| Hotline: 0983.970.780

ĐBSCL: Nhấp nhổm trước tin xăng dầu tăng giá

Thứ Hai 07/01/2008 , 12:40 (GMT+7)

Mấy ngày qua, giá dầu thế giới tăng cao, vì vậy giá xăng dầu trong nước cũng "đứng ngồi không yên". Điều này khiến người dân thấp thỏm, lo âu. Trong khi đó, chênh lệch giá giữa nội địa và bên kia biên giới Campuchia có lúc lên đến 5.000đồng/ lít xăng đã biến biên giới Tây Nam trở thành cửa khẩu buôn lậu xăng dầu nhộn nhịp nhất nước.

Một đồn mười, mười đồn trăm…

Dù mới chỉ là tin đồn giá xăng trong nước sẽ tăng lên mức 17.000 đồng/lít (tăng thêm 4.000 đồng/lít), nhưng anh  Nguyễn Văn Bắc, một nông dân ở xã biên giới Vĩnh Điều, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) cho biết, mấy ngày qua hầu hết các cây xăng ở đây đều bán cầm chừng chờ tăng giá. Thậm chí họ viện dẫn lý do ở khu vực biên giới bị cấm bán vào can để không bán hàng cho người dân. Thế nhưng, khi chiều đến thì các cửu vạn lại tha hồ đến chở xăng dầu đi. “Ở đây hầu hết nông dân đều làm ruộng  nhỏ lẻ, bơm tưới bằng máy xăng. Đợt tăng giá vừa rồi đã khiến chúng tôi lao đao. Bây giờ nghe nói xăng lại tăng giá nữa, muốn mua một can về bơm nước không phải dễ” – anh Bắc than.

Còn anh Lê Văn Thành Dân, người có thâm niên trồng kiệu bán vào dịp Tết ở thị trấn Sóc Sơn (Hòn Đất) thì bức xúc: “Giá xăng dầu cứ tăng ào ào, trong khi giá kiệu lại không tăng, khiến nông dân chúng tôi mất ăn mất ngủ. Mọi năm, thời điểm này thương lái đã tìm đến đặt hàng, thậm chí trả tiền trước để mua nguyên cả rẫy. Thế nhưng năm nay vẫn chưa thấy mối lái nào hỏi mua hàng. Nếu giá xăng lại tiếp tục tăng nữa thì lỗ là cái chắc”.

Ở Hậu Giang, nhiều nông dân cũng “than trời” trước thông tin giá xăng rụch rịch nhảy cóc. “Thời buổi vật giá leo thang, cứ hễ xăng dầu tăng giá cái gì cũng tăng theo. Nông dân chúng tôi đang lao đao vì giá vật tư, phân bón, giờ mà xăng lại tăng nữa thì lấy gì sống!” – ông Trần Văn Tặng ở xã Hỏa Lựu, thị xã Vị Thanh (Hậu Giang) than rát ruột.

Sang khu vực huyện An Phú (An Giang), chính nạn xăng dầu liên tục “chảy máu” mà không ai “cầm”, đã làm cho các hộ nuôi trồng thuỷ sản, canh tác lúa thần nông bị thiếu hụt xăng dầu. Tình trạng xăng dầu được bán nhỏ giọt vẫn còn là “một thách thức đối với người dân nơi đây.

Buôn lậu xăng dầu manh động, bất chấp!

Trước thông tin giá xăng rục rịch tăng, những ngày gần đây, chúng tôi đã có cuộc hành trình về lại vùng biên giới Tây Nam! Một số chủ trạm xăng đóng trên địa bàn tỉnh An Giang cho biết, giá bán lẻ xăng A92 bên Campuchia đã vượt mức 1 USD/ lít. Giá này cao hơn giá bán lẻ ở thị trường nội địa lên đến 5.000đồng/ lít. Món lợi “béo bở” này  khiến con buôn và các trạm xăng đóng dọc biên giới bất chấp mọi thủ đoạn để đưa xăng dầu xuất lậu.

Nhiều người dân địa phương cho biết, tình trạng bán hàng trăm can xăng trong “nháy mắt” cho con buôn tại cây xăng nằm ngay cửa Đồn biên phòng Cửa khẩu Tịnh Biên vẫn tiếp diễn. Nạn “chảy máu” xăng dầu qua biên giới sôi động. Nhiều đối tượng vì hám lợi dám bất chấp tất cả. Cảnh tiếp tay cho buôn lậu người dân phải chứng kiến mỗi ngày. Nhiều người dân còn cho biết, khi đến mua hàng các trạm xăng bán kiểu “vui bán buồn thôi” và còn thách thức người dân cứ đi thưa coi ai dám xử. “Ở đây tụi tao đã mua hết các lực lượng chống buôn lậu rồi, bọn mày làm gì được”.

Tại huyện biên giới Tịnh Biên (An Giang), mặc dù trên những cánh đồng nước đã rút cạn, nhưng vỏ lãi chở đầy ấp những can xăng dầu vẫn tì tạch suốt ngày đêm. Dưới các con lạch băng đồng vẫn còn nước có thể cho vỏ lãi xẻ thẳng về hướng núi Thâm - Đưng (Campuchia). Có mặt tại điểm nóng này, đã chạng vạng tối chúng tôi vẫn thấy nhiều chiếc vỏ lãi tranh thủ chuyển những chuyến hàng khẳm mẹp. Trên con kênh Vĩnh Tế chạy dài từ cầu Hữu Nghị về hướng Vĩnh Gia, Vĩnh Điều qua huyện Kiên Lương (Kiên Giang), lũ lượt tàu chở xăng móc ga phóng bạt mạng.

Chống lậu như thế nào?

Trước thảm cảnh xăng dầu “chảy máu” mà công tác chống buôn lậu xăng dầu hiện nay không khác “bắt lịch đằng đuôi”! Chính kiểu chống như “cưỡi ngựa xem hoa” đã khiến người dân vùng biên bức bách. Nhiều người dân phản ánh với chúng tôi: “Mỗi lần họ lên kiểm, bắt qua loa một số can rồi lại về. Bắt xong rồi bán lại cho chính chủ cây xăng bị bắt thì bắt để làm gì? Quay lưng đi chúng nó bán tiếp cho buôn lậu, ai làm gì được?”

Ở Kiên Giang, địa bàn chiến lược và luôn “hót” nhất về tình trạng buôn lậu là vùng Đầm Chích thuộc xã Tân Khánh Hoà, huyện Kiên Lương. Tại một cửa hàng xăng nằm trên tuyến quốc lộ N1. Xăng dầu được nhiều xe thồ đèo chạy vào những con đường đất đỏ nông thôn đến sông Giang Thành. Cách đồn biên phòng đóng gần đó khoảng 200m vẫn còn là một bãi tập kết lớn. Ranh giới Việt Nam – Campuchia tại địa phận này chỉ cách nhau con sông Giang Thành, rộng chưa đầy 30m. Xăng dầu tập kết phía bờ Việt Nam, người buôn chỉ cần dùng xuồng ba lá chất đầy xăng dầu là coi như vượt biên trót lọt. Người buôn xăng bên này chỉ cần dùng tay đẩy chiếc xuồng ba lá băng sông, bên kia có người trực sẵn chuyển hàng về nước bạn. Chưa đầy một giờ đồng hồ, tại đoạn sông này đã có hàng trăm can xăng “sang sông” an toàn.

Đề cập đến tình trạng “chảy máu” xăng dầu, một số cán bộ địa phương “phớt lờ”. Đến gặp Sở Thương mại tỉnh An Giang ba lần, chúng tôi vẫn không có được một “cái hẹn”. “Ông Giám đốc đã bảo những ngày cuối năm bận việc lắm, chừng nào ông nói rảnh thì chúng tôi sẽ cho các anh hay!” – một cán bộ của Sở này nói. Chúng tôi thắc mắc, nếu nói vậy thì cả năm chúng tôi vẫn không có cơ may gặp được ông Giám đốc Sở Thương mại An Giang? Người cán bộ này nói: “Thủ trưởng đã trả lời thế, là lính làm sao chúng tôi sao dám cãi”.

Đến xin gặp UBND tỉnh An Giang thì nơi đây lại bảo Sở Thương mại mới nắm, cứ đến đó hỏi. Chạy sang quản lý thị trường lại than khó kiểm soát, vì lực lượng này không thường trực đóng chốt tại các tuyến biên giới. Có lẽ chính kiểu quản lý "không giống ai, không ai chịu cả" của tỉnh An Giang nên hàng ngày mới có cảnh xăng dầu ùn ùn sang sông!

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 2] Nỗi lo các khu neo đậu tàu thuyền

Trong những năm qua, hệ thống cảng cá ở các tỉnh Duyên hải miền Trung dù đã được đầu tư nâng cấp, nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.