ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu đoàn An Giang. |
Sau khi trao đổi với đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đưa ra nhiều ý kiến xung quanh vấn đề ô nhiễm môi trường và cả việc Trung Quốc vươn ra Biển Đông sau khi tài nguyên của nước này bị cạn kiệt.
Về vấn đề Biển Đông, đại biểu Hiếu nêu thực tế là Trung Quốc đã chuyển từ giai đoạn xây dựng, bồi đắp (các thực thể trên Biển Đông) sang giai đoạn quân sự hóa và khai thác, sử dụng.
"Chúng ta cần công khai, cập nhật chi tiết hoạt động lấn chiếm biển đảo, vi phạm luật pháp quốc tế của họ, để dư luận tiến bộ Việt Nam và trên toàn thế giới, bao gồm cả nhân dân Trung Quốc, được biết", đại biểu đề nghị.
Ông Hiếu cũng cho rằng, các phương pháp chúng ta sử dụng trong thời gian vừa qua với phương châm vừa hợp tác vừa đấu tranh kiên quyết, kiên trì, xử lý các hành vi xâm phạm chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình không làm giảm đi lòng tham của Trung Quốc.
Do đó, cần có thêm những biện pháp mới theo nguyên tắc mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã khẳng định bất di bất dịch là "không bao giờ nhân nhượng những gì thuộc về độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ".
"Rất nhiều ý kiến cử tri đã đề nghị đưa vụ việc ra tòa án quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ kiện Trung Quốc xâm phạm bãi Tư Chính, mà chúng ta sẽ đưa toàn bộ các hoạt động Trung Quốc vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam; xây dựng trái phép, quân sự hóa nhiều đảo, bãi đá trên Biển Đông trong suốt thời gian qua. Khi có chính nghĩa của dư luận quốc tế, ngay cả nhân dân Trung Hoa sẽ hiểu sự phi lý của chính quyền Trung Quốc, không thể phớt lờ lẽ phải hiển nhiên", đại biểu đoàn An Giang cho biết thêm.
"Chúng ta có chính nghĩa, dư luận quốc tế và ngay cả người dân Trung Quốc sẽ hiểu sự phi lý của chính quyền Trung Quốc", ông Hiếu nói.
Trước đó, khi tranh luận với ý kiến của đại biểu Tô Văn Tám cho rằng Việt Nam đã "thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ môi trường có hiệu quả", đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng tình hình ô nhiễm không khí, đặc biệt ở thành phố lớn, đã đạt mức báo động đỏ.
Nguồn khí thải độc hại không phải chủ yếu từ các phương tiện giao thông đường bộ, mà 75% là từ các nguồn thải khác. Chính vì vậy, phải can thiệp chính sách; có sự phối hợp của nhiều ban, ngành, địa phương mới có khả năng khắc phục vấn đề này.
"Khắc phục vấn đề này không thể là cải tạo môi trường đơn lẻ, hay che giấu kết quả quan trắc, xử phạt vi phạm mà cần sự vào cuộc thực sự của cơ quan chức năng", đại biểu nói và cho hay, dù Việt Nam có quỹ bảo vệ môi trường nhưng ông chưa rõ về hoạt động của quỹ này.
Ngoài ra, ông cho rằng hình ảnh người Hà Nội phải xếp hàng đi lấy và mua nước sạch đã lộ ra "sự lỏng lẻo trong quản lý nguồn nước, còn những khe hở để những kẻ không có lương tâm, luồn lách thu lợi trên sức khoẻ người dân".
Vì vậy, ông đề nghị cơ quan chức năng rà soát văn bản pháp luật đã ký với các công ty cấp nước đã cổ phần hoá để "đảm bảo nguồn nước trên phạm vi cả nước".