| Hotline: 0983.970.780

Cá tra chờ qua cơn bĩ cực

Thứ Năm 14/05/2020 , 15:15 (GMT+7)

Cá tra đang vào mùa thấp điểm, giá giảm dưới đáy. Người nuôi cá thịt hay cá giống đều than lỗ, tìm cách trụ lại, vượt khó.

Thu hoạch cá tra ở An Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thu hoạch cá tra ở An Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tìm cách vượt khó

Dù ẩn nhẫn chờ mùa dịch bệnh Covi-19 trải qua hai tuần cao điểm giãn cách xã hội, nhưng người nuôi cá tra ở ĐBSCL cho biết tình hình thị trường tiêu thụ cá nguyên liệu vẫn chưa thể sớm phục hồi. Các nhà máy chủ yếu “nội tiêu” vùng cá nuôi của công ty trước hoặc thu cá nguyên liệu từ các hộ có hợp đồng nuôi gia công rồi mới tới thu mua cá tra các hộ nuôi tự do bên ngoài.

Ông Út Anh ở Cù Lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cho rằng: Người nuôi cá tra chịu ảnh hưởng tình hình chung trong mùa dịch bệnh Covi-19 là bởi cá thịt thương phẩm bán ra giá đang giảm sâu. Với giá cá bán ra hiện còn 18.000 đ/kg hay dẫu cho có hơn mức này vài trăm đồng vẫn lỗ nặng, vì giá thành của người có kỹ thuật nuôi giỏi hiện cũng đã trên 19.000-20.000 đ/kg. Như vậy đối với người nuôi cá có hợp đồng với nhà máy còn đỡ khổ. Còn hộ nuôi cá tự do bên ngoài phải tìm cách làm sao tiết giảm chi phí tối đa để giảm lỗ.

Tuy nhiên, một số hộ nuôi cá tra gia công cho các công ty chế biến xuất khẩu thủy sản, cho hay: Mức độ ảnh hưởng bởi tình hình giá cá suy giảm đối với các hộ nuôi cá gia công nhìn chung không nhiều, ngoại trừ tiền thanh toán cá tra hiện đã chậm hơn một tháng. Song, người nuôi cá có kỹ thuật tốt vẫn có thể cầm cự, kiếm ăn được với mức gia công 700-800 đ/kg, so với trước đây mức gia công có thể đạt khoảng 2.000 đ/kg. Một năm nuôi một vụ cá tra khoảng 9 tháng đạt các tiêu chuẩn theo hợp đồng gia công 300-400 tấn/ao là tạm trụ được. Với các hộ nuôi tự do bên ngoài thì tìm cách giãn thời gian cho ăn – cho ăn cách ngày hoặc giảm 50% lượng thức ăn để mong chờ thời giá cá phục hồi trở lại.

Trong khi đó một số hộ nuôi cá tra ở An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ còn tìm cách bán cá tra quá lứa ra khắp các chợ nội địa trong vùng hoặc có hộ chế biến khô cá tra một nắng, cá tra phồng, mắm cá tra…nhằm giảm bớt áp lực khó tiêu thụ cá tra đến kỳ thu hoạch.

Sản phẩm nước mắm, khô, mắm cá tra ở Thốt Nốt, Cần Thơ được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: HĐ.

Sản phẩm nước mắm, khô, mắm cá tra ở Thốt Nốt, Cần Thơ được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: HĐ.

Chờ qua mùa thấp điểm

Người còn bền bỉ theo nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL đến nay hầu như ai cũng từng trải, dạn dày sương gió. Kinh tế thị trường, cung - cầu, giá cả và làm ăn là có thắng có hòa và thua lỗ trong sản xuất kinh doanh, phải chấp nhận. Do vậy người nuôi cá tra vẫn chưa có biểu hiện gì hoang mang, hoảng hốt mà thay vào đó họ rất bình tĩnh tìm cách vượt qua sóng gió thương trường.

Ông Trần ngọc Hải ở phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ đã thạo nghề nuôi cá tra thương phẩm. Từ mấy năm qua ông đã mở hướng thêm nghề sản xuất cá tra giống. Ông nói cá tra giống phụ thuộc rất nhiều vào tình hình tiêu thụ cá tra thịt. Nếu giá cá tra thương phẩm lên cao, người nuôi gia tăng sản xuất nên cá tra giống bán chạy, giá cũng lên theo. Điều này thấy rất rõ trong 2 tháng vừa qua khi cá tra nguyên liệu giảm giá sâu dưới mức giá thành, người nuôi cá thấy dội chợ không ai còn mạo hiểm thả nuôi nhiều như năm trước. Thời cá giống lên cao tới 60.000-70.000 đ/kg của hai năm trước đã qua. Hiện cá tra giống con cỡ 2 phân, khoảng 30 con/kg giảm còn 22.000-23.000 đ/kg và thị trường tiêu thụ mới bắt nhịp trở lại sau mấy ngày nghỉ lễ vừa qua. Cá tra giống của các cơ sở sản xuất như vùng ương nuôi tập trung nhiều ở Long An bán ra cũng đang mức thấp. Đó là tình hình chung. Vì vậy muốn vượt qua chu kỳ thấp điểm ảm đạm này, ông Hải phải chuyển sang sản xuất cá giống trê vàng, cá lóc, sặc rằn…, thị trường giống các loại cá đồng vẫn giữ mức ổn định, đều đặn hơn.

Nói về thị trường xuất khẩu, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tại Cần Thơ, cho biết: Hiện thời một số nước đang lo chống dịch bệnh Covid-19 ở Châu Âu, Mỹ tuy vẫn tiêu thụ cá tra nhưng ở mức bình bình, không mạnh. Trong khi thị trường Trung Quốc mới bắt nhịp nhập khẩu cá tra trở lại, chưa nhiều.

Thế nhưng nhiều DN xuất khẩu thủy sản đoán chắc rằng thị trường chỉ tạm thời im lắng chờ qua mùa dịch bệnh rồi sẽ phục hồi mạnh trở lại. Nhiều người tin rằng mỗi khi thị trường thấp điểm, một số người nuôi cá theo phong trào “lướt sóng” sẽ tự co cụm, thu hẹp sản xuất. Sản lượng cá trong 3-4 tháng tới sẽ giảm nhiều và có khả năng cán cân cung - cầu thời hậu dịch Covid-19 sẽ tái cân bằng trở lại. Thị trường cá tra rồi đây sẽ phục hồi trong những tháng cuối năm nay.

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.

Bình luận mới nhất