Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng thịt lợn của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 3%, đạt 3,8 triệu tấn nhờ sự mở rộng đàn lợn khi khả năng kiểm soát dịch tả lợn châu Phi (ASF) được cải thiện.
Sản lượng thịt lợn của Mỹ dự kiến sẽ tăng 2% vào năm 2025, đạt 12,9 triệu tấn, do sự gia tăng về số lượng lợn giết mổ và số lượng lợn con trên mỗi lứa. Ngoài ra, lợi nhuận của ngành được cải thiện vào năm 2024 và chi phí thức ăn thấp hơn dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trọng lượng lợn. Xuất khẩu thịt lợn của Mỹ dự kiến sẽ tăng 3,4% vào năm 2025, đạt 3,4 triệu tấn do nguồn cung trong nước dồi dào và khả năng cạnh tranh mạnh mẽ về giá xuất khẩu.
Sản lượng thịt lợn ở Brazil ước tính sẽ tăng 1,2%, đạt 4,6 triệu tấn, nhờ nhu cầu xuất khẩu mạnh và chi phí đầu vào thấp hơn.
Với EU và Trung Quốc, USDA dự báo sản lượng thịt lợn sẽ giảm. Cụ thể, sản lượng thịt lợn của EU dự kiến giảm 1,6% trong năm 2025, xuống còn 20,9 triệu tấn do giá thịt lợn giảm.
Mặc dù lợi nhuận ngành thịt lợn ở Trung Quốc đã cải thiện vào năm 2024, nhưng sản lượng thịt lợn Trung Quốc dự kiến sẽ giảm 2,2% vào năm 2025 xuống còn 55,5 triệu tấn. Việc giảm số lượng lợn nái trong năm 2024 sẽ làm giảm số lượng lợn giết mổ trong năm 2025. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn ở Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục yếu, do tình hình kinh tế bất ổn và xu hướng chuyển sang tiêu thụ thịt gia cầm ngày càng tăng.
Do dự kiến sản lượng giảm ở Trung Quốc và EU cao hơn mức tăng trưởng ở Mỹ, Việt Nam và Brazil, nên sản lượng thịt lợn thế giới năm 2025 dự kiến sẽ giảm 0,8% xuống còn 115,1 triệu tấn.