Hiện, nhu cầu nuôi chó, mèo không còn chỉ để trông giữ nhà mà còn là nhu cầu nuôi thú cưng của nhiều gia đình. Tuy nhiên, nhiều chủ nuôi lại thiếu kiến thức về tiêm phòng dại cho chó mèo.
Nghĩ rằng chó, mèo nuôi trong nhà luôn khỏe mạnh, đảm bảo vệ sinh an toàn không lo dịch và do không có sự tiếp xúc với chó mèo lạ ở bên ngoài. Một số người còn nhầm lẫn rằng bệnh dại là bệnh của chó thả rông ngoài đường phố hoặc chó đang đến kỳ phối giống mang thai nên sợ khi tiêm, thai sẽ hỏng…
Trong 9 tháng đầu năm 2023, tại Phòng Khám Tư vấn tiêm chủng của Bệnh viện Nhi Trung ương, tỷ lệ người bị chó mèo cắn đến tiêm huyết thanh và vacxin phòng dại tăng lên đáng kể so với cùng kỳ năm 2022, với 271 trường hợp phải tiêm huyết thanh kháng dại, trong đó trên 70% trường hợp ở Hà Nội và gần 68% là trẻ dưới 15 tuổi.
Việc tiêm phòng vacxin dại được thực hiện cho 326 đối tượng với 679 liều tiêm, trẻ dưới 15 tuổi chiếm chủ yếu (khoảng 60%). Số mũi tiêm vacxin phòng dại trong 9 tháng đầu năm 2023 tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, nhiều trẻ được gia đình đưa đến Bệnh viện trong tình trạng đa vết thương toàn thân do chó cắn.
Tại Quảng Ninh, theo báo cáo của Sở NN-PTNT Quảng Ninh, ghi nhận 7 ca dại trên chó mèo nuôi tại các địa phương Hải Hà, Đầm Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ, Uông Bí, 2 người tử vong do bệnh dại tại Hải Hà và Uông Bí. Tổng số người điều trị dự phòng sau phơi nhiễm là 1.330 người, tăng 69% so với cùng kỳ.
Là địa phương có người tử vong do bệnh dại, để thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp về quản lý đàn chó, mèo, phòng chống bệnh dại, UBND TP Uông Bí đã giao UBND xã, phường thực hiện rà soát, thống kê chính xác số hộ nuôi và số chó, mèo ở từng khu dân cư. Hướng dẫn, yêu cầu chủ nuôi chó, mèo ký cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình, chấp hành tiêm vacxin phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định.
Đồng thời, tiêm phòng bổ sung vacxin dại cho đàn chó, mèo bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng 100% tổng đàn thuộc diện tiêm. Thành lập và duy trì hoạt động đội bắt giữ và xử lý chó thả rông, đặc biệt tại các khu vực đô thị, dân cư tập trung. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử phạt đối với chủ vật nuôi vi phạm các quy định về phòng, chống bệnh dại.
Các đơn vị Phòng Y tế, Trung tâm Y tế thành phố hướng dẫn, khuyến cáo nhân dân tiêm vacxin phòng dại và huyết thanh kháng dại trên người, thực hiện tư vấn, hướng dẫn đầy đủ cho người dân bị chó, mèo nghi dại cắn phải được tiêm phòng. Không sử dụng thuốc đông y để điều trị, tăng cường việc chia sẻ, trao đổi thông tin với các đơn vị liên quan để chủ động tham mưu triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh phù hợp, kịp thời.
UBND TP. Uông Bí giao Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp thành phố hướng dẫn UBND xã, phường trong công tác chuyên môn xử lý ổ dịch bệnh dại (nếu có) và biện pháp phòng chống bệnh hiệu quả; phối hợp với phòng Kinh tế tham mưu UBND Thành phố về công tác phòng chống bệnh dại động vật. Đồng thời, cung ứng vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng chống dịch hiệu quả theo quy định; tổng hợp báo cáo hàng ngày theo quy định phòng chống dịch.
Cùng với đó, các đơn vị theo chức năng nhiệm vụ, cần tăng cường công tác tuyên truyền để chủ nuôi chó có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chó, mèo, thực hiện nghiêm túc tiêm vacxin phòng bệnh dại cho chó, mèo nuôi của gia đình.
Không để chó chạy rông, khi đưa chó ra ngoài cần thực hiện nghiêm việc đeo rọ mõm và có người dắt, chấp hành tiêm vacxin phòng bệnh dại, tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư về tính chất nguy hiểm, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại.
Các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh dại hiệu quả, phổ biến địa chỉ các điểm tiêm phòng bệnh dại và truyền thông hướng dẫn người bị chó, mèo cắn đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời.
"Chủ tịch UBND các phường, xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu để dịch bệnh dại động vật lây lan do chủ quan, lơ là, thiếu sự phối hợp trong công tác phòng chống dịch và chậm tiến độ trong việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng dịch trên địa bàn quản lý". Chủ tịch UBND TP. Uông Bí Phạm Tuấn Đạt nêu rõ.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Đoàn - Trưởng Phòng Y tế TP. Uông Bí, bệnh dại là bệnh do virus lây truyền từ động vật sang người, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương nhưng có thể phòng ngừa được bằng vacxin. Khi đã xuất hiện các triệu chứng lâm sàng, bệnh dại gần như gây tử vong 100%. Trong 99% trường hợp, chó nhà là nguyên nhân truyền virus dại sang người.
Tuy nhiên, bệnh dại cũng có thể ảnh hưởng đến cả động vật nuôi và động vật hoang dã. Virus dại lây lan sang người và động vật qua nước bọt, thường là qua vết cắn, vết trầy xước hoặc tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc (ví dụ như mắt, miệng hoặc vết thương hở). Trẻ em từ 5 tuổi đến 14 tuổi là nạn nhân thường xuyên của căn bệnh này.
Thông tin từ Phòng Kinh tế TP. Uông Bí, cho biết thực hiện sự chỉ đạo của UBND Thành phố, tính đến hết ngày 8/11, toàn thành phố đã tiêm được 8.087 con chó, bằng 86% so với kế hoạch thành phố giao. Trong đó, phường Trưng Vương, địa bàn công bố bệnh dại đã tiêm được 1.194 con, bằng 140% kế hoạch được giao.