| Hotline: 0983.970.780

Đẩy mạnh hợp tác quản lý tài nguyên nước với Hungary

Thứ Bảy 20/01/2024 , 16:45 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung chia sẻ, Việt Nam cần kinh nghiệm, kiến thức về quản lý an toàn hồ đập; điều tiết hạn hán, lũ lụt; đào tạo nguồn nhân lực của Hungary.

Đoàn Việt Nam và Hungary chụp ảnh lưu niệm.

Đoàn Việt Nam và Hungary chụp ảnh lưu niệm.

Nền móng hợp tác lâu dài, bền vững

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hungary của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ngày ngày 19/1, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung và đoàn công tác Việt Nam có buổi làm việc song phương với đoàn đại biểu Bộ Nội vụ Hungary do Thứ trưởng Retvari Bence làm trưởng đoàn.

Bày tỏ niềm vui được đến thăm và làm việc với Bộ Nội vụ Hungary, Thứ trưởng Hoàng Trung khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác với Hungary.

Quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước được duy trì trong những năm qua. Từ năm 2020 đến nay, kim ngạch thương mại hai nước luôn đạt trên 1 tỷ USD.

Theo Thứ trưởng, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng với gần 100 triệu dân, có mức tăng trưởng kinh tế ổn định 6 - 7%/năm suốt thời gian qua. Việt Nam cũng là cửa ngõ cho các nhà đầu tư thâm nhập thị trường Đông Nam Á, với hơn 650 triệu dân.

"Cùng với Hiệp định Thương mai tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, chúng ta có cơ sở vững chắc để tin rằng hợp tác giữa hai nước sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ", Thứ trưởng Hoàng Trung nói.

Giới thiệu những thành tựu của ngành Nông nghiệp, Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh tới lĩnh vực trồng trọt. Ông cho biết, từ một nước phải nhập khẩu lương thực những năm 1980, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam hiện nằm trong tốp 3 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

"Để phát huy hết tiềm năng và nâng chất lượng các sản phẩm trồng trọt thêm một bước, đóng góp của các công trình thủy lợi hết sức quan trọng. Việt Nam đánh giá cao các kinh nghiệm của Hungary trong công tác quản lý nước tổng hợp, cụ thể là quản lý lưu vực sông, dự báo hạn và cảnh báo lũ. Hungary cũng phát triển mạnh các công nghệ lọc nước và tái sử dụng nước thải", lãnh đạo Bộ NN-PTNT nói tiếp.

Thứ trưởng Hoàng Trung và Thứ trưởng Retvari Bence trao đổi những nội dung hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ trưởng Hoàng Trung và Thứ trưởng Retvari Bence trao đổi những nội dung hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.

Dựa trên tiềm năng và nhu cầu hợp tác, Chính phủ Việt Nam và Hungary đã ký thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực quản lý nước vào ngày 16/9/2013. Sau đó, vào năm 2020, hai bên tiếp tục triển khai kết quả Khóa họp lần thứ 9 Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Hungary, trong đó có chương trình hợp tác thuộc lĩnh vực nguồn nước.

Bộ NN-PTNT và Bộ Nội vụ Hungary đã cử đại diện tham gia Tổ công tác về hợp tác quản lý nước. Nhóm đã thảo luận và xây dựng chương trình làm việc cho giai đoạn 2020 - 2022. Tuy nhiên, do khó khăn trong đại dịch Covid-19, các hoạt động của chương trình chưa được triển khai.

Thứ trưởng Hoàng Trung tin tưởng, với một loạt kết quả sau chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đặc biệt là việc ký kết Kế hoạch hành động cho giai đoạn 2024 - 2026, Bộ NN-PTNT và Bộ Nội vụ Hungary sẽ có cơ sở để hiện thức hóa các hoạt động hợp tác trong tương lai gần.

5 nhóm nội dung hợp tác

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT khẳng định, Việt Nam sẵn sàng đón các chuyên gia Hungary sang Việt Nam trong năm 2024 để họp Nhóm công tác quản lý nước, nhằm thảo luận chi tiết hơn về hợp tác kỹ thuật trong giới thiệu và chuyển giao các công nghệ tiên tiến về xử lý nước của Hungary.

Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý nước, nhằm hỗ trợ cho sự hợp tác, phát triển nông nghiệp của hai bên để thích ứng với các diễn biến phức tạp của khí hậu hiện nay.

Thứ trưởng Hoàng Trung đề nghị phía Hungary 5 nội dung hợp tác về vấn đề này. Một là, thúc đẩy hợp tác trong quản lý thủy lợi và cấp nước sạch nông thôn, trong đó chú trọng nghiên cứu phát triển thể chế, chính sách trong thủy lợi và bảo đảm an ninh nguồn nước và phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ trưởng Retvari Bence khẳng định sẽ tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác giữa 2 bên.

Thứ trưởng Retvari Bence khẳng định sẽ tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác giữa 2 bên.

Hai là, nghiên cứu phát triển quy hoạch sử dụng nước trên lưu vực; các giải pháp quản lý úng lụt, và một số kỹ thuật cảnh báo và dự báo lũ lụt.

Ba là, trao đổi kinh nghiệm hiện đại hóa vận hành hệ thống thủy lợi, đặc biệt trong giai đoạn hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, nước biển dâng; các cơ chế định giá dịch vụ thủy lợi, đa dạng hóa dịch vụ thủy lợi theo hướng đa mục tiêu và đa giá trị.

Bốn là, trao đổi kỹ thuật các vấn đề cấp nước sạch, an toàn cho khu vực nông thôn; các công nghệ lọc nước cho hệ thống cấp nước sạch nông thôn.

Năm là, hợp tác trao đổi chuyên gia, tăng cường năng lực chuyên môn, quản lý trong lĩnh vực liên quan.

Bày tỏ niềm vui được đón tiếp đoàn Việt Nam và đánh giá cao những ý tưởng về việc phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, Thứ trưởng Hungary Retvari Bence cho biết biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới mọi quốc gia.

Để ứng phó một cách chủ động, linh hoạt với biến đổi khí hậu, các nước đã nghiên cứu nhiều phương án. Từ kinh nghiệm của Hungary, quốc gia này tập trung vào tài nguyên nước, bởi lĩnh vực này góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo tốc độ phát triển của kinh tế thế giới.

Hungary có nhiều kinh nghiệm hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thủy lợi, theo ông Retvari. Dựa trên hệ thống cấp nước phong phú, đa dạng, quốc gia Trung Âu đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế, trong đó có Hội nghị phát triển hành tinh bền vững năm 2021 tại thủ đô Budapest.

"Hungary là nước có diện tích nhỏ, không có biển, với địa hình lòng chảo. Các con sông ở Hungary đều bắt nguồn từ các quốc gia lân cận. Do đó, hoạt động tưới tiêu, thủy lợi rất quan trọng với chúng tôi", ông Retvari chia sẻ.

Hai Thứ trưởng ký thỏa thuận hợp tác, trong đó có lĩnh vực tài nguyên nước.

Hai Thứ trưởng ký thỏa thuận hợp tác, trong đó có lĩnh vực tài nguyên nước.

Thứ trưởng Retvari Bence thừa nhận, cũng do địa hình lòng chảo, Hungary chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu. Nhận thức được điều này, Hungary đang phát triển hệ thống quản lý theo dõi hạn hán. Hệ thống này có hơn 100 trạm nghiên cứu trên cả nước.

Quốc gia 10 triệu dân cũng đang nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm này. 

Trường Đại học Thủy lợi được giao làm đầu mối triển khai

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Retvari Bence nhận định, đào tạo chuyên môn là yếu tố quan trọng để xây dựng, quản lý các hệ thống thủy lợi một cách bền vững.

Đất nước nằm trên 2 dòng sông Danube và Tisza có nhiều trường đại học triển khai chương trình đào tạo bằng tiếng nước ngoài, cụ thể là tiếng Anh. Việc này giúp các trường của Hungary có nhiều điều kiện mở rộng hợp tác đào tạo, bao gồm cả đào tạo chuyên môn, chuyên ngành.

Nổi bật trong lĩnh vực đào tạo quản lý nước là Trường Đại học Công nghệ và kinh tế Budapest và Trường Hành chính công quốc gia. Riêng trường Budapest chuyên về quản lý nước và môi trường, đóng góp khoảng 70% nguồn kỹ sư xây dựng, hóa, khoa học tự nhiên cho Hungary.

Cả hai trường đều có nguồn lực để đào tạo quốc tế và hợp tác triển khai các dự án nước ngoài.

Các sinh viên Việt Nam có thể đăng ký tham gia hệ thống học bổng của Chính phủ Hungary để học tập tại cả hai trường. Ngoài ra, các trường của Việt Nam cũng có thể trao đổi sinh viên với 2 trường này.

"Việt Nam và Hungary đã có lịch sử trao đổi đào tạo. Nhóm công tác chung 2 nước về quản lý nước đã được thành lập. Chúng tôi cam kết tạo điều kiện thuận lợi để các đối tác Việt Nam tham gia những cơ sở đào tạo tại Hungary. Trong quá khứ, Hungary đã cử chuyên gia sang châu Phi và hiện sẵn sàng cử chuyên gia sang khu vực châu Á", Thứ trưởng Retvari Bence nhấn mạnh.

GS.TS Trịnh Minh Thụ (trái), Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi tặng quà lưu niệm Thứ trưởng Retvari Bence.

GS.TS Trịnh Minh Thụ (trái), Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi tặng quà lưu niệm Thứ trưởng Retvari Bence.

Phản hồi các ý kiến của phía Hungary, Thứ trưởng Hoàng Trung mong muốn Hungary tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý nước tổng hợp, bền vững.

"Việt Nam rất cần kinh nghiệm, kiến thức về quản lý an toàn hồ đập; điều tiết hạn hán, lũ lụt; đào tạo nguồn nhân lực. Hy vọng thời gian tới sẽ có thêm nhiều sinh viên Việt Nam được nhận học bổng tham gia các chương trình đào tạo tại hai trường nổi tiếng của Hungary", Thứ trưởng bày tỏ.

Ông cũng đề nghị Chính phủ Hungary sớm cử chuyên gia sang hợp tác, giúp Việt Nam xây dựng chiến lược, chính sách trong lĩnh vực quản lý nước.

Trong khuôn khổ buổi làm việc, hai bên thống nhất giao Trường Đại học Thủy lợi là đầu mối hợp tác trong các lĩnh vực: Đào tạo, chuyển giao công nghệ; Giao lưu sinh viên, đào tạo đại học, sau đại học và các khóa ngắn hạn; Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Đây là trường đại học hàng đầu Việt Nam, chuyên về đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực thủy lợi, thủy điện, tài nguyên nước. Trường có đội ngũ giảng viên, nhà khoa học giàu kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao, cùng với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại.

GS.TS Trịnh Minh Thụ, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi tin tưởng rằng, với sự hỗ trợ của Bộ NN-PTNT, Bộ Nội vụ Hungary và các đối tác liên quan, nhà trường sẽ thực hiện tốt vai trò là đầu mối hợp tác trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, góp phần nâng cao năng lực quản lý tài nguyên nước của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước.

Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Hoàng Trung và Thứ trưởng Retvari Bence ký Kế hoạch hành động hợp tác song phương Việt Nam - Hungary giai đoạn 2024 - 2026 trong khuôn khổ Thỏa thuận giữa hai Chính phủ về Hợp tác trong lĩnh vực quản lý nước được ký ngày 16/9/2013 tại Hungary.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm