì bè cũng nổi… lên trời. Về làng, may, gặp được một di sản bối bè bằng cây chuối hột nhưng đóng sai quy cách, không trở đầu đuôi cho bè cân đối.
Lại nói, phá Hạc Hải 3.000 mẫu tây “mênh mông vạn khoảnh leo lẻo dòng trong, cá tôm sinh sản, le vịt lội bơi, có thể sánh với ngũ hồ (Trung Quốc) vậy” ("Ô châu cận lục", 1555) là nguồn thủy sản nước lợ vô giá. Năm 1972, đắp đập ngăn mặn làm lúa. Hơn 50 năm trôi qua, lúa gạo không còn “phải làm bằng mọi giá” nữa. 20 năm trước, tác giả bài viết này vâng mệnh cụ Võ tổng cùng GS.TS Võ Hồng Anh đối thoại với chủ tịch tỉnh, đã nhận được cam kết sẽ trả lại môi sinh cho phá Hạc Hải, nay dường như vẫn quên. Thì người dân tự làm. Vợ chồng Xuân - Hòa vừa mở quán ngay trên mặt phá lộng gió vừa quây vùng phục hồi rừng ngập lợ rậm rạp, dụ chim về làm tổ.
Cũng đất hai huyện, lũy Trấn Ninh (trong hệ thống lũy Thầy) còn có thể phục chế với “Lý chính đại quan môn”, tầm vóc kiến trúc không nhỏ hơn Cửa Bắc ở Thăng Long, còn nguyên vẹn, tái lập tỉnh đã 35 năm chưa hề có động thái du lịch địa văn hóa. Một lộ trình du lịch thuyền buồm ngược dòng Nhật Lệ băng qua Hạc Hải, qua vùng quê Nguyễn Hữu Cảnh mở cõi phương Nam, quê Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên ngôi chùa 725 năm, Trần Nhân Tông thăm Chiêm thành (1301) từng thuyết pháp, đã nhắc nhiều lần...
Nhưng, ngày 29/12 mới đây, truyền hình Quảng Bình đã phát sóng buổi bán hàng OCOP đầu tiên. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” bày bán ngay trường quay của đài. Thì cũng phải kích hoạt nâng cánh cho những người nông dân hai huyện thoát ly dần với hạt lúa củ khoai.
Dù là đại bàng hay chim sẻ, đủ lông cánh thì phải ra ràng tập bay. Người hai huyện không thể chậm hơn, đón ngọn gió thị trường để vươn ra biển lớn theo cách của mình.
Đành để câu đồng dao chìm dần vào dĩ vãng: “Gạo chợ Thùi mười ba loong tôộng…”.
Và cần nhớ, chợ Thùi (chữ không có trong từ điển tiếng Việt) tọa lạc bên phá Hạc Hải ngay làng tôi cũng là một ngôi chợ của người Chiêm thành còn lại sau hơn 950 năm (1069), Lý Thường Kiệt nam chinh thu hồi ba châu Bố Chinh, Địa Lí, và Ma Linh (từ nam đèo Ngang đến hết Gio Linh). Cũng gần một thiên niên kỉ trở về Đại Việt vẫn còn dấu vết tòa thành Khu Túc của người Chăm ngay bờ nam sông Gianh, còn một chữ “Bố” của Bố Chinh trong tên huyện Bố Trạch, chữ “Linh” của Ma Linh trong Vĩnh Linh, Gio Linh (Quảng Trị), lũy Hoàn Vương của vương quốc Chămpa trên dãy Hoành Sơn. Còn một tên làng Phú Thọ được quan Cai bạ Nguyễn Du đặt cải từ Phú Triều, cánh đồng Nguyễn Du và sân bay Tôn Đức Thắng ở Sơn Thủy (Lệ Thủy). Tiềm năng du lịch đấy, chứ đâu xa!
Vâng! “Quốc dĩ dân vi bản/ Dân dĩ thực vi Tiên/ Trị quốc chi đạo tại Tiên túc thực”. Biết, đầu tiên phải “túc thực”. Nhưng, đủ ăn bây giờ, cần nhiều hơn những thứ ngoài hạt gạo. Mọi người vẫn chờ năm mới Ất Tỵ, và những năm sau, nền “kinh tế hàng hóa hồn nhiên” của đồng chiêm hai huyện sẽ đa sắc và chuyên nghiệp hơn. Cả cái nội hàm “hạt ngọc” cũng nên mở rộng hơn chăng?!