| Hotline: 0983.970.780

Để ngành hàng cá tra tiếp nối kỳ tích

Thứ Ba 09/06/2020 , 20:06 (GMT+7)

Ngành hàng cá tra Việt Nam mới chỉ tập trung vào xuất khẩu mà chưa thực sự chú trọng khai thác thị trường nội địa.

Sản xuất và xuất khẩu cá tra Việt Nam chịu tác động lớn do dịch Covid-19, song vẫn còn những cơ hội tại các thị trường lớn trong thời gian tới. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Sản xuất và xuất khẩu cá tra Việt Nam chịu tác động lớn do dịch Covid-19, song vẫn còn những cơ hội tại các thị trường lớn trong thời gian tới. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ngày 9/6, sự kiện kết nối Sản xuất - Tiêu thụ nội địa các sản phẩm ca tra Phiên chợ các sản phẩm thủy sản tại Hà Nội năm 2020 khai mạc.

Khó khăn, nhưng còn nhiều cơ hội

Các tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế xã hội và sản xuất kinh doanh của nhiều quốc gia trên toàn thế giới.

Dịch bệnh bùng phát mạnh tại các quốc gia như Trung Quốc, Hoa Kỳ, một số quốc gia thuộc cộng đồng Châu Âu, Hàn Quốc – những thị trường lớn và trọng điểm của xuất khẩu cá tra...

Theo Bộ NN-PTNT, 5 tháng đầu năm 2020, sản lượng cá tra ước đạt 462 nghìn tấn, giảm 6,3% so với cùng kỳ 2019; xuất khẩu chỉ đạt 456 triệu USD, giảm 39,1% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, thị trường Trung Quốc giảm 48%, EU giảm 47,3%, Mỹ giảm 19,8%... Giá cá tra thương phẩm hiện chỉ còn mức 18.500-19.000 đồng/kg, bằng 78% so với cùng kỳ 2019.

Bên cạnh đó, do giá cá nguyên liệu thấp kéo dài, hoạt động nuôi cá tra đã bắt đầu giảm. Đồng thời, biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, khốc liệt nhất trong lịch sử tại ĐBSCL đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến nuôi trồng thủy sản trong đó có nuôi cá tra.

Giá cá tra giống thời điểm hiện tại dao động trong khoảng 23.000 - 24.000 đồng/kg đối với cá cỡ 70 con/kg (giảm 50% so với cùng kỳ 2019), khoảng 20.000 - 22.000 đồng/kg đối với cá cỡ 30 con/kg, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2019...

Mặc dù vậy, ngành hàng cá tra Việt Nam dự báo sẽ vẫn có những cơ hội nhất định trong năm 2020 cũng như trong tương lai.

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung với mức thuế 25% đối với cá rô phi Trung Quốc gây thiệt hại cho ngành sản xuất cá rô phi Trung Quốc tại thị trường Mỹ, nhưng sẽ là cơ hội tốt cho nhà xuất khẩu cá tra Việt Nam chiếm thị phần này, tạo cơ hội nâng mức tiêu thụ cá tra bình quân đầu người tại Mỹ vượt mức hiện tại 0,3 kg/người.

Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU được phê chuẩn sẽ giúp thuế xuất khẩu cá tra Việt Nam vào EU được giảm từ mức hiện tại 5,5% xuống 0% trong 3 năm đối với cá philê đông lạnh và từ 7% xuống 0% trong 7 năm đối với cá philê đã chế biến. EVFTA được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng, mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu thâm nhập vào thị trường với 508 triệu dân và GDP khoảng 18.000 tỷ USD.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nhà máy chế biến cá thịt trắng (Cod, Pollock) tại Trung Quốc chưa làm việc trở lại trong 3 tháng đầu năm 2020 dẫn tới việc thiếu hụt nguồn cung cho thị trường EU, Mỹ. Đây cũng là cơ hội tốt trong ngắn hạn cho doanh nghiệp cá tra Việt Nam.

Dự báo, những gián đoạn trong chuỗi cung ứng do dịch Covid-19 đối với ngành hàng cá tra chỉ mang tính nhất thời. Các hoạt động xuất nhập khẩu dự kiến sẽ phục hồi sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Trung Quốc hiện đã kiểm soát được dịch và hoạt động giao thương đang bắt đầu hồi phục. Hơn nữa, hàng tồn kho ở một số quốc gia nhập khẩu chính hiện ở mức thấp.

Dự báo, khả năng ngành hàng cá tra có khả năng phục hồi hoàn toàn từ quý III/2020. Vì vậy, ngành cá tra Việt Nam cần có kịch bản điều tiết sản xuất để tránh xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu.

Tại sự kiện, đã thu hút đông đảo các gian hàng tham gia trưng bày, giới thiệu, kết nối giao thương đối với các sản phẩm chế biến từ cá tra và một số sản phẩm thủy sản.

Các doanh nghiệp 'trình làng' người tiêu dùng phía Bắc các sản phẩm đặc sắc chế biến từ cá tra. Ảnh: Lê Bền

Các doanh nghiệp "trình làng" người tiêu dùng phía Bắc các sản phẩm đặc sắc chế biến từ cá tra. Ảnh: Lê Bền

Theo Công ty TNHH Nutrawell (TP.HCM), doanh nghiệp phân bối nhiều sản phẩm chế biến từ cá tra của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn cho biết: Đây là kỳ hội chợ thủy sản và sản phẩm cá tra lần thứ 4 liên tiếp tại Hà Nội (kể từ năm 2017) công ty tham dự. Kỳ hội chợ này, Nutrawell giới thiệu với khách hàng nhiều sản phẩm chế biến sẵn đặc sắc từ cá tra.

Bà Trần Thị Ngọc Thanh, Phó giám đốc Nutrawell cho biết: Tại các kỳ hội chợ trước, các sản phẩm cá tra chế biến của công ty nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của người tiêu dùng Hà Nội. Vì vậy, lần này, Nutrawell đặt nhiều kỳ vọng hơn nữa cho việc đẩy mạnh thị phần.


Đưa ngành hàng cá tra vào chiều sâu

Đến nay, Tổng cục Thủy sản đã kiểm tra điều kiện cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản và cấp giấy chứng nhận đủ điểu kiệm sản xuất cho 74 cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý của Tổng cục Thủy sản.

Tổng cục Thủy sản đang triển khai nhiều hoạt động nhằm đưa ngành hàng cá tra vào chiều sâu theo chuỗi giá trị gia tăng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tổng cục Thủy sản đang triển khai nhiều hoạt động nhằm đưa ngành hàng cá tra vào chiều sâu theo chuỗi giá trị gia tăng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Năm 2019, cả nước có khoảng 90 cơ sở sản xuất cá bột, 2.638 cơ sở ương dưỡng giống cá tra với hơn 6.000 ha diện tích ương giống, sản xuất và cung cấp khoảng 4 tỷ con giống. Trong đó, có 16% cơ sở sản xuất cá tra bột và <10% cơ sở ương dưỡng được kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện theo quy định.

Dự án “Sản xuất cá tra giống chất lượng cao” được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II thực hiện từ tháng 3/2016 đến 31/12/2020 theo đơn đặt hàng của Bộ NN-PTNT với mục tiêu cải thiện tốc độ tăng trưởng, nâng cao tỉ lệ sống giai đoạn ương và kháng bệnh gan thận mủ.

Qua 3 thế hệ, chất lượng đàn cá tra bố mẹ có những thay đổi căn bản như: Tốc độ tăng trưởng cao hơn 10,4% nhóm đối chứng và hơn 20,4% so với cá tra ngoài tự nhiên.

Dự án đã cung cấp đàn cá tra bố mẹ chất lượng cao, thay thế đàn cá bố mẹ quá lứa, sức sinh sản kém, tỉ lệ sống thấp...

Về nuôi thương phẩm, tính đến thời điểm hiện tại, đã có tổng số 5.368 ao nuôi cá tra đã được cấp mã số nhận diện trên diên tích khoảng 4.691,74 ha.

Đến đầu năm 2020, có 303 giấy chứng nhận VietGAP đã được cấp cho cơ sở nuôi cá tra ở 45 huyện thuộc 10 tỉnh, trên diện tích 1.964,6 ha. Khoảng 71% trên tổng diện tích thả nuôi 5.400 ha cá tra của Việt Nam đã được chứng nhận Global G.A.P hoặc ASC.

Cạnh tranh ngày càng gay gắt

Theo Tổng cục Thủy sản, đến năm 2018, sản lượng cá tra của Việt Nam chiếm khoảng 45% toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều quốc gia láng giềng khác đã tăng sản lượng nuôi cá tra, trước mắt để phục vụ tiêu thụ nội địa, nổi bật nhất là Indonesia.

Indonesia hiện đang đẩy mạnh phát triển cá tra và thâm nhập vào thị trường Trung Đông. Lần đầu tiên, Indonesia giới thiệu sản phẩm cá tra tại hội chợ SEAFEX tháng 10/2018 ở Dubai-UAE và ngay trong tháng 5/2019, Indonesia bước đầu gặt hái thành công, đánh dấu bằng lô hàng đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Ảrập Xê-út.

Các quốc gia đang nuôi cá tra có sản lượng lớn như Ấn Độ, Indonesia, Băng-la-đét, Trung Quốc... cũng đang cạnh tranh khốc liệt với cá tra Việt Nam. Sản lượng cá tra nuôi đang tăng nhanh ở Ấn Độ và sản phẩm cá tra đã có mặt ở 218 chợ dân sinh của nước này. Điều này có thể khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cá tra tại đây.

Trung Quốc hiện cũng đã có 20 nhà máy chế biến với năng lực sản xuất ước tính đạt khoảng 30.000 tấn và đang đẩy mạnh hoạt động nuôi và chế biến cá tra, trước mắt phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa.

Khai thác hơn nữa thị trường nội địa

Phát biểu tại lễ khai mạc sự kiện kết nối Sản xuất - Tiêu thụ nội địa các sản phẩm ca tra tại Hà Nội Phiên chợ các sản phẩm thủy sản tại Hà Nội ngày 9/6, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Cá tra, từ một đối tượng thủy sản được thuần hóa tự nhiên tại các tỉnh ĐBSL, chỉ trong vòng hơn 20 năm, nước ta đã xây dựng được một ngành hàng cá tra lớn mạnh trên thế giới. Chỉ với diện tích nuôi khoảng 6.000 ha, ngành hàng cá tra đã cho sản lượng bình quân khoảng 1,5 triệu tấn/năm, xuất khẩu sang hơn 140 quốc gia trên thế giới, thu về kim ngạch xuất khẩu hàng năm từ 2,3-2,5 tỉ USD/năm.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm cá tra tại sự kiện. Ảnh: Lê Bền

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm cá tra tại sự kiện. Ảnh: Lê Bền

Bên cạnh những thành công vang dội đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng ngành hàng cá tra Việt Nam mặc dù chiếm lĩnh thị phần áp đảo trên thế giới, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn những nguy cơ thiếu bền vững. Nhiều giai đoạn, giá cá tra nguyên liệu thu mua cho nông dân còn thấp hơn giá thành. Đặc biệt từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu của ngành hàng cá tra đã bị đứt gãy, khiến giá cá tra nguyên liệu hiện đang rất thấp.

Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện chuỗi giá trị cho hệ sinh thái của ngành hàng cá tra; khai thác sâu rộng hơn nữa các thị trường xuất khẩu, ngành hàng cá tra cần đẩy mạnh hơn nữa việc khai thác tiềm năng, dư địa tại thị trường nội địa với 100 triệu dân

Bộ trưởng đề nghị đưa các sản phẩm tốt nhất, với giá cả phù hợp nhất, phân phối thuận tiện nhất tới tay người tiêu dùng nội địa, nhất là thị trường phía Bắc còn nhiều dư địa như Hà Nội.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đặt mục tiêu trong năm 2020 xuất khẩu cá tra đạt trên 2 tỉ USD. 

Xem thêm
Sắp xếp những cơ quan, tổ chức đã có phương án

Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị quyết định sắp xếp theo thẩm quyền đối với những cơ quan, tổ chức đã có phương án sắp xếp, chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 4] Bài học xương máu ở 'vựa' nuôi tôm hùm

Cơn bão số 12 (năm 2017) khiến hàng trăm hộ nuôi tôm hùm ở Nam Trung bộ bỗng chốc trở nên trắng tay, đây là bài học ‘nhớ đời’ của những người nuôi biển hiện nay.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.