| Hotline: 0983.970.780

Loay hoay giải pháp thu gom, xử lý rác thải ở nông thôn

Thứ Ba 29/03/2022 , 07:28 (GMT+7)

Địa hình trải dài, mật độ dân cư thưa thớt, ảnh hưởng rất lớn tới việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các vùng nông thôn tỉnh Quảng Ninh.

Rác thải khu vực nông thôn chiếm hơn 20%

Quảng Ninh là địa phương có địa hình trải dài, nhiều đồi núi, nên hầu hết khu vực nông thôn của tỉnh có mật độ dân cư thưa thớt, nằm rải rác, ảnh hưởng lớn tới việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Bên cạnh đó, nhiều xã chưa xây dựng được các điểm tập kết, trung chuyển rác, nên phụ thuộc vào các xe chuyên dụng để vận chuyển rác. Vì vậy, việc bố trí, sắp xếp thời gian để thu gom vận chuyển rác ở các điểm tập kết rác trên các xe đẩy tay ở các xã, thôn gặp nhiều khó khăn.

Qua tìm hiểu thực tế, tại các xã đều thành lập các tổ dịch vụ thu gom rác thải nhưng không có kinh phí để hoạt động, dù các tổ dịch vụ đã đi vào hoạt động nhưng theo hình thức tự quản, thu không đủ chi nên các thành viên tham gia chưa gắn bó với công việc.

Tình trạng người dân xả rác bừa bãi vẫn còn tồn tại ở vùng nông thôn, gây ảnh hưởng đến việc xây dựng NTM. Ảnh: Nguyễn Thành

Tình trạng người dân xả rác bừa bãi vẫn còn tồn tại ở vùng nông thôn, gây ảnh hưởng đến việc xây dựng NTM. Ảnh: Nguyễn Thành

Bên cạnh đó, Quảng Ninh có hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, với hai huyện đảo là Cô Tô và Vân Đồn có tới 11 xã đảo, nên việc thu gom, vận chuyển, quy hoạch điểm thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên các xã đảo là rất khó khăn, vất vả đối với những người lao động đang làm việc tại các công ty, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực môi trường.

Mặt khác, tại các vùng nông thôn, miền núi, nhiều hộ dân tự đốt hay chôn rác thải sinh hoạt ngay trong vườn nhà, việc làm này không đảm bảo vệ sinh môi trường, cũng như ảnh hưởng đến nguồn thu của các tổ dịch vụ.

Là một trong những tiêu chí về môi trường trong chương trình xây dựng NTM, để giải bài toán về thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại vùng nông thôn, thời gian qua. tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp về quản lý chất thải, cũng như chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường.

Cùng với đó, huy động các đơn vị, doanh nghiệp áp dụng công nghệ xử lý tiên tiến tham gia đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn quy mô lớn phục vụ chung cho các đô thị trong tỉnh, từng bước khắc phục, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải rắn gây ra, nhất là ở vùng nông thôn.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh, với tốc độ phát triển và đô thị hóa nhanh đã làm phát sinh quá tải môi trường thu gom và xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt. Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt toàn tỉnh trong một ngày khoảng 1.247 tấn và cả năm là khoảng 455.300 tấn. Trong đó, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị chiếm đến 79,2%, khu vực nông thôn chiếm 20,8%.

Chủ động trong công tác xử lý rác thải

Để thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực này, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt đề án điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh với 5 khu xử lý chất thải rắn cấp vùng. Đến nay đã thu hút được một số nhà đầu tư có năng lực, nghiên cứu xây dựng các cơ sở xử lý chất thải rắn bằng phương pháp đốt.

Theo đó, đã có 3/5 khu, nhà máy xử lý đi vào hoạt động là Khe Giang (TP Uông Bí), Quảng Nghĩa (Móng Cái), Tràng Lương (TX Đông Triều); Trung tâm xử lý chất thải rắn tại Vũ Oai, Hòa Bình (TP Hạ Long) chưa đưa vào hoạt động; khu xử lý chất thải rắn tại Đông Hải (huyện Tiên Yên) đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư, GPMB.

Người dân một số xã tại TX Quảng Yên (Quảng Ninh) sau khi khai thác hàu, hà thường tập trung vỏ chờ chôn lấp. Ảnh: Nguyễn Thành

Người dân một số xã tại TX Quảng Yên (Quảng Ninh) sau khi khai thác hàu, hà thường tập trung vỏ chờ chôn lấp. Ảnh: Nguyễn Thành

Đến nay, việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn Quảng Ninh vẫn xử lý bằng hai phương pháp chôn lấp và đốt. Nhiều huyện miền núi như Đầm Hà, Tiên Yên, Bình Liêu đều xử lý rác thải sinh hoạt bằng phương pháp chôn lấp, nên hiệu quả xử lý không cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến môi trường, cũng như sức khỏe của người dân.

Lãnh đạo Chi cục trưởng Bảo vệ Môi trường tỉnh Quảng Ninh cho biết, nhằm từng bước nâng cao hiệu quả việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, tỉnh Quảng Ninh đang xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, các địa phương xây dựng kế hoạch, thực hiện phương án phân loại rác tại nguồn theo mô hình tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu chất thải (3R) phù hợp với từng địa phương.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường tới người dân, cũng như tích cực triển khai thực hiện các mô hình tự quản, mô hình mẫu về bảo vệ môi trường như: “Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Khu phố, thôn, bản mẫu xanh - sạch - đẹp”.

Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, việc bố trí các khu xử lý tập trung nảy sinh những bất cập về công tác quản lý môi trường, tập kết, trung chuyển vận chuyển xa hơn, làm tăng kinh phí. Chưa quy hoạch các khu chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh tại từng địa phương và tại các khu xử lý cấp vùng, nên khi các nhà máy xử lý rác thải gặp sự cố, thì không có khu chôn lấp với công suất phù hợp. Do đó khi có kiến nghị của người dân thì phải di dời, làm ảnh hưởng đến sự chủ động của doanh nghiệp, chính quyền địa phương lúng túng trong việc bố trí địa điểm.

“Để nhanh chóng khắc phục những vướng mắc liên quan đến vấn đề này, tỉnh đã yêu cầu Sở Xây dựng, Sở TN-MT cùng với các đơn vị, địa phương liên quan rà soát, đánh giá lại công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt một cách chi tiết, cụ thể, mang tính đồng bộ cao, từ công tác lập quy hoạch đến bố trí các điểm trung chuyển, điểm đấu nối, phân công trách nhiệm, công nghệ xử lý”, ông Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết.

Thời gian tới, các địa phương cần bố trí tối thiểu một cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt hoặc khu liên hợp xử lý để chủ động trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý và thu hút đầu tư. Các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai để sớm đưa vào hoạt động.

Theo thống kê của Sở Xây dựng, hiện khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 1.250 tấn/ngày, trong đó khu vực nông thôn là gần tấn/ngày; tỷ lệ thu gom khoảng 91% (1.133 tấn/ngày). Dự kiến, đến năm 2030, lượng chất thải rắn sinh hoạt của tỉnh sẽ phát sinh khoảng 862.000 tấn/năm (gấp khoảng 2 lần hiện nay)

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.