| Hotline: 0983.970.780

Đẩy mạnh liên kết chuỗi

Thứ Ba 07/01/2020 , 13:15 (GMT+7)

Từ những lợi ích mà liên kết chuỗi mang lại, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đang đẩy mạnh xây dựng mô hình này để hướng đến sự phát triển bền vững.

11-02-35_nh_1_lien_ket
Mô hình liên kết trong sản xuất giúp nông dân yên tâm về đầu ra cho nông sản.

Tại xã Xuân Trường (TP Đà Lạt) nhiều hộ sản xuất cà phê tham gia hợp tác xã nên nông sản được tiêu thụ đều với giá cao hơn thị trường. Ông Võ Khanh, Giám đốc HTX Thương mại Công Bằng cho biết, HTX có khoảng 30 nông hộ tham gia và thực hiện sản xuất sạch theo hướng hữu cơ.

Ông thổ lộ: “Cà phê của các thành viên được HTX thu mua với giá cao hơn thị trường từ 6.000-7.000 đồng/kg. Nhờ liên kết sản xuất sạch nên HTX đảm bảo được chất lượng lẫn số lượng nông sản để đáp ứng nguồn nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến. Mỗi năm, HTX cung ứng đều đặn khoảng 150 tấn nhân cho doanh nghiệp có trụ sở ở Hà Nội và tiêu thụ thị trường tự do khoảng 300 tấn".

Trong khi đó, huyện Đơn Dương có nhiều mô hình liên kết sản xuất rau, hoa hoạt động hiệu quả. Tại đây, nông dân trực tiếp làm việc với doanh nghiệp hoặc thông qua các HTX để đưa sản phẩm đến đơn vị thứ 3.

Anh Bùi Thành An, ngụ xã Lạc Lâm cho biết, gia đình anh liên kết với Công ty Phong Thúy sản xuất 2ha rau. Vườn được làm theo tiêu chuẩn VietGAP và được doanh nghiệp này bao tiêu 100% nông sản.

Theo anh An, trước đây, gia đình anh từng sản xuất rau tự do và đầu ra chủ yếu dựa vào thương lái nên gặp nhiều rủi ro. Khi Công ty Phong Thúy mở ra chương trình liên kết, hợp tác sản xuất thì gia đình đăng ký tham gia.

“Liên kết với doanh nghiệp nên mình yên tâm về đầu ra cũng như giá cả. Có điều, để làm được với họ thì mình cũng phải tuân thủ nhiều quy định. Trong đó, quan trọng nhất là làm ra rau, củ phải đạt hình thức, số lượng lẫn chất lượng”, anh An thổ lộ.

Một cán bộ Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, toàn tỉnh có khoảng 316 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp. Nguồn nông sản làm ra dồi dào và nếu nông dân không tham gia các liên kết sản xuất thì chịu nhiều ảnh hưởng bởi sự tác động của thị trường. Do vậy, tỉnh có chủ trương, chính sách phát triển liên kết chuỗi.

Hiện toàn tỉnh có khoảng 145 chuỗi liên kết với sự tham gia của 90 doanh nghiệp, 85 HTX, tổ hợp tác, cơ sở nhỏ và gần 16 nghìn hộ nông dân. Hầu hết các loại nông sản của tỉnh đều có mô hình liên kết chuỗi và phát triển, trong đó nhiều nhất vẫn là rau, tiếp đến là cà phê, chè… Tổng sản lượng nông sản tham gia chuỗi liên kết khoảng 500 nghìn tấn, trong đó rau chiếm đến 243 nghìn tấn và cà phê là 60 nghìn tấn… Hình thức liên kết ở 145 chuỗi này chủ yếu là sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho biết, ở tỉnh có các chuỗi điển hình như HTX Tân Tiến với 60 hộ tham gia, quy mô diện tích 80ha rau, Công ty Việt Farm có 25 hộ tham gia với diện tích 30ha rau. Các chuỗi này mỗi năm sản xuất và tiêu thụ khoảng từ 2.500-3.200 tấn nông sản.

Cũng theo ông Châu, hoạt động liên kết chuỗi giúp nông dân ổn định đầu ra cho nông sản, chủ động nguồn nguyên liệu cho chế biến. Các nông sản tham gia chuỗi liên kết được sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật, đạt được chứng nhận sản phẩm an toàn và được dán tem truy xuất nguồn gốc. Chính điều này giúp nông sản có giá cao hơn 15-20% so với giá thị trường.

11-02-35_nh_2_lien_ket
Tỉnh Lâm Đồng phát triển mô hình liên kết bền vững.

Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đẩy mạnh liên kết chuỗi trong sản xuất gắn với thu hút đầu tư để từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản. Đây cũng là yếu tố tiền đề để hướng đến phát triển thị trường, củng cố thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản và xây dựng nền nông nghiệp bền vững, hiện đại. Tỉnh phấn đấu 65% hộ nông dân vào chuỗi liên kết với 50% nông sản được tiêu thụ ổn định qua hợp đồng vào năm 2025.

Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, hoạt động của các HTX đóng vai trò trung gian trong kết nối giữa doanh nghiệp với nông dân để hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Mô hình kinh tế tập thể ở hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh. Nhiều xã có đến 10 HTX đang hoạt động, hiệu quả tốt. Chính vì vậy, phần lớn các chủng loại nông sản của nông dân đều có cơ hội tham gia các chuỗi liên kết...

Xem thêm
10 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu 60.900 tấn hải sản từ Na Uy

Trong 10 tháng đầu năm 2024, Na Uy đã xuất khẩu sang Việt Nam 60.900 tấn hải sản, trị giá gần 201 triệu USD.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Điểm nhấn 'xanh' của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam tại VINACHEM EXPO 2024

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) tham dự 'Triển lãm Công nghiệp hóa chất Việt Nam lần thứ 20 - VINACHEM EXPO 2024' từ ngày 27 - 29/11 tại TP. HCM.

TP Phủ Lý mở rộng được công nhận là đô thị loại II

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà công nhận thành phố Phủ Lý là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Hà Nam.