Đề xuất giữ nguyên tần suất 20%
Vừa qua xuất hiện thông tin một số siêu thị tại Vương quốc Anh đã dừng bán thanh long Việt Nam. Nguyên nhân được cho là sản phẩm có tồn dư thuốc BVTV gây tiềm ẩn rủi ro cho sức khỏe người tiêu dùng.
Đồng thời, cơ quan chức năng tại Vương quốc Anh đang đề xuất đưa thanh long Việt Nam từ Phụ lục II (sản phẩm phải được xét nghiệm và được cấp giấy chứng nhận an toàn tại Việt Nam trước khi xuất khẩu) sang Phụ lục I (sản phẩm phải được xác minh và tái kiểm thực tế 50% tại cảng đến trước khi được phép lưu thông trên thị trường).
Để rộng đường dư luận, Báo Nông nghiệp Việt Nam có buổi làm việc với Văn phòng SPS Việt Nam về vấn đề này.
Theo đó, căn cứ Quyết định số 1425/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 24/8/2021 về việc chỉ định các cơ quan đầu mối thông tin và triển khai thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA), Văn phòng SPS Việt Nam là đơn vị đầu mối trao đổi thông tin và triển khai thực thi các nội dung liên quan đến các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (Chương 6: Các biện pháp SPS).
Những thay đổi biện pháp SPS áp dụng cho thanh long của Việt Nam xuất khẩu vào Vương quốc Anh phải căn cứ Chương 6, Hiệp định UKVFTA và thông báo tới đơn vị đầu mối thông tin của Việt Nam là Văn phòng SPS Việt Nam.
Vào ngày 17/7/2023, Văn phòng SPS Việt Nam nhận Công văn số 409/QLCL-HTQT của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường về việc Vương quốc Anh dự kiến tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm quả thanh long.
Ngày 26/7, Cục Bảo vệ thực vật gửi Công văn số 1892/BVTV-ATTPMT phản hồi đề xuất sửa đổi quy định liên quan đến việc kiểm tra an toàn thực phẩm thanh long Việt Nam tại Vương quốc Anh.
Trên cơ sở đó, ngày 2/8, Văn phòng SPS Việt Nam đã gửi thông tin tới đầu mối SPS của Vương quốc Anh đề nghị hai nội dung, một là, đề nghị Vương quốc Anh giữ nguyên tần suất kiểm tra thanh long của Việt Nam cho đến khi 2 bên có đầy đủ căn cứ.
Hai là, đề nghị Vương quốc Anh cung cấp hồ sơ đánh giá nguy cơ để thay đổi tần suất kiểm tra an toàn thực phẩm thanh long Việt Nam để cơ quan thẩm quyền Việt Nam nghiên cứu có ý kiến.
Cho đến giờ, sau hơn một tháng gửi công văn, Văn phòng SPS Việt Nam một lần nữa chờ phản hồi từ cơ quan đầu mối SPS của Vương quốc Anh.
Đến ngày 11/8, trong Công văn số 182/SPS- BNNVN phúc đáp Công văn số 5251/BCT-ĐB ngày 8/8/2023 của Bộ Công thương về việc lấy ý kiến đối với dự thảo chương trình làm việc của Phiên họp Ủy ban thương mại UKVFTA, Văn phòng SPS Việt Nam tiếp tục kiến nghị đưa hai nội dung trên vào thảo luận tại phiên họp.
Bộ Công thương là cơ quan chủ trì, điều phối chung của Việt Nam trong việc xây dựng, tổng hợp đề xuất và tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật từ các đối tác nước ngoài trong quá trình thực thi UKVFTA; đồng thời là cơ quan đầu mối về thông tin liên lạc với các nước thực thi hiệp định.
Cũng tại Công văn số 182, Văn phòng SPS Việt Nam kiến nghị lãnh đạo Bộ NN-PTNT giao Cục Bảo vệ thực vật là cơ quan đầu mối hỗ trợ kỹ thuật SPS, đồng thời chủ trì nghiên cứu hồ sơ đánh giá nguy cơ cho việc thay đổi tần suất kiểm tra an toàn thực phẩm quả thanh long Việt Nam.
Công việc này được tiến hành sau khi có thông tin từ đầu mối SPS của Vương quốc Anh về thanh long, cùng với kết quả Phiên họp Ủy ban thương mại UKVFTA diễn ra ngày 24/8 vừa qua.
Bài học rau gia vị, mì ăn liền
Thanh long Việt Nam có chất lượng rất tốt và đã được xuất khẩu đi nhiều thị trường trên thế giới trong đó có thị trường Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh. Trung bình mỗi năm các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu khoảng hai ngàn tấn thanh long tươi và đông lạnh sang thị trường EU.
Tần suất kiểm tra thanh long ở mức 20%, như EU quy định, từng khiến Hiệp hội Rau quả Việt Nam phải gửi đơn “kêu cứu” tới các ban, bộ, ngành.
Hiệp hội đánh giá, tỷ lệ lấy mẫu ở mức 20% là quá cao và quá khắc nghiệt đối với hàng rau quả Việt Nam. Nguyên nhân bởi, sau khi lấy mẫu kiểm tra thì số hàng này bị mất đi không thể sử dụng được.
Điều đó đồng nghĩa với việc, doanh nghiệp và người dân bị mất đi một giá trị hàng hóa bao gồm giá sản phẩm cộng chi phí logistics cao ngất ngưởng. Đồng thời, việc kiểm tra sản phẩm kéo dài hơn 4 ngày để đáp ứng tần suất này khiến phẩm chất hàng hóa bị sút kém khi bán ra thị trường.
Nếu nâng tần suất kiểm tra lên 50%, như đề xuất của các cơ quan chức năng Vương quốc Anh, hẳn ai cũng lường trước sự khó khăn mà doanh nghiệp trong nước phải đương đầu.
Chia sẻ vấn đề này, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cam kết Văn phòng SPS Việt Nam đã và đang đề nghị Vương quốc Anh cung cấp hồ sơ đánh giá nguy cơ để thay đổi tần suất kiểm tra an toàn thực phẩm thanh long Việt Nam để cơ quan thẩm quyền Việt Nam xem xét, bởi vì, theo số liệu thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, tính từ năm 2020 đến tháng 7/2023, Việt Nam đã xuất khẩu sang Vương quốc Anh 193 lô với khoảng 625 tấn thanh long tươi và đông lạnh. Đối với thị trường Vương quốc Anh, đến nay Văn phòng SPS Việt Nam chưa nhận được thông báo vi phạm nào.
Bên cạnh đó, Văn phòng SPS Việt Nam đã và đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, tuyên truyền, cập nhật kịp thời các quy định về SPS của thị trường đến các cơ quan chuyên môn, hiệp hội ngành hàng, DN, HTX và các bên liên quan để kịp thời điều chỉnh phù hợp với yêu cầu thị trường và nâng cao chất lượng hàng nông sản Việt.
Mục tiêu nhằm cung cấp cho doanh nghiệp và người dân thông tin chính xác, tránh hoang mang dư luận, gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp trong nước, đặc biệt là những tổ chức, cá nhân liên quan tới sản xuất, đóng gói, xuất khẩu thanh long.
Lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam hy vọng sẽ sớm đi đến thống nhất với Vương quốc Anh về các giải pháp nhằm giảm tần suất kiểm tra, giúp doanh nghiệp, người dân đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu.
Trước đó, nhờ sự chung tay của doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chuyên môn, Việt Nam đã được EU đồng ý giảm tần suất lấy mẫu cho các sản phẩm rau gia vị và mì ăn liền.
“EU đánh giá rất cao tinh thần làm việc công khai, minh bạch của phía Việt Nam và đã đề nghị chúng ta chia sẻ dữ liệu thống kê về các hoạt động, cũng như tuân thủ tốt các quy định về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh động, thực vật để tham khảo. Nhờ những hành động kịp thời, mạnh mẽ, nên như chúng ta thấy trong 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam liên tiếp được tháo rào cản ở hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực là rau gia vị và mì ăn liền”, ông Nam bày tỏ.
Thanh long từng 10 năm liền dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu trái cây. Tuy nhiên, từ năm 2022, giá trị xuất khẩu của mặt hàng này có dấu hiệu suy giảm, nhường ngôi đầu cho sầu riêng. Theo Tổng cục Hải quan, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thanh long đạt hơn 630 triệu USD. Con số này trong 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục có dấu hiệu suy giảm.