| Hotline: 0983.970.780

ĐBSCL: Nhà vườn tích cực chuẩn bị ứng phó xâm nhập mặn

Thứ Sáu 15/01/2021 , 12:11 (GMT+7)

Cao điểm hạn mặn sẽ từ 8/2 đến 6/2 năm2021. Hiện nay, chính quyền địa phương và nhân dân ở vùng ĐBSCL đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp phòng chống xâm nhập mặn.

Tại Tiền Giang, vùng có diện tích cây ăn trái lớn nhất ĐBSCL với trên 80 nghìn ha. Năm nay, chính quyền địa phương và bà con nông dân đang tích cực trữ nước ngọt phòng chống hạn mặn. Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục thuỷ lợi Tiền Giang cho biết: Hiện chúng tôi đã có các phương án phòng chống xâm nhập mặn vào mùa khô sắp đến. Bên cạnh vận hành các cống ngăn mặn thì địa phương cũng đang triển khai đắp các đập tạm, ngăn kênh tích trữ nước ngọt. Dự kiến đắp khoảng 7- 8 đập tạm.

Nông dân trữ nước ngọt chống mặn. Ảnh: Minh Đảm.

Nông dân trữ nước ngọt chống mặn. Ảnh: Minh Đảm.

Còn tại Vĩnh Long, theo Sở NN-PTNT trong điều kiện hạn, mặn ít gay gắt toàn tỉnh chủ động tưới tiêu 112.855 ha đất nông nghiệp kiểm soát mặn tốt. Tuy nhiên, trong điều kiện hạn, mặn gay gắt như mùa khô năm 2019- 2020, toàn tỉnh có trên 18.000 ha cây trồng bị thiếu nước tưới và khoảng 3.000 ha cây trồng bị nhiễm mặn. Ông Lưu Nhuận, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho rằng phải dùng giải pháp công trình để ứng phó xâm nhập mặn. Theo đó, cần phải đê bao khép kín kết hợp với hoàn thiện các công trình cống, đập, bộng để chủ động kiểm soát mặn.

Cụ thể, đối với vùng ảnh hưởng mặn từ phía sông Cổ Chiên, xây dựng cống Vũng Liêm, cống rạch Cái Tôm để ngăn mặn xâm nhập theo hướng sông Cổ Chiên vào các vùng Trung Thành Tây, Quới An và khu vực thị trấn Vũng Liêm (huyện Vũng Liêm). Các công trình này kết hợp với tuyến đê bao ven sông Cổ Chiên, các công trình đã có cống Nàng Âm, cống Cái Hóp để kết hợp ngăn mặn trong thời kỳ độ mặn ở sông Cổ Chiên lên cao (từ tháng 1 đến tháng 4 hàng năm). Bên cạnh đó là việc hoàn thiện các tuyến đê bao ven sông Cổ Chiên và sông Măng Thít, xây dựng các công trình kiểm soát nước dưới các tuyến đê bao, cống, bộng và hoàn thiện hệ thống cống kiểm soát mặn cho khu vực cù lao xã Thanh Bình (Vũng Liêm).

Tại Bến Tre, mùa hạn mặn năm nay, tỉnh chủ động triển khai các giải pháp ứng phó như: phát động nhân dân trữ nước mưa, nước ngọt và thực hiện các giải pháp công trình ngăn mặn. Đến nay, các cống ngăn mặn như: Trung Nhuận, Xẻo Rắn, cống Cây Da và cống Trục kênh 418 đã được thi công hoàn thành có thể khép kín, bảo vệ được cánh đồng 12.000 ha ở huyện Giồng Trôm và một phần của huyện Ba Tri. Bên cạnh đó, một số cống ngăn mặn ở An Hiệp, Sơn Đông thuộc thành phố Bến Tre đã thi công xong và sẵn sàng khép kín khi hạn mặn đến. Tỉnh cũng đã có kế hoạch đắp đập tạm sông Ba Lai khi mặn xâm nhập sâu vào nội đồng.

Đắp đập ngăn mặn tại Bến Tre. Ảnh: Minh Đảm.

Đắp đập ngăn mặn tại Bến Tre. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bến Tre thông tin: Năm nay người dân trong tỉnh có những động thái chuẩn bị ứng phó hạn mặn rất tốt. Cụ thể, tại những vùng sản xuất cây ăn trái, ngoài việc mua những túi trữ nước như những năm trước, người dân còn làm các hồ chứa nước để chủ động trong sản xuất cây giống cũng như một số cây đặc sản khác. Thêm vào đó, tại một số vùng, người dân cũng đã có sự chuyển đổi trong cơ cấu giống, mùa vụ.

Một số vùng trồng cây giống, bên cạnh việc đào ao trữ nước, người dân còn được ngành chuyên môn hướng dẫn dịch chuyển mùa vụ thu hoạch, tạo hoa, tạo quả phù hợp với điều kiện xâm nhập mặn bất khả kháng xảy ra.

Rút kinh nghiệm từ những thiệt hại do hạn mặn vừa qua, người dân Bến Tre luôn trong tâm thế sẵn sàng ứng phó sớm trước xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021. Giải pháp được ưu tiên sử dụng là mua dụng cụ trữ nước ngọt. Ông Nguyễn Chí Tâm, chủ cơ sở Cây giống Tấn Tài tại xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách cho hay, đầu năm 2020, ở Phú Sơn mặn xâm nhập rất nặng nề. Hầu như các hộ sản xuất cây giống đầu phải tốn vài chục đến vài trăm triệu chở nước ngọt tưới cây. Năm nay, cơ sở của anh cũng chuẩn bị dụng cụ chứa nước ngọt. Hiện các hộ sản xuất cây giống ở địa phương đang tích cực đào ao, dùng bạt công nghiệp trải dưới đáy ao để chứa nước ngọt. Với cách làm này, những cơ sở sản xuất cây giống nhỏ cũng trữ được khoảng 200 - 300m3 nước ngọt. Các cơ sở sản xuất lớn trữ được từ 700 - 1.000 m3 nước ngọt phục vụ sản xuất trong các tháng mùa khô.

Mặn ở ĐBSCL lên cao nhất từ ngày 8/2-16/2/2021

Theo bản tin dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam: Trung Quốc giảm xả nước từ thủy điện xuống hạ lưu từ ngày 5/1/2021 đến ngày 24/1/2021 để bảo trì lưới điện, lưu lượng xả ra từ thủy điện Cảnh Hồng xuống hạ lưu sẽ giảm xuống còn khoảng 1000 m3/s. Lưu lượng giảm 904 m3/s so với trước đó. Đây được xem là yếu tố bất lợi cho sản xuất trên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khi lượng trữ trong Biển Hồ (Tonle Sap) và dòng chảy đến trạm Kratie (Campuchia)-đầu châu thổ Mê Công đang giảm nhanh.

Tại đầu nguồn ĐBSCL, mực nước lớn nhất ngày 07/1 tại trạm Tân Châu đạt 1,65 m (cao hơn 0,52 m so với năm 2016 và cao hơn 0,55 m so với năm 2020). Tại Châu Đốc đạt 1,78 m (cao hơn 0,55 m so với năm 2016 và cao hơn 0,54 m so với năm 2020). Dự báo, nguồn nước mùa khô năm 2020-2021 về vùng ĐBSCL qua trạm Kratie xấp xỉ so với trung bình 10 năm gần đây, lưu lượng bình quân tháng 1/2021 cao hơn so với 2016 và tháng 2 thấp hơn so với 2016.

Người dân lót bạt trữ nước đấy ao dùng cho mùa khô xâm nhập mặn sắp tới. Ảnh: Minh Đảm.

Người dân lót bạt trữ nước đấy ao dùng cho mùa khô xâm nhập mặn sắp tới. Ảnh: Minh Đảm.

Việc giảm xả thủy điện Trung Quốc với thời gian kéo dài 20 ngày ở tháng 1, sẽ ảnh hưởng đến ĐBSCL vào cuối tháng 1 và đầu tháng 2, dự báo hết ảnh hưởng ra đến biển đến 25/2/2021 và mặn lên cao nhất từ ngày 8/2-16/2/2021, đúng dịp tết Nguyên Đán-Xuân Tân Sửu. Độ mặn 4g/l có thể xâm nhập vào sâu trên dòng chính, các cửa sông Cửu Long từ 50-70km và từ 85- 95km trên sông Vàm cỏ..

Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam khuyến cáo, các địa phương vùng ĐBSCL cần chủ động các biện pháp phòng chống hạn mặn này từ bây giờ, như: vận hành hệ thống công trình hợp lý, tăng cường khả năng lấy nước ngay khi có thể, hạn chế tiêu thoát, đảm bảo tích trữ nước trước khi các ảnh hưởng gia tăng từ thượng nguồn về. Đồng thời, giám sát chặt chẽ, thường xuyên xâm nhập mặn để điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với các diễn biến nguồn nước. Việc tăng cường các giải pháp tích nước vào hệ thống kinh, mương, ao, các dụng cụ trữ khác ngay từ bây giờ đến 7/2/2021 rất cần thiết, góp phần hạn chế thiệt hại do đợt mặn tăng cao từ ảnh hường của giảm xả nước hồ chứa phía thượng lưu.

  • Tags:
Xem thêm
Năm Bộ giữ nguyên tên sau hợp nhất, thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo

Tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị về tên gọi sau hợp nhất của một số bộ, Bộ Nội vụ cho biết có Năm Bộ giữ nguyên tên sau hợp nhất.

Cống âu Rạch Mọp cán đích trước tháng 3/2025

Sóc Trăng Cống âu Rạch Mọp đang bước vào giai đoạn nước rút, các kỹ sư, công nhân quyết tâm thi công xuyên Tết, phấn đấu đưa công trình vào vận hành trước tháng 3/2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Livestream bán hàng, tặng vé xe cho 2.000 công nhân về quê đón tết

TP.HCM Chương trình 'Tết đong đầy - Sum vầy tình thân' của Thành Đoàn TP.HCM hỗ trợ 2.000 công nhân có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết sum họp với gia đình.