Ngày 28/7, Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế về công tác đầu tư dự án hồ Thủy Cam, hồ Ô Lâu Thượng và sửa chữa đập Thảo Long.
Dự án hồ Thủy Cam (xã Lộc Thủy và xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc) có quy mô diện tích 135ha. Trong đó diện tích có rừng xin chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác gần 103ha.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, việc đầu tư dự án sẽ đảm bảo nguồn nước tưới cho khoảng 460ha đất canh tác, tạo nguồn cấp nước cho khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; góp phần giảm lũ cho hạ du và cải tạo môi trường sinh thái.
Hiện dự án đang được Bộ NN-PTNT thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng.
Dự án hồ Ô Lâu Thượng đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt trong Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Hương - Ô Lâu giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt trong Quy hoạch thủy lợi tỉnh đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035.
Đây là một trong những dự án xây dựng công trình thủy lợi trọng điểm tại tỉnh Thừa Thiên Huế, được Bộ NN-PTNT giao Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 5 làm chủ đầu tư.
Dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần đảm bảo cung cấp nguồn nước tưới cho khoảng 7.500ha, cấp nước nuôi trồng thủy sản khoảng 1.300ha; bổ sung nguồn nước cho hạ du trong mùa kiệt khoảng 4-5m3/s; tham gia chống lũ cho hạ du; kết hợp phát điện, cấp nước sinh hoạt, công nghiệp.
Công trình đập Thảo Long được khởi công tháng 8/2001 và khánh thành đưa vào khai thác cuối năm 2008, với tổng vốn đầu tư 152 tỷ đồng.
Công trình có chức năng ngăn mặn, giữ ngọt và phối hợp với các hồ thủy lợi Tả Trạch, hồ thủy điện Bình Điền thực hiện điều tiết, đảm bảo cung cấp đủ nước cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp, môi trường sinh thái, dân sinh cho toàn bộ vùng hạ du sông Hương.
Sau gần 15 năm đưa vào khai thác, vận hành, nhiều hạng mục công trình đập Thảo Long đã bị rỉ sét, xuống cấp, hư hỏng ảnh hưởng đến quá trình vận hành và hiệu quả công trình
Dự án sửa chữa đập Thảo Long tại xã Phú Thanh (thành phố Huế) có tổng mức đầu tư hơn 120 tỷ đồng do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 5 (thuộc Bộ NN-PTNT) làm đại diện chủ đầu tư.
Mục tiêu thực hiện nâng cấp các hạng mục xử lý chống thấm phía thượng lưu từ khoang số 8 đến khoang số 10, gia cố lòng dẫn hạ lưu cống nhằm đảm bảo an toàn.
Xây dựng và lắp đặt hệ thống giám sát, quan trắc, hệ thống điện điều khiển mới với thiết bị và công nghệ hiện đại. Sửa chữa nâng cấp nhà quản lý, hệ thống điện vận hành và điện chiếu sáng khu quản lý công trình. Ngoài ra, sẽ thay mới 1 cửa van khoang đập, cửa van âu thuyền và thiết bị đóng mở...
Đây là dự án thành phần số 8 đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt. Đến nay, dự án đã tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn thiết kế bản vẽ thi công, dự kiến triển khai thi công vào đầu năm 2024.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều hồ chứa nước nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước cho phát triển kinh tế của tỉnh.
Việc Bộ NN-PTNT có chủ trương triển khai đầu tư các dự án hồ, đập trên địa bàn là hết sức cần thiết. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cam kết sẽ phối hợp tích cực với các đơn vị liên quan, khảo sát, đề xuất và đưa ra các giải pháp cụ thể cho từng phương án nhằm triển khai các dự án hiệu quả nhất trên địa bàn.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá cao sự quan tâm của tỉnh Thừa Thiên Huế đối với công tác đầu tư, quản lý an toàn hồ đập, góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước, đảm bảo đời sống, sản xuất sinh hoạt của người dân trên địa bàn.
Liên quan đến việc đầu tư, sửa chữa các dự án hồ, đập trên địa bàn, Thứ trưởng khẳng định đây là các dự án cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, do vậy đề nghị tỉnh khẩn trương giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực hiện dự án. Tiếp tục rà soát và đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo việc đầu tư công trình mang lại hiệu quả thiết thực, đồng bộ.