Đã có người tử vong từ bệnh dại
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bình Phước, từ đầu năm 2023 đến nay, địa bàn tỉnh đã có 3 người bị chó mắc bệnh dại cắn, khiến một người tử vong.
Ca tử vong được ghi nhận tại xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú bị chó cắn nhưng không tiêm vacxin ngừa dại. Hai trường hợp còn lại tại TP Đồng Xoài và TX Chơn Thành, rất may đều chích ngừa dại sau khi bị chó cắn.
Tại xã Minh Lập (thị xã Chơn Thành), lượng chó nuôi khá lớn, chủ yếu theo phương thức thả rông, khó quản lý, giám sát. Ước tính, có khoảng 2.000 con chó được nuôi trong dân trên địa bàn xã.
Ngay khi phát hiện 1 trường hợp chó nuôi bị dại, UBND xã Minh Lập đã phối hợp đa ngành để tiến hành tiêm cho 100% số chó mèo của các hộ nuôi trên địa bàn.
Ông Lê Quốc Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Lập cho biết, do người dân trên địa bàn đa phần là dân tộc thiểu số, thói quen nuôi chó thả rông nên công tác tiêm phòng gặp nhiều khó khăn.
“Chúng tôi sẽ huy động anh em tại các ban, ngành, đoàn thể và khu dân cư để giải thích, thuyết phục các hộ dân này nuôi chó nhốt lại và chích ngừa hàng năm để đảm bảo không xảy ra dịch bệnh dại”, ông Lê Quốc Huy thông tin.
Thống kê, toàn thị xã Chơn Thành có 9.184 hộ nuôi chó, mèo, với tổng đàn khoảng 14.000 con. Từ đầu năm 2023 đến nay đã có 45 trường hợp người dân bị chó cắn, đến các trạm y tế xã, phường để tiêm ngừa bệnh dại. Trung tâm Y tế thị xã Chơn Thành cũng tuyên truyền người dân khi bị chó, mèo cắn không được tự ý điều trị tại nhà.
Tăng cường kiểm soát
Để kiểm soát được bệnh dại trên địa bàn, UBND tỉnh Bình Phước vừa ban hành công văn yêu cầu chấn chỉnh tiêm vacxin phòng bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh, trong đó có tiêm vacxin ngừa dại cho chó mèo, để kiểm soát dịch.
UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, Ban ngành và địa phương trong giai đoạn 2022 - 2030 quản lý được 70% số hộ nuôi chó, mèo, tiêm vacxin dại cho 70 - 80% lượng chó mèo nuôi trong giai đoạn 2022 - 2030.
Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước đã triển khai công tác rà soát và tiến hành tiêm vacxin ngừa dại cho chó mèo trên địa bàn. Tỉnh cũng thành lập các đội bắt chó thả rông, động vật có dấu hiệu mắc dại, xử phạt vi phạm hành chính đối với các chủ nuôi.
Thường vào thời kỳ nắng nóng chó, mèo dễ mắc bệnh dại nên số người bị chó, mèo cắn phát bệnh cũng tăng lên. Để hạn chế thấp nhất bệnh dại trên người và cả trên đàn chó, mèo sự hiểu biết, nhận thức của từng gia đình, mỗi cá nhân, cộng đồng dân cư trong việc chăn nuôi gia súc là rất quan trọng và có ý nghĩa quyết định. Không nuôi chó thả rông sẽ giảm thiểu nguy cơ phát sinh bệnh dại.
"Hiện các địa phương tiếp tục rà soát, thống kê chính xác số hộ nuôi chó ở từng khu dân cư và chó nuôi trong từng gia đình để quản lý, đồng thời hỗ trợ tiêm phòng vacxin dại cho đàn chó. Các hộ nuôi chó cam kết thực hiện nghiêm túc việc đăng ký, khai báo vật nuôi, chấp hành việc nuôi giữ chó trong khuôn viên gia đình, thực hiện xích, nhốt, rọ mõm theo đúng quy định để ngăn ngừa, giảm thiểu các trường hợp chó cắn người, giảm nguy cơ phát sinh bệnh dại”, oong Lê Ngọc Văn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Bình Phước cho biết.
Các chuyên gia ngành y tế cảnh báo, bệnh dại rất nguy hiểm. Tiêm vacxin cho chó, mèo là biện pháp hiệu quả để phòng bệnh dại. Một số người dân vẫn chủ quan, khi bị súc vật cắn không đi tiêm phòng bệnh dại, do nghĩ chó nhà nuôi đã được tiêm phòng.
Do đó, dù chó, mèo đã được tiêm phòng bệnh dại đầy đủ nhưng khi bị cắn, cào hoặc liếm trên vùng da bị trầy xước, người dân cần rửa sạch vết thương bằng nước và xà phòng, sát trùng bằng dung dịch Povidin, sau đó đến ngay cơ sở y tế có tiêm phòng dại để được tư vấn tiêm vacxin.
Trong trường hợp bị chó, mèo hoang không rõ lai lịch cắn cần đến cơ sở y tế ngay lập tức để được tiêm phòng bệnh dại.
Trong 5 năm qua, bệnh dại ở nước ta đã làm chết 410 người, trên 2,7 triệu lượt người phải điều trị dự phòng. Trong năm 2022, cả nước ghi nhận 70 ca tử vong và 3 tháng đầu năm 2023 đã có 23 ca tử vong do bệnh dại.