| Hotline: 0983.970.780

Đầu Trâu DAP - Smart Zinc là gì?

Thứ Sáu 25/09/2020 , 08:05 (GMT+7)

Là loại phân DAP có hàm lượng N chiếm 16%, lân (P2O5) chiếm 44% với tỷ lệ tan khác nhau; có 40% tan nhanh, 60% tan chậm, được bổ sung smart zinc (kẽm thông minh).

Đầu Trâu DAP - Smart Zinc? Đó là loại phân DAP có hàm lượng N chiếm 16%, lân (P2O5) chiếm 44% với tỷ lệ tan khác nhau; có 40% tan nhanh, 60% tan chậm và được bổ sung smart zinc (kẽm thông minh). Việc Công ty CP Phân bón Bình Điền sản xuất loại phân này bằng cách phối trộn một tổ hợp chất mang tính thông minh đó là Smart Zinc nên làm thay đổi đặc tính cung cấp lân và các chất dinh dưỡng khác cho cây tốt hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Vậy tại sao gọi hỗn hợp Smart Zinc là kẽm thông minh? Trước hết nói hỗn hợp Smart Zinc vì có 3 thành phần, bao gồm chất kẽm (Zn) chiếm 18,8%, chất lân (P2O5) chiếm 14,8% và chất Ma-giê (Mg) chiếm 8,4%. Nói hỗn hợp này là thông minh do phương pháp chế biến đặc biệt để cây hút được bất cứ lúc nào nó cần.

Phân bón Đầu Trâu DAP - Smart Zinc của Công ty Bình Điền. Ảnh: Phan Nam.

Phân bón Đầu Trâu DAP - Smart Zinc của Công ty Bình Điền. Ảnh: Phan Nam.

Có thể cho biết cách chế biến các chất này thành kẽm thông minh được không? Người ta cho nguyên liệu có chứa Zn và Mg vào dung dịch axit lân (H3PO4) theo tỷ lệ mong muốn, nung hỗn hợp này dưới nhiệt độ và áp suất cần thiết trong thời gian thích hợp để tạo thành một polymer bao gồm 3 chất nói trên. Đặc điểm hỗn hợp này là không tan trong nước, chỉ tan trong môi trường axit yếu do rễ cây tiết ra. Vì vậy, khi bón hỗn hợp này vào đất, lúc nào cây tiết ra một hỗn hợp dịch (Exudant) có tính axit yếu thì lúc đó hỗn hợp này tan ra, sẵn sàng để cây hút vào, khi cây không có nhu cầu thì hỗn hợp này vẫn tồn tại quanh vùng rễ, không bị thất thoát hay rửa trôi đi nơi khác.

Nhờ vậy mà hiệu quả cây hút các chất này cao hơn. Khi các chất đó vào được trong rễ cây sớm, nhờ đặc điểm sinh lý, hóa sinh đặc biệt của nó sẽ tạo cho các bộ phận non của cây, đặc biệt là rễ cây, chồi cây phát triển nhanh, khỏe nên cây lại hút chất dinh dưỡng sớm, khỏe, tăng khả năng chống chịu điều kiện ngoại cảnh bất lợi cho cây, đồng thời hút thêm các chất dinh dưỡng khác (phản ứng dây chuyền) có chứa trong phân và trong môi trường đất, nước cũng thuận lợi hơn. Tính thông minh của chế phẩm này là như vậy.

Vậy khi phối trộn chế phẩm này vào DAP có nâng cao hiệu quả sử dụng P trong phân này không? Câu trả lời là có. Vì vậy, phân DAP lúc này mang tính chất cả chậm tan và nhanh tan. Phần tan nhanh dùng cho cây ở thời kỳ đầu, phần chậm tan sẽ cung cấp cho cây ở các giai đoạn muộn hơn. Vì vậy, cây được cung cấp lân lâu dài hơn. Trong một loại phân mang cả hai đặc tính chậm tan và tan nhanh sẽ rất có lợi cho thời gian cung cấp P và các chất dinh dưỡng khác phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của cây. Về mặt lao động cũng sẽ tiết giảm được số lượng công mang vác và số lần bón vào ruộng. Ví dụ, để cung cấp đủ lân cho cây lúa, chỉ cần bón một lần vào đầu vụ là được.

Vậy Đầu Trâu DAP - Smart Zinc có thể bón cho các vùng đất phèn hay phèn mặn được không? Câu trả lời không những được mà là rất tốt. Ví dụ, các vùng đất U Minh Thượng, U Minh Hạ, Hòn Đất, Gò Quao, Tứ giác Long Xuyên hay các vùng có đặc tính tương tự sẽ rất phù hợp. Vậy cách sử dụng cũng như liều lượng bón phân Đầu Trâu DAP-Smart Zinc như thế nào để cho hiệu quả cao hơn, chất lượng tốt hơn? Xin lưu ý với bà con rằng, trong tổ hợp các chất dinh dưỡng bón cho lúa thì tỷ lệ N:P2O5:K2O là cần phải lưu ý nhất.

Khi đã dùng DAP thì trong phân đã có 2 thành phần đa lượng là N và P, nhưng N ít hơn P, chỉ chiếm 35% so với chất P mà thôi trong lúc đó chất N cây cần nhiều hơn. Do đó muốn cung cấp thêm chất N cho cây thì tốt nhất là dùng phân Ure, và chất Kali thì chỉ cần dùng phân KCl (phân muối ớt) ta chỉ cần tính cân đối thành phần và tỷ lệ cả 3 chất cho phù hợp là được.

Ví dụ, cán bộ khuyến nông khuyến cáo vùng đất của bạn bón 75-90kg N + 30-40kg P2O5 và 30-40kg K2O/ha. Nếu bạn dùng DAP - Smart Zinc, để thỏa mãn lượng P nói trên, chỉ cần bón 2 bao DAP là vừa, trong đó có chứa 16kg N, bón thêm khoảng 2 - 2,5 bao Ure là thỏa mãn chất N, cộng thêm khoảng 1 bao Kali/ha nữa là vừa. Sau khi cân đối số phân này rồi bạn không nên dùng thêm các loại phân NPK nào khác nữa. Vì như vậy sẽ dư phân, lãng phí, hiệu quả sử dụng phân sẽ thấp.

Ở các vùng bị nhiễm phèn hay mặn, lại do tác động của biến đổi khí hậu thì bạn cần dùng phân Đầu Trâu Mặn Phèn để bón lót. Trong phân này có chứa một ít chất N, 12% chất P, Ca và đặc biệt là Silic hoạt hóa nên rất tốt cho cây lúa và cả các cây khác. Đã dùng phân bón lót này thì DAP - Smart Zinc chỉ cần bón thúc lần 1 (sau sạ 8-15 ngày) và cũng chỉ cần bón 1 lần đã đủ P cho cây cả vụ. Trường hợp này bạn chỉ cần bón thêm 2 bao Ure là đủ và phân phối bón thúc các đợt cho phù hợp. Riêng Kali chỉ cần bón thúc đòng là được.

Xem thêm
Phân bón Đầu Trâu cải thiện chất lượng đất trồng cà phê vùng Tây Nguyên

Phân bón Bình Điền xây dựng quy trình canh tác cà phê thông minh cho từng tỉnh vùng Tây Nguyên để sản xuất cà phê bền vững, giảm giá thành, tăng thu nhập nhà nông.

Bệnh chết cây con dưa hấu và cách phòng trị

Dưa hấu có thể trồng quanh năm và cho giá trị kinh tế cao, nhưng thường bị bệnh chết cây con khiến nhà nông rất mệt mỏi và âu lo.

Mavin được vinh danh tại giải thưởng Saigon Times CSR 2024

Ngày 14/11/2024, tại GEM Center, TP.HCM, Tập đoàn Mavin đã vinh dự nhận giải thưởng Saigon Times CSR 2024 do The Saigon Times, thuộc Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức.

Giải pháp bổ sung khoáng cho ao nuôi tôm độ mặn thấp

ĐBSCL Khi nuôi tôm ở độ mặn thấp thường thiếu hụt khoáng chất. Vậy làm sao bổ sung khoáng chất cho ao nuôi có độ mặn thấp mà đạt hiệu hiệu quả?