| Hotline: 0983.970.780

‘Di sản vàng’ bên bờ biển xanh: [Bài 1] Báu vật ở Sa Huỳnh

Thứ Hai 24/02/2025 , 05:22 (GMT+7)

Quảng Ngãi Gò Cỏ ẩn hiện giữa núi rừng bên bờ biển xanh đêm ngày rì rầm sóng vỗ. Nơi đây còn ẩn chứa bao điều kỳ thú làm say đắm lòng người.

Tuyệt tác của tạo hóa

Vùng đất Sa Huỳnh nằm ở cực nam tỉnh Quảng Ngãi với khung cảnh hoang sơ và thơ mộng. Những ngọn núi vươn ra biển tạo nên vẻ đẹp mơ màng làm say lòng viễn khách. Bãi biển cong tựa vầng trăng non từ trời cao rơi xuống trần thế. Bờ cát vàng mịn màng bên biển xanh. Rặng thùy dương lả lơi vi vu với gió từ khơi xa thổi vào bờ. Làng quê bên biển với những con người kiên cường trước bão giông và giàu lòng hiếu khách. Trong đó, có làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ chứa bao điều kì thú.

Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi tìm hiểu kè đá do người Chăm tạo dựng ở làng Gò Cỏ.

Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi tìm hiểu kè đá do người Chăm tạo dựng ở làng Gò Cỏ.

Làng Gò Cỏ (phường Phổ Thạnh, TX Đức Phổ, Quảng Ngãi) nằm xen giữa những ngọn núi nhấp nhô với độ cao không đồng đều, chênh nhau từ 20 - 50m so với mực nước biển. Nhìn từ trên cao, những ngôi nhà nhuốm màu rêu phong ẩn hiện giữa um tùm cây lá. "Xem những bức ảnh và thước phim từ Flycam ghi lại hình ảnh Gò Cỏ đẹp lắm. Thế là em cùng bạn bè đến đây tham quan và thưởng thức những món ăn dân dã đậm đà hương vị...", anh Nguyễn Minh Hòa, du khách đến từ huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) tâm sự.

Thủy triều xuống thấp, những gành đá ven biển lộ vẻ đẹp ngỡ ngàng. Phía đông - bắc làng là ngọn núi vươn ra biển với vô số tảng đá lớn nhỏ xếp chồng lên nhau như chàng dũng sĩ ưỡn ngực chặn những cơn sóng ầm ào vỗ vào bờ. Trên núi là rừng cây xanh tốt bốn mùa xào xạc gió thổi suốt đêm ngày. Phía đông - nam của làng có ngọn núi đá nhô ra biển, cư dân trong vùng gọi là mũi bang bang.

Núi đá có nhiều hang hốc với những chuyện kể vô cùng lý thú. Có hang đá là nơi trú ngụ của người dân, du kích và bộ đội trong những năm chiến tranh tránh nhiều cuộc càn quét của lính Mỹ và Việt Nam cộng hòa. Nghi có người trú ẩn trong hang, lính Mỹ thả hóa chất tạo khói cay gây ngộp thở và mắt cay xòe khi hít phải. Vì thế, người dân Gò Cỏ gọi đấy là hang Mù Cay. Có hang là nơi chim sáo trú ngụ nên gọi là hang Sáo. Sáo luyến láy hát ca hòa cùng tiếng sóng biển vỗ vào gành đá tung bọt nước trắng xóa. Hình thù những tảng đá và hang hốc khá sinh động. Qua thời gian, nước bào mòn những khối đá tạo thành đường cong lồi lõm vô cùng hấp dẫn khiến du khách thích thú ngắm nhìn. "Khung cảnh trong làng, ngoài bờ biển, nhất là những gành đá, hang đá được nhiều du khách si mê. Họ say sưa ngắm nhìn và chụp ảnh khi đến tham quan ở nơi này...", chị Trần Thị Thu Thủy - Giám đốc Hợp tác xã du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ cho biết. 

Dấu xưa còn đó 

Gò Cỏ có con đường lát đá nối làng với bãi biển Vũng Bàng. Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định, đây là con đường có từ thời  Sa Huỳnh cổ. Những người này là chủ nhân của nền văn hóa Sa Huỳnh có niên đại khoảng 3.000 năm trước. Họ cuốc bộ từ làng ra bãi cát vàng mịn màng rồi chèo những con thuyền nhỏ dập dềnh trên sóng nước đánh bắt cá ở vùng biển gần bờ. Cạnh con đường cổ có tảng đá bazan khá lớn, mặt phẳng hướng về phía nam khắc 6 dòng chữ Chăm cổ với đường nét mềm mại, uyển chuyển. Những dòng chữ trên bia đá mang thông điệp của tiền nhân giờ vẫn còn bí ẩn với hậu thế.

Ông Phạm Rổ vái lạy trước miếu Thổ Chủ.

Ông Phạm Rổ vái lạy trước miếu Thổ Chủ.

Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi - chuyên gia khảo cổ, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi phỏng đoán, đây là văn bia ngoài trời của người Chăm, phổ biến ở những thế kỷ đầu công nguyên. Như vậy là bia đá có từ ngàn năm trước. Vào giai đoạn muộn hơn, người Chăm tạo bia và đặt trong đền tháp. "Những dòng chữ lưu lại trên đá cho thấy kỹ thuật cao của người Chăm. Nếu bút không tốt thì sẽ không được như vậy bởi vì đá bazan rất dễ vỡ. Bia được đặt ở vị trí này chứng tỏ đây là vùng biển nổi tiếng. Bảo tàng Tổng hợp tỉnh phối hợp với Viện Viễn Đông Bác Cổ dịch nội dung văn bia để xác định chính xác niên đại...", tiến sĩ Khôi cho biết.

Hậu duệ của cư dân Sa Huỳnh cổ là người Chăm Pa tiếp nối tổ tiên sinh sống trên mảnh đất này và để lại vết tích khiến bao người ngỡ ngàng. Địa hình núi đồi nhấp nhô, chen chúc đá lớn nhỏ nên việc lập vườn, dựng nhà làm nơi trú ngụ vô cùng gian khó. Họ gom từng viên đá rồi xếp chúng lên nhau thành bờ kè ngăn nước mưa trôi đất làm nên khu vườn nhỏ trước khi dựng nhà.

Giờ, kè đá nhuộm màu rêu phong sau bao ngày mưa nắng, gợi vẻ cổ xưa, kích thích sự tò mò của những người khách thập phương. Họ sờ nắn từng viên đá, tâm trí như đang mơ màng tìm về cõi xa xăm. Con đường gập ghềnh níu chân du khách bởi kè đá bên cạnh được tạo thành từ sự khéo léo của người xưa. Kè đá vững chãi qua bao đời khiến cho hậu thế nghiêng mình thán phục.

"Kè đá ở vườn nhà tôi có từ lâu lắm rồi lâu lắm rồi nhưng chẳng sạt lở gì cả. Và tất cả những bờ kè đá trong làng này đều như thế...", bà Bùi Thị Sen nói.

Miếu Thổ Chủ - Nét đẹp văn hóa của người Việt

Nét hoang sơ ở làng Gò Cỏ.

Nét hoang sơ ở làng Gò Cỏ.

Gò Cỏ có ngôi miếu chứa bao điều huyền bí, chốn linh thiêng đối với cư dân trong vùng. Trải qua mưa nắng, miếu bị hư hại trong nỗi xót xa của bao người. Ban Giám đốc Hợp tác xã du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ dựng lại ngôi miếu nhỏ bằng thân tre già mọc quanh vườn nhà. Những khúc tre tròn và thanh tre chẻ mỏng được chuốt láng bóng và sơn phết cẩn thận ánh màu sương gió. Miếu đặt trên tảng đá lớn bên gốc da và bồ đề cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

"Miếu này xây dựng từ ngày xưa bị hư hại chỉ còn những đồ thờ cúng bằng gốm đặt trong hốc cây. Năm 2023 chúng tôi làm miếu bằng tre để thắp hương...", chị Trần Thị Thu Thủy - Giám đốc Hợp tác xã du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ cho biết.

Những bậc cao niên kể lại, ngày trước, xung quanh miếu cây cối um tùm khiến nhiều người e ngại khi đến nơi này. Dân trong vùng khi đi gần ngôi miếu phải cúi đầu, im lặng vì sợ làm điều thất lễ với đấng siêu nhiên. Người lớn nhắc nhở trẻ thơ không nên đến gần hoặc gây ồn ào làm ảnh hưởng đến vẻ thanh tịnh quanh ngôi miếu khiến nơi đây nhuốm màu huyền bí. Trong những năm chiến tranh, lính Mỹ và ngụy cũng không dám lai vãng đến nơi này. Những đợt càn quét, họ luôn ôm súng đi vòng khá xa chứ không dám đến gần ngôi miếu. "Nhiều đời ông bà truyền lại là ngôi miếu rất linh thiêng. Vậy nên khi đi ngang qua miếu phải bày tỏ lòng tôn kính, không dám thở mạnh chứ đừng nói là to tiếng...", bà Bùi Thị Anh (73 tuổi) cho biết.  

Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi khẳng định: Đó là miếu Thổ Chủ, thờ người Chăm có công khai khẩn vùng đất này. Miếu được xây dựng lần đầu tiên khi người Việt đến định cư nơi đây từ thuở chúa Nguyễn mở mang đất phương Nam. Đấy là nét đẹp văn hóa của cư dân Việt, thể hiện sự tri ân đối với những người có công mở mang đất đai, tạo lập xóm làng. 

"Người Việt còn có phong tục cúng tá thổ, tức là cúng người Chăm có công mở đất. Ngày trước, cha tôi duy trì tục lệ tốt đẹp này. Giữa trưa, ông cụ bày biện lễ vật ra vườn rồi thành tâm cúng bái hết sức nghiêm trang...", tiến sĩ Khôi cho biết.

Du khách đến tham quan làng Gò Cỏ.

Du khách đến tham quan làng Gò Cỏ.

Hàng ngày, ông Phạm Rổ (64 tuổi, nhân viên bảo vệ khu nhà mẫu homestay và nhà trưng bày câu chuyện Công viên di sản làng Gò Cỏ) quẩn quanh bên miếu. Ngày rằm và mùng một, ông dâng hoa trái rồi thắp hương cúng bái. Ông quỳ trên tảng đá lớn trước ngôi miếu, miệng lầm rầm khấn nguyện cầu cho gia đình dồi dào sức khỏe, bà con láng giềng yên ổn làm ăn, cuộc sống đủ đầy...

"Có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Không chỉ riêng tôi mà bà con ở đây luôn tôn kính vị thần được thờ trong ngôi miếu như ông bà tổ tiên của mình thờ ở bàn thờ trong nhà. Mình thắp hương khấn vái hy vọng mọi điều tốt đẹp đến với gia đình và mọi người...", ông tâm sự.

Bao đời, câu tục ngữ: "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" luôn khắc ghi trong tâm trí người Việt. Và, ngôi miếu Thổ Chủ ở nơi đây là minh chứng cho sự tri ân của hậu nhân đối với người có công khai khẩn đất đai, lập nên xóm làng.

Gò Cỏ vẫn còn bao điều huyền bí. Những giếng Chăm hàng trăm năm tuổi nằm bên biển mặn nhưng vẫn ngọt lành. Nơi này còn những câu chuyện ly kỳ về cuộc sống của người xưa. (còn nữa)...

Cuộc sống của người dân Gò Cỏ lặng lẽ trôi tựa mây bay qua đỉnh núi chiều phai nắng. Ngày kia, Tiến sĩ Guy Martini - Tổng thư ký mạng lưới công viên địa chất toàn cầu của UNESCO đến đây khảo sát. Ông dạo bước trên những con đường uốn lượn lên xuống quanh làng, sờ vào từng viên đá, ngắm nhìn giếng cổ cùng núi đồi nhấp nhô bên cát vàng - biển xanh đêm ngày sóng vỗ. Sau khi tìm hiểu, ông cho rằng, làng Gò Cỏ và văn hóa Sa Huỳnh là báu vật.

Chính ông thảo dự án kêu gọi cộng đồng chung tay gìn giữ di sản làng Gò Cỏ. Lời kêu gọi ấy được Tổ chức môi trường Thái Bình Dương hưởng ứng, hỗ trợ 10.000 USD giúp người dân bảo vệ môi trường. "Gò Cỏ nói riêng và không gian văn hóa Sa Huỳnh nói chung là báu vật của Việt Nam. Nơi đây hội đủ văn hóa - địa chất để trở thành một thực thể sống động của không chỉ một nền văn hóa...", ông khẳng định. 

       

Xem thêm
Công bố quyết định kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư với TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng đoàn Kiểm tra số 1908 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư công bố quyết định kiểm tra năm 2025 với TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Báo chí - Đối tác không thể thiếu trong phát triển ngành nông nghiệp

Ngày 22/2, tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì buổi gặp mặt báo chí đầu năm, đồng thời phát động Giải Báo chí Kinh tế Nông nghiệp lần VI-2025.

Từ 1/3, ô tô điện không còn được miễn 100% lệ phí trước bạ

Bắt đầu từ ngày 1/3/2025, ô tô điện chạy pin đăng ký lần đầu tại Việt Nam sẽ không còn được hưởng mức lệ phí trước bạ 0% như trước.

Hà Nội lắp đặt camera giám sát vệ sinh môi trường tại bốn quận trung tâm

Hà Nội lắp camera giám sát tại 4 quận trung tâm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trung nhằm phát hiện, xử lý hành vi bỏ rác không đúng nơi quy định.

Bình luận mới nhất