| Hotline: 0983.970.780

ĐBSCL vững tin trước thiên tai kép

Thứ Ba 04/08/2020 , 06:35 (GMT+7)

Những ngày này ĐBSCL mưa dầm, ai cũng lo ngại, còn doanh nghiệp đắn đo thiệt hại kép giữa thiên tai và Covid.

Bão số 2 đã làm hàng trăm căn nhà, cây xanh ở ĐBSCL bị sập và tốc mái. Ảnh: Hoàng Vũ.

Bão số 2 đã làm hàng trăm căn nhà, cây xanh ở ĐBSCL bị sập và tốc mái. Ảnh: Hoàng Vũ.

Vững tin

Ông Nguyễn Minh Trí, GĐ Công ty TNHH DAFA Việt (kinh doanh trong lĩnh vực phân bón, thuốc BVTV ở ĐBSCL) chia sẻ: Thiên tai đến không ai có thể cưỡng lại được. Quan trọng nhất là bình tĩnh lắng nghe và chủ động đối phó.

Đối với doanh nghiệp, chúng tôi dự đoán sự việc xảy ra, nên doanh nghiệp đã chủ động chia sẻ với bà con nông dân và đại lý. Ngay đợt cách ly xã hội trước đây, doanh nghiệp cũng đã chủ động làm như vậy. Chúng tôi đã duy trì các chính sách hỗ trợ nông dân và không bao giờ gây áp lực về giá cả.

Ông Trí chia sẻ thêm: Những ngày này chúng tôi đã lặn lội về các nhà vườn trồng cây ăn trái và ra đồng ruộng vùng ĐBSCL. Hiện các vườn cây ăn trái bị thiệt hại chưa kịp phục hồi được cũng khá nhiều.

Chúng tôi nhận thấy, một số mặt hàng phân bón chủ yếu cung cấp về nông thôn cho trồng lúa, rau màu, do nhu cầu đều tăng cao. Tuy nhiên, chúng tôi phân định rằng mọi cố gắng và sự bình tĩnh trong chính mỗi người chúng ta giữa lúc thiên tai hiện nay là cần thiết.

Ngày 2/8, đã xảy ra mưa giông kèm theo gió lốc trên địa bàn quận Ninh Kiều (TP. Cần Thơ) làm 17 căn nhà bị ảnh hưởng thiệt hại. Ảnh: Hoàng Vũ.

Ngày 2/8, đã xảy ra mưa giông kèm theo gió lốc trên địa bàn quận Ninh Kiều (TP. Cần Thơ) làm 17 căn nhà bị ảnh hưởng thiệt hại. Ảnh: Hoàng Vũ.

Chuyên gia tâm lý Ngô Thành Thuận chia sẻ: Bà con ĐBSCL rất bình tĩnh. Bà con rất tin tưởng vào sự điều hành của các cấp chính quyền.

Cụ thể nhất, là không xảy ra tình trạng đi mua gom hàng dự trữ các nhu yếu phẩm. Nông dân ĐBSCL đã quen với các biến cố, không chỉ dịch bệnh mà còn các yếu tố thiên tai, thời tiết bất lợi. Bà con nông dân đều trong tâm thế chủ động.

Điển hình nhất bà con rất tin tưởng vào các Chỉ thị của Thủ tướng và truyền thông. Cụ thể nhất, việc thực hiện lệnh giãn cách xã hội trước đây và hiện nay ở ĐBSCL.

Thiên tai vẫn đến

Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Kiên Giang, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang cho biết: Từ đầu tháng 8 đến nay, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 trên biển Đông hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh Kiên Giang xảy ra mưa giông, gió mạnh làm thiệt hại 429 căn nhà của dân, trong đó 32 căn bị ngập nước từ 30 – 40 cm, 104 căn nhà bị sập hoàn toàn, tốc mái 293 căn, ước tổng giá trị thiệt hại về vật chất là gần 5,4 tỷ đồng.

Về giải pháp khắc phục, ông Trung cho biết, Chi cục Thủy lợi Kiên Giang kịp thời vận hành mở các cống ngăn mặn từ Rạch Giá đến Kiên Lương để thoát nước chống ngập úng tại những khu vực trũng thấp. Không để gây ngập úng cục bộ gây thiệt hại đến lúa Thu Đông mới gieo sạ của bà con.

Chính quyền TP. Cần Thơ đến thăm hỏi và trao tiền hỗ trợ cho những hộ dân có nhà bị thiệt hại do mưa giông. Ảnh: Hoàng Vũ.

Chính quyền TP. Cần Thơ đến thăm hỏi và trao tiền hỗ trợ cho những hộ dân có nhà bị thiệt hại do mưa giông. Ảnh: Hoàng Vũ.

Riêng trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc, có 32 căn nhà bị ngập, 1 căn nhà bị sập và 27 căn nhà bị tốc mái. Hiện các căn nhà trên vẫn còn bị ngập. Ngoài ra, còn có 7 chiếc ghe nhỏ bị chìm và 3 cây to bị đổ ngã. UBND huyện Phú Quốc đã chỉ đạo lực lượng sơ tán 2 hộ dân tại xã Cửa Cạn đến nơi an toàn.

Ngay khi nhận được thông tin từ địa phương, Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang đã trao đổi nhanh với các huyện, thành phố để chỉ đạo các giải pháp ứng phó.

Đồng thời, các địa phương đã cử lực lượng quân sự, công an và lực lượng tại chỗ của xã xuống hiện trường giúp dân khắc phục tạm thời chỗ ở. Trước mắt, UBND các huyện, thành phố tạm ứng ngân sách huyện hỗ trợ cho các hộ dân để khắc phục hậu quả thiên tai, nhằm ổn định cuộc sống.

Trước đó, do ảnh hưởng của mưa lớn, một đoạn đê sau nhiều ngày mưa lớn, sóng biển dâng cao đã gây vỡ một đoạn đê biển dài khoảng 10m tại Vàm Tiểu Dừa, thuộc địa bàn xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh (giáp ranh với tỉnh Cà Mau)

Sau khi đê bị vỡ, nước biển tràn vào trong, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Ngoài ra, cũng tại khu vực này, gần 700m đê biển bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm, nhiều điểm có nguy cơ tiếp tục bị vỡ. Một số nền nhà của người dân trong khu vực đã bị sạt lở mất hoàn toàn và phải di dời đến nơi khác sinh sống.

Để khắc phục nhanh sự cố thiên tai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành đã ký tờ trình đề nghị thường trực Tỉnh ủy xem xét cho phép sử dụng dự phòng ngân sách tỉnh.

Tổng kinh phí 9,8 tỷ đồng, để thực hiện dự án xử lý khẩn cấp tạm thời điểm đê biển bị sạt lở nghiêm trọng tại khu vực Vàm Tiểu Dừa, nhằm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân trong khu vực.

Còn tại Sóc Trăng, mưa bão đã làm sạt lở bờ sông trong đêm tối, nhiều hộ dân phải sơ tán. Ông Vương Tấn Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Phú, cho biết: Khoảng 20 giờ 40 phút ngày 1/8, tại ấp Phụng Tường 1, xã Song Phụn đã xảy ra vụ sạt lở bờ sông, làm ảnh hưởng đến 6 hộ dân sinh sống tại khu vực, trong đó có 3 hộ phải di dời. Đoạn sạt lở trên có chiều dài khoảng 40m, lấn sâu vào đất liền hơn 10m và làm sụp lún đoạn đường bêtông với độ sâu từ 3-5m.

Theo ông Vũ, dù mới bước vào mùa mưa bão nhưng tình hình sạt lở trên địa bàn huyện diễn biến hết sức phức tạp, gây ảnh hưởng ngày càng lớn về tài sản đời sống dân sinh. Về lâu dài, huyện kiến nghị cấp tỉnh và các Bộ, ngành sớm bố trí kinh phí để địa phương xây dựng bờ kè chống sạt lở, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Bên cạnh đó, hoàn lưu cơn bão số 2 xuất hiện nhiều cơn mưa lớn kèm theo giông lốc khiến nhiều căn nhà bị tốc mái, xiêu vẹo, cây xanh đổ ngã tại TP. Cần Thơ.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn quận Ninh Kiều (TP. Cần Thơ), vào ngày 2/8, đã xảy ra mưa giông kèm theo gió lốc trên địa bàn quận Ninh Kiều. Hậu quả khiến 17 căn nhà bị ảnh hưởng thiệt hại. Trong đó, tốc mái 4 căn nhà ở, 10 phòng trọ, 1 nhà kho, xiêu vẹo 1 căn nhà, sập 1 căn nhà bỏ hoang, 1 xe ô tô bị cây ngã đè gây hư hỏng.

Tỉnh Kiên Giang đang vận hành mở các cống ngăn mặn từ Rạch Giá đến Kiên Lương để thoát nước chống ngập ứng tại những khu vực trũng thấp. Ảnh: Trung Chánh.

Tỉnh Kiên Giang đang vận hành mở các cống ngăn mặn từ Rạch Giá đến Kiên Lương để thoát nước chống ngập ứng tại những khu vực trũng thấp. Ảnh: Trung Chánh.

Ghi nhận tại các tuyến đường Nguyễn Văn Linh, 3/2, Nguyễn Văn Cừ, Nam Kỳ Khởi Nghĩa… nhiều cây xanh bị bật gốc đổ ngã, gãy cành. Tại vòng xoay công viên nước phường Cái Khế, 2 pano tuyên truyền bị ngã. Lực lượng cứu hộ tại các địa phương, đơn vị chuyên môn đã tập trung lực lượng, phương tiện hỗ trợ người dân thu gọn, sửa chữa nhà cửa, gọn dẹp cây xanh bị đổ ngã. Rất may, không gây ảnh hưởng về người. 

Những ngày gần đây, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 2 nhưng sau đó nhanh chóng suy yếu. Tại ĐBSCL xuất hiện mưa lớn kéo dài, nhưng tầm ảnh hưởng không lớn.

Còn tại vùng trồng lúa Thu Đông ở Vĩnh Long, Đồng Tháp và Tiền Giang… tuy trà mới vừa gieo sạ vẫn chưa bị ảnh hưởng đáng kể. Mặc dù một số nơi, mưa lớn có kèm gió to vẫn được bảo vệ nhờ các hệ thống thủy lợi nội đồng và cống đập thoát tiêu úng tốt nên không gây ảnh hưởng đến sản xuất lúa của nông dân.

Trên cây lúa, vụ hè thu muộn trong tháng nông dân Tiền Giang gieo trồng 11.853 ha, nâng diện tích gieo trồng đạt 75.596 ha. Diện tích thu hoạch 22.913 ha, sản lượng thu hoạch đạt 142.000 tấn, giảm 28,4% so cùng kỳ.

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...