Phiên họp lần thứ 83 của Ủy ban An toàn thực phẩm và Kiểm dịch động thực vật (Ủy ban SPS-WTO) diễn ra từ ngày 22-24/6 tại trụ sở WTO, Geneva, Thụy Sĩ. Theo quy định, mỗi năm WTO tổ chức 3 kỳ họp, dành cho tất cả thành viên WTO có liên quan đến việc thực thi các Hiệp định SPS.
Nằm trong kế hoạch họp thường xuyên năm 2022 của Văn phòng SPS Việt Nam tại Ủy ban SPS-WTO, đoàn Việt Nam dự kiến tham gia phiên họp với 3 nội dung chính.
Thứ nhất, tham dự phiên họp chuyên đề về “Sử dụng công cụ kiểm toán và giám sát từ xa (trực tuyến) trong quản lý” và tham dự hội thảo “Tập huấn về công cụ ePing SPS-TBT”.
Thứ hai, rà soát việc thực hiện nghĩa vụ minh bạch hóa theo Hiệp định SPS.
Thứ ba, họp song phương về các nội dung cấp bách, với đoàn đại diện các quốc gia gồm: EU, Trung Quốc, Ả Rập Xê-út, Brazil, Pakistan và Vương quốc Anh.
Cụ thể, Văn phòng SPS Việt Nam sẽ làm việc với phía EU, nhằm thống nhất giải pháp và tiến độ để EU giảm tần suất kiểm tra nông sản, thực phẩm của Việt Nam, đặc biệt là quả thanh long, các loại rau gia vị, đậu bắp, ớt và thực phẩm ăn liền.
Với Trung Quốc, SPS Việt Nam đề nghị làm rõ các tiêu chí Trung Quốc trong việc đáp ứng Lệnh 248, Lệnh 249, đồng thời phối hợp rà soát hồ sơ đăng ký doanh nghiệp sau tháng 6/2023, và mở cửa thị trường cho một số nông sản như sầu riêng, khoai lang...
Ngoài ra, đoàn Việt Nam sẽ làm việc với Brazin về phụ gia thực phẩm thủy sản, chế độ xử lý nhiệt sản phẩm tôm đã chế biến); Ả Rập Xê-út về mở cửa lại thị trường cho thủy sản nuôi trồng như tôm, cá tra; Pakistan về quy định Aflatoxin trong chè; Vương quốc Anh về làm rõ mẫu chứng nhận kiểm dịch thực vật mới.
Hai phiên làm việc song phương với EU và Trung Quốc được Văn phòng SPS Việt Nam đặt trọng tâm trong chuyến công tác sắp tới.
TS. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam chia sẻ: "Văn phòng SPS Việt Nam sẽ trao đổi với phía EU, đề nghị phía bạn làm rõ các tiêu chí về tần suất kiểm tra một số nông sản, thực phẩm xuất khẩu, cũng như đi đến thống nhất các giải pháp nhằm giảm tần suất kiểm tra, giúp doanh nghiệp, người dân đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu".
Theo ông Nam, xét về mức độ không tuân thủ trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, chỉ có 1 lô hàng thanh long xuất khẩu sang EU không đạt, do Việt Nam đã thực hiện tốt việc kiểm soát MRLs với dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Đây là cơ sở để SPS Việt Nam đề nghị EU giảm tần suất kiểm tra thanh long, cũng như một số sản phẩm khác. Trước đó, vào ngày 13/6, EU thông báo tiếp tục duy trì yêu cầu bổ sung giấy Chứng nhận an toàn thực phẩm và tần suất kiểm tra 20% đối với thanh long và mì ăn liền có nguồn gốc từ Việt Nam (trong thành phần có chứa gia vị và một số nguyên liệu, phụ gia khác).
Với một số nông sản khác, EU giữ tần suất kiểm tra 50% đối với: mùi tây, rau mùi, húng quế, bạc hà, đậu bắp và ớt thuộc giống Capsicum.
Những quy định này khiến doanh nghiệp xuất khẩu, HTX, nông dân trực tiếp sản xuất bị ảnh hưởng.
Về buổi làm việc với Trung Quốc, ông Ngô Xuân Nam cho biết, phía bạn chuẩn bị triển khai kiểm tra trực tuyến với một số nhóm mặt hàng được quy định theo Lệnh 249. "Chúng tôi sẽ đề nghị Trung Quốc làm rõ các nội dung cũng như tần suất kiểm tra để phối hợp nhịp nhàng, đồng thời có cơ sở để tổ chức phổ biến cho các cơ quan liên quan và doanh nghiệp sản xuất, nhằm tránh tình trạng gián đoạn thương mại", ông Nam nhấn mạnh.
Tại phiên họp sắp tới, ngoài Văn phòng SPS Việt Nam, Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT còn đại diện của Cục Bảo vệ thực vật; Cục Thú y; Cục Quản lý Chất lượng Nông, lâm sản và Thủy sản.
Liên quan tới cuộc họp, Hiệp hội Rau quả Việt Nam vừa gửi Văn bản số 31/VP-HHRQVN/22 đến Văn phòng SPS Việt Nam, đề nghị làm việc với phía EU, để giảm tỷ lệ lấy mẫu hàng thanh long và rau gia vị. Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, tỷ lệ 20% với thanh long, và 50% với rau gia vị như hiện nay là "quá khắc nghiệt" và "ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của doanh nghiệp".