| Hotline: 0983.970.780

ĐBSCL chống xâm nhập mặn: Chủ động từng giờ, linh hoạt từng vùng

Thứ Ba 30/01/2024 , 07:30 (GMT+7)

Chuyên gia cho rằng, để giảm thiệt hại do hạn mặn, ĐBSCL cần chủ động dự báo sớm và sản xuất một cách linh hoạt theo từng vùng, từng địa phương.

Dự báo sớm hạn mặn

Theo dự báo của Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), mùa khô 2023 - 2024, xâm nhập mặn ở ĐBSCL ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, gây hạn hán và thiếu nước trên diện rộng, ảnh hưởng lớn đến đời sống và hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân. 

Cụ thể, hạn hán, xâm nhập mặn được dự báo gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân và hệ thống cấp nước khu vực ven biển thuộc các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang. Khoảng 100.000ha cây ăn trái và lúa được dự báo có khả năng bị ảnh hưởng bởi đợt hạn mặn.

 Mùa khô 2023 – 2024 được dự báo hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước khốc liệt hơn các năm trước. Ảnh: Hồ Thảo.

 Mùa khô 2023 – 2024 được dự báo hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước khốc liệt hơn các năm trước. Ảnh: Hồ Thảo.

Bài liên quan

Phân tích về mùa khô năm 2023 – 2024, PGS.TS Lê Anh Tuấn (Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ) cho biết, đợt hạn mặn năm nay có khả năng khốc liệt, vượt qua những năm 2015 – 2016 và 2019 – 2020.

Điều này được ông Tuấn lý giải là sự xuất hiện của hiện tượng El Nino diễn ra theo chu kỳ 4 năm lặp lại một lần và đúng vào mùa khô năm 2024. Ngoài ra, giai đoạn 2023 – 2024 còn ghi nhận là năm nắng nóng kỷ lục tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, việc xây dựng nhiều đập để lưu giữ nước ở phía thượng nguồn sông Mê Kông nhằm mục đích sản xuất điện cũng làm gia tăng tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt trong thời gian tới.

“Mặc dù thủy điện không tiêu thụ nước và không gây hạn mặn nhưng quá trình giữ nước để sản xuất điện lại khiến tình trạng thiếu nước trở nên trầm trọng hơn. Chưa kể, trong tương lai việc triển khai công trình kênh đào Phù Nam ở Campuchia đưa nước ra Vịnh Thái Lan được dự báo sẽ làm tình trạng thiếu nước ngọt phía hạ lưu sông Mê Kông càng thê thảm”, ông Tuấn phân tích.

Chuyên gia này quan ngại, hoạt động kinh tế của con người, việc khai thác quá mức nguồn nước ngầm để phục vụ cho đời sống, phát triển kinh tế - xã hội cũng gây ra sự cạn kiệt nguồn nước, càng làm gia tăng nguy cơ xâm nhập mặn.

Điển hình, trong đợt hạn mặn 2015 – 2016, công tác dự báo của các địa phương còn lúng túng, gây ảnh hưởng đến sản xuất  nông nghiệp. Đến mùa khô 2019 – 2020, rút bài học kinh nghiệm, việc dự báo được chuẩn bị từ sớm, giúp giảm thiểu thiệt hại.

Nông dân cần sử dụng nước tiết kiệm để giảm rủi ro thiếu nước vào mùa khô. Ảnh: Hồ Thảo.

Nông dân cần sử dụng nước tiết kiệm để giảm rủi ro thiếu nước vào mùa khô. Ảnh: Hồ Thảo.

PGS.TS Lê Anh Tuấn cho biết, trong mùa khô 2024, việc chủ động từng giờ và xây dựng các kịch bản từ trước mà các địa phương vùng ĐBSCL đã, đang triển khai là giải pháp hiệu quả để người dân có thể ứng phó và giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất.

Linh hoạt trong sản xuất

Bài liên quan

Bên cạnh công tác dự báo, PGS.TS Lê Anh Tuấn cũng khuyến cáo các địa phương cần tăng cường việc tích nước ngọt bằng cách mở rộng diện tích các vùng, dụng cụ trữ như ao, hồ, lu đựng, bể chứa... Người dân nên sử dụng túi đựng nước từ đầu mùa mưa năm trước. Đồng thời cần sự phối hợp giữa ngành nông nghiệp và đơn vị cấp thoát nước trong quản lý nguồn tài nguyên nước, thường xuyên khuyến cáo người dân sử dụng nước một cách tiết kiệm nhất.  

Chuyên gia này cũng đề xuất Bộ NN-PTNT tham khảo thêm ý kiến của nhiều nhà khoa học đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Mục tiêu là tiến hành tính toán và quy hoạch vùng trồng phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương nhằm đảm bảo sự linh hoạt trong sản xuất nông nghiệp. 

Một vấn đề đáng quan tâm hiện nay là giá lúa đang tăng giá khiến nông dân đua nhau mở rộng diện tích sản xuất sau Tết. Đây cũng là thời điểm đợt hạn hán, xâm nhập mặn đạt đỉnh, điều này sẽ khiến tình trạng thiếu nước trở nên trầm trọng hơn.

Do đó, ông Tuấn đề xuất duy trì diện tích lúa ở mức vừa phải tại các vùng nước ngọt dồi dào như Đồng Tháp, An Giang và một phần tỉnh Kiên Giang.

Bài liên quan

Bên cạnh đó, từng địa phương nên chú ý các giải pháp trước mắt như vùng thiếu nước không nên tăng vụ, bố trí dịch chuyển khung thời vụ cho phù hợp để tránh hạn, né mặn. Đẩy mạnh chuyển đổi sang cây trồng chịu mặn, ngắn ngày để tăng hiệu quả sản xuất và tiết kiệm nước tưới. Ưu tiên cấp nước cho nhu cầu sinh hoạt của người dân, đặc biệt ở những khu vực ven biển. Tiếp theo là đảm bảo nguồn nước cho gia súc và hoạt động nuôi trồng thủy sản, đặc biệt trong ngành nuôi tôm. Sau đó là đảm bảo cấp nước cho vườn cây ăn trái, hoa màu và cuối cùng là cây lúa, theo thứ tự ưu tiên giá trị từ cao xuống thấp.

Theo ghi nhận, từ cuối năm 2023, các địa phương vùng ĐBSCL đã triển khai kịch bản ứng phó, thực hiện nhiều biện pháp như nạo vét hệ thống kênh mương, xây đắp đập tạm ngăn mặn và tăng cường lưu trữ nước ngọt. Việc chuyển đổi các loại cây trồng có khả năng chịu mặn tại những khu vực bị ảnh hưởng cũng được thực hiện để đảm bảo nguồn nước đủ cho sinh hoạt của người dân.

Giải pháp về lâu dài, ông Tuấn cho rằng các tỉnh thành vùng ĐBSCL cần sớm hoàn thành kiểm kê tài nguyên nước để chủ động bố trí sản xuất phù hợp, khuyến cáo người dân thay đổi mùa vụ, cây trồng, tập quán canh tác để thích ứng với điều kiện thực tế tại địa phương, nhất là những năm cực đoan.

“Trước khi quyết định trồng cây sầu riêng, chúng ta cần tham khảo dự báo về độ mặn trong khu vực, xác định lượng mưa dự kiến. Nếu dự báo cho thấy độ mặn sẽ vượt quá mức chấp nhận được, người dân nên hạn chế mở rộng diện tích trồng mới ồ ạt”, ông Tuấn khuyến cáo cho vùng trồng sầu riêng.

Việc ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn không chỉ là vấn đề ngắn hạn mà còn đòi hỏi chiến lược và tính toán dài hạn. Do đó, xây dựng một chiến lược với mục tiêu rõ ràng, đồng thời đánh giá cẩn thận về lợi ích, chi phí là vô cùng quan trọng. Trong khi đó, việc thực hiện các biện pháp công trình phải tính toán kỹ lưỡng về chi phí và tác động đến môi trường, xã hội...

Giải pháp công trình cống ngăn mặn ngày càng phổ biến tại ĐBSCL. Ảnh: Hồ Thảo.

Giải pháp công trình cống ngăn mặn ngày càng phổ biến tại ĐBSCL. Ảnh: Hồ Thảo.

Khuyến khích các địa phương sử dụng nguồn kinh phí triển khai ngay các biện pháp phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn, bao gồm cả việc quan tâm đến nạo vét và duy trì hệ thống kênh trục.

Ngoài ra, các tỉnh và thành phố cần thiết lập các hệ thống quan trắc và giám sát liên tục về tình hình xâm nhập mặn tại các khu vực có nguy cơ cao giúp cung cấp thông tin chính xác và kịp thời, từ đó hỗ trợ trong việc hướng dẫn người dân lấy nước ngọt để phục vụ cả mục đích sản xuất và sinh hoạt hàng ngày.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 04/CĐ-TTg về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Bộ NN-PTNT được giao nhiệm vụ tổ chức theo dõi sát diễn biến và dự báo về nguồn nước, chất lượng nước và nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn để cung cấp thông tin cho các địa phương và người dân. Đồng thời chủ động chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với diễn biến thực tế tại từng thời điểm, từng khu vực. Bên cạnh đó, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức sản xuất để hạn chế thấp nhất thiệt hại của người dân.

Mặc dù đợt hạn mặn năm 2023 – 2024 được dự báo khốc liệt hơn các năm trước, nhưng nhờ những cảnh báo kịp thời và sự ứng phó chủ động từ trung ương, ông Tuấn tin rằng đợt hạn mặn năm nay thiệt hại sẽ giảm đáng kể.

Xem thêm
Chọn phương án tối ưu để Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước dừng hoạt động

Chiều 6/1, Thủ tướng chủ trì phiên họp thảo luận việc kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Điều tra việc đào bới trái phép mộ chúa Nguyễn Phúc Khoát

Nơi an nghỉ của chúa Nguyễn Phúc Khoát bị kẻ xấu đào bới trái phép. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Về xứ Tuyên ở nhà trên núi

Nông thôn xứ Tuyên đang dần tìm lại bóng dáng làng xưa với niềm tự hào kiêu hãnh, cũng bởi lẽ đó nhiều khách phương xa muốn tìm về!