| Hotline: 0983.970.780

Bón phân DAP cho lúa thế nào để có hiệu quả?

Thứ Sáu 18/09/2020 , 07:31 (GMT+7)

DAP là loại phân phức hợp, có chứa 2 thành phần là đạm (N) và lân (P), được xem là loại phân có tổng hàm lượng dinh dưỡng cao rất được nông dân ưa chuộng.

Trước đây, DAP nhập khẩu đa phần có công thức là 18-46-0, nghĩa là trong 100 kg DAP có 18 kg đạm (N) và 46 kg lân dễ tiêu (P2O5). Đạm trong DAP ở dạng amôn (NH4+) dao động từ 16-18% và P (P2O5) dao động từ 44-46%. Thời gian gần đây có thêm các loại DAP 16-44-0, 16-45-0 nhập khẩu và sản xuất trong nước. Bên cạnh hàm lượng lân và đạm thì các nhà sản xuất trong và ngoài nước còn bổ sung thêm các chất khác như chất tăng hiệu suất sử dụng phân lân trên vùng đất phèn, hay các chất sinh học như humic hay vi lượng nhằm gia tăng hiệu quả sử dụng phân DAP.

Khi nghiên cứu nhu cầu chất khoáng cho cây lúa trồng trong sản xuất, Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) đã cho thấy ngoài các chất trung, vi lượng ra, cứ đạt được 1 tấn thóc, cây lấy đi khoảng 18-19 kg chất đạm (N), 3-5 kg chất lân (P2O5) và khoảng 18-21 kg kali (K2O). Như vậy nếu bình quân ruộng lúa chỉ cần đạt được 5 tấn thóc khô, cây lúa lấy đi khoảng 90 - 95 kg N, 15-25 kg lân và 90 - 105 kg kali nguyên chất. Xem kết quả này cho thấy cây cần kali và đạm tương đương nhau, nhưng lượng lân lại ít nhất. Điều này không có nghĩa là chất P ít quan trọng cho cây lúa, mà trái lại lân là nguyên tố rất thiết yếu đối với cây lúa và tất cả các loại cây trồng nói chung.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì chất P cần thiết nhất để tạo ra các bộ phận mới như mầm rễ, mầm chồi, đẻ nhánh và tạo mầm hoa. Vì vậy, thông thường ta cần cung cấp các chất này sớm và đầy đủ để cây ra rễ sớm, thuận lợi. Khi bộ rễ phát triển sớm và khỏe sẽ giúp cây có điều kiện tìm thức ăn được sớm cũng làm cho các bộ phận khác sinh trưởng, phát triển nhanh và khỏe.

Phân Đầu Trâu DAP - Smart Zinc (Kẽm thông minh) của Phân bón Bình Điền. Ảnh: Phan Nam.

Phân Đầu Trâu DAP - Smart Zinc (Kẽm thông minh) của Phân bón Bình Điền. Ảnh: Phan Nam.

Như trên đã mô tả, cây lúa cũng cần bón N và P sớm, trong DAP thì hàm lượng P cao gấp 2,5 lần chất N. Vì vậy ta thường dùng bón DAP sớm để cung cấp P sớm cho cây trong giai đoạn 7-10 ngày và 18-22 ngày sau sạ, nhất là đối với vùng đất phèn, DAP có hàm lượng lân cao ngoài cung cấp lân cho cây lúa để cây ra rễ, đẻ nhánh thì P trong DAP có nhiệm vụ hạn chế phèn bởi lân có thể kết hợp với sắt, nhôm tạo ra các liên kết không gây độc cho cây. Chính điều đó mà lúa ra rễ và đẻ nhánh tốt hơn, giúp đảm bảo số chồi trên đơn vị diện tích.

Theo anh Hồ Thanh Chiến, một nông dân nhiều kinh nghiệm trồng lúa ở huyện Tri Tôn, An Giang cho biết, anh sử dụng DAP sớm cho 2 đợt bón thúc lần 1 và lần 2 anh thấy lúa đâm chồi nhiều hơn những người bón DAP trễ. Và ĐX 2019-2020 anh đạt năng suất lúa gần 1 tấn/ha với giống lúa OM 18, cũng chỉ bón DAP và Urê 2 đợt đầu, sau đó anh đón đòng bằng phân đón đòng Đầu Trâu TE A2.

DAP trên thị trường hiện nay có 2 loại, một loại tan nhanh, một loại tan chậm. Với 2 loại này thì DAP tan nhanh có ưu thế cho cây trồng cạn (nông dân dùng hoà nước tưới hoặc bón trực tiếp) và các vùng lúa đất phù sa ven sông; trong khi đó DAP tan chậm sẽ có ưu thế hơn ở các vùng lúa nhất là vùng đất phèn như Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Bởi trong DAP, lân ngoài mục đích cung cấp lân cho cây, lân còn giúp ém phèn và đạm cung cấp cho cây phát triển. Vì vậy tại các vùng này các loại lân tan chậm phát huy hiệu quả dài lâu hơn. Vì vậy thời gian gần đây vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên các loại phân DAP sản xuất trong nước được nông dân ưa chuộng.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng, trong 3 nguyên tố đa lượng là N, P và K khi bón vào đất thì hiệu quả sử dụng của P là thấp nhất. Bình quân bón P cho các loại đất khác nhau, cây chỉ sử dụng được khoảng 15-30% mà thôi. Trên đất phèn đang hoạt động tỷ lệ này chỉ đạt được 5-15%. Có nghĩa là bón 100 kg P cho đất thì vụ đó cây lúa chỉ sử dụng được 15 - 30 kg, thậm chí chỉ đạt được 5-15 kg, số còn lại bị các tác nhân như sắt (Fe), nhôm (Al) cố định lại thành dạng khó tiêu cây không sử dụng được trong vụ đó.

Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đã cải tiến các loại phân DAP để nâng cao hiệu quả sử dụng P của phân, như phối chế DAP với Avail đã được bà con nông dân đón nhận rộng rãi trong thập kỷ qua. Hiện công ty lại phối chế với một loại hoạt chất khác ngoài việc làm tăng hiệu quả sử dụng P, phân còn cung cấp thêm một số hoạt chất quan trọng khác cần thiết cho cây. Đó là Phân Đầu Trâu DAP - Smart Zinc (Kẽm thông minh).

Xem thêm
Xử phạt nhiều công ty, đại lý cung ứng phân bón giả, kém chất lượng

Cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai phát hiện, xử phạt nhiều công ty, đại lý cung ứng, phân phối phân bón giả chất lượng, kém chất lượng... cho bà con nông dân.

Lộc Trời ra mắt 2 sản phẩm sinh học mới

CẦN THƠ Ngành Vật tư Nông nghiệp Lộc Trời đã chính thức công bố, ra mắt hai bộ giải pháp canh tác sinh học với các sản phẩm dành riêng cho cây lúa NEMACES và ANMITE 40SC.

Bộ đôi Advance và Advance Pro: Định nghĩa mới về độ đạm chuẩn cho tôm

Advance và Advance Pro là bộ đôi thức ăn hàng ngày từ Grobest Việt Nam, giúp người nuôi đối phó với tình hình giá tôm giảm mạnh và chi phí nuôi tăng cao hiện nay.

Tập đoàn Hùng Nhơn có thêm thành viên thứ 16

Sau thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, Hùng Nhơn Group chính thức có thêm thành viên thứ 16.