Theo đó, trong giai đoạn 2022-2025, đề án có tổng kinh phí dự kiến hơn 5,1 ngàn tỷ đồng và giai đoạn 2026-2030 sẽ được rà soát bổ sung phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Nguồn kinh phí từ kinh phí sự nghiệp môi trường (cấp tỉnh và cấp huyện) hơn 2,6 ngàn tỷ đồng; kinh phí xây dựng cơ bản hơn 129 tỷ đồng; nguồn vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải hơn 2,3 ngàn tỷ đồng.
Về nguồn chi, đối với cấp tỉnh, Sở TN-MT sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường triển khai các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải khoảng 5 tỷ đồng. Đối với cấp huyện, UBND cấp huyện sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường và kinh phí xây dựng cơ bản cấp cho địa phương đầu tư cải tạo, xây dựng mới các trạm trung chuyển, lắp Camera giám sát hoạt động thu gom rác thải; bố trí khu vực, thùng chứa chất thải nguy hại trong sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp.
Đối với các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sử dụng nguồn kinh phí của doanh nghiệp để nâng cấp phương tiện, công nghệ, nhà máy xử lý chất thải và đầu tư các hạng mục tái chế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho biết, nhiều năm qua, công tác quản lý chất thải rắn, chất thải sinh hoạt luôn được tỉnh Đồng Nai quan tâm, chỉ đạo. Đồng Nai đặt mục tiêu giảm chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt xuống còn khoảng 5%. Điều này hoàn toàn có cơ sở bởi ngoài đề Đề án, trên địa bàn tỉnh hiện có 4 khu xử lý đã đảm bảo chôn lấp dưới 15%, một số khu đang đầu tư dây chuyền, lò đốt để được tham gia đấu thầu xử lý chất thải sinh hoạt.
Bên cạnh đó, Đồng Nai đang đẩy mạnh thực hiện phân loại, tái chế và tái sử dụng chất thải. Ngoài ra, tỉnh đang triển khai dự án Nhà máy đốt rác phát điện quy mô 800 tấn/ngày (giai đoạn 1), dự án này sẽ giải quyết khoảng 50% tổng lượng rác phát sinh của toàn tỉnh. Tỉnh cũng cần các Bộ, ngành hỗ trợ định hướng công nghệ, quy chuẩn kỹ thuật, khung giá xử lý chất thải theo loại công nghệ đốt.