| Hotline: 0983.970.780

Đề xuất 'chợ dã chiến', ưu tiên tiêm vacxin cho lực lượng sản xuất trực tiếp

Thứ Tư 28/07/2021 , 22:03 (GMT+7)

Cả ngày 28/7, Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT đã khảo sát tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản, thủy sản tại ĐBSCL.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT đi khảo sát tình hình tiêu thụ nông sản tại ĐBSCL. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT đi khảo sát tình hình tiêu thụ nông sản tại ĐBSCL. Ảnh: Tùng Đinh.

Vai trò HTX trong lúc khó khăn

Báo cáo với Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT, ông Trần Duy Thuận, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Bến Lức, tỉnh Long An, cho biết đang cực khó khăn để có thể duy trì sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh hiện tại.

“Chúng tôi đã hỗ trợ 9 tấn chanh cho Mặt trận Tổ quốc TP.HCM, còn lại 1 tấn đưa đến các chốt kiểm dịch tại tỉnh Long An. Một phần để cho cán bộ chống dịch uống, một phần để người dân không bị thiếu nguồn bổ sung vitamin”, ông Thuận kể.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam biểu dương hợp tác xã của ông Thuận về việc sắp xếp con người, máy móc để duy trì sản xuất, đảm bảo thu mua cho nông dân, ngoài ra còn gửi chanh ủng hộ cán bộ phòng chống dịch và người dân gặp khó khăn.

Giám đốc Sở NN-PTNT Long An Nguyễn Thanh Truyền cho biết, trong những thời điểm khó khăn mới thấy liên kết chuỗi và vai trò hợp tác xã. Giá chanh thị trường chỉ 3.000 đồng/kg thì hợp tác xã mua với giá 3.500 đồng/kg, và quan trọng là sự năng động trong tìm các kênh tiêu thụ.

“Hiện tại nguồn cung nông sản, thực phẩm đủ, một số mặt hàng dư thừa, song ở các ngõ hẻm, bà con còn thiếu thốn trong điều kiện giãn cách. Do đó, việc hợp tác xã hỗ trợ chanh cho đến thời điểm này đến gần 20 tấn cho bà con TP Hồ Chí Minh là rất quý. Nhân đây, chúng ta nên bàn với các địa phương về việc kết nối hỗ trợ một phần nông sản, thực phẩm cho bà con đang gặp khó khăn ở các đô thị, công nhân, lao động không thể về quê được”, Thứ trưởng Nam nói.

Trưởng nhóm công tác 970 của Bộ NN-PTNT cho biết, ông sẽ đề nghị với TP.HCM phối hợp với Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ về việc thiết lập một số điểm giao, nhận nông sản hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19.

Mỗi ngày, HTX Bến Lức thu mua khoảng 15 tấn chanh từ vùng nguyên liệu 50ha của mình. Hợp tác xã của ông Thuận thuộc vùng trọng điểm chanh huyện Bến Lức với tổng diện tích gần 7.000ha. Khâu tiêu thụ đang gặp khó do nhiều chợ đóng cửa, HTX đã cố gắng kết nối với doanh nghiệp tìm cách xuất khẩu chanh, dù giá rẻ. Thời điểm này hàng năm, chanh có giá 7.000 - 8.000 đồng/kg, lúc cao 15.000 đồng/kg. Hiện tại giá chanh chỉ trên dưới 3.000 đồng/kg.

Công nhân sơ chế chanh tại Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Bến Lức, tỉnh Long An. Ảnh: Tùng Đinh.

Công nhân sơ chế chanh tại Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Bến Lức, tỉnh Long An. Ảnh: Tùng Đinh.

Đề nghị lập “chợ dã chiến”

Báo cáo Tổ công tác Bộ NN-PTNT, Giám đốc Sở NN-PTNT Long An Nguyễn Thanh Truyền đề xuất ý tưởng TP.HCM xây dựng “chợ dã chiến” ở vùng ven làm nơi tập kết nông sản, có thể là ở giữa TP.HCM và tỉnh Long An đề vận chuyển nông sản, thực phẩm từ miền Tây về TP.HCM và các tỉnh. 

“Một số loại nông sản, thu hoạch từ sáng tới chiều. Chở đến TP.HCM là sau 18h, không thể bán thẳng nếu không có điểm tập kết tạm thời”, ông Truyền cho biết.

Tại Đồng Tháp, lãnh đạo huyện Cao Lãnh cho biết, ngoài cá điêu hồng, còn có hàng chục tấn tôm càng xanh, nhãn cần được kết nối tiêu thụ.

“Riêng cá điêu hồng còn tồn gần 2.000 tấn, ngoài ra là 30 tấn tôm càng xanh, 300 tấn nhãn ở huyện đang chờ được hỗ trợ để kết nối vào chuỗi tiêu thụ. Thị trường chính của cá điêu hồng tại huyện là TP.HCM, hiện tiêu thụ được chừng 100 tấn mỗi ngày”, ông Bùi Tấn Phước, Phó Chủ tịch huyện Cao Lãnh.

Mặt hàng tôm càng xanh gặp khó do đối tượng tiêu thụ chủ yếu là các nhà hàng, tiệc cưới. Bình thường, nông dân bán với giá ít nhất 270.000 đồng/kg, nhưng hiện tại chỉ còn 170.000 đồng/kg. Trong bối cảnh Covid-19 như hiện tại ở TP.HCM, hàng tươi sống như tôm càng xanh gần như không thể bán được.

Long nhãn và nhãn xuồng cơm vàng - đặc sản của Cao Lãnh, hiện chỉ bán được với giá 7.000 đồng/kg, rất thấp so với mức 30.000 đồng/kg trước kia.

Giá ếch ở Cao Lãnh đang ở mức 19.000 - 20.000 đồng/kg, so với mức trước dịch là 28.000 - 30.000 đồng/kg, cũng đang là mặt hàng khiến nông dân lo âu.

“Nhìn qua tưởng là thông, nhưng thực ra vẫn còn rất tắc. Dịch bệnh khiến nhiều nơi phải lập chốt kiểm soát, nhưng mỗi địa phương hiện vẫn áp dụng mỗi tiêu chuẩn khác nhau, khiến cho khâu vận chuyển nông sản khó khăn”, ông Phước nói.

Chế biến cá tra tại Công ty TNHH MTV Ấn Độ Dương thuộc Tập đoàn Nam Việt. Ảnh: Tùng Đinh.

Chế biến cá tra tại Công ty TNHH MTV Ấn Độ Dương thuộc Tập đoàn Nam Việt. Ảnh: Tùng Đinh.

Điểm sáng sản xuất trong giãn cách

Ngày 28/7, Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu Tổ công tác 970, Bộ NN-PTNT, trực tiếp tới các hợp tác xã, nhà máy nói trên ở Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ, Tiền Giang.

Thứ trưởng đánh giá cao các mô hình như chanh ở Long An, chế biến cá tra ở Cần Thơ, thu mua sơ chế thanh long xuất khẩu ở Tiền Giang, vẫn cố gắng duy trì sản xuất trong bối cảnh giãn cách do Covid-19. Mặc dù phải giảm số lượng nhân công chỉ còn 1/3 so với trước, dẫn đến giá thành sản xuất tăng, song các đơn vị này vẫn hoạt động được, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, xuất khẩu. 

"Người đi thu gom chanh được xét nghiệm, đảm bảo thông điệp 5K của Bộ Y tế. Công nhân ở nhà máy chế biến cũng vậy. Tôi tin rằng với sự hỗ trợ cụ thể của chính quyền địa phương, của ngành nông nghiệp huyện, nông dân và doanh nghiệp sẽ vượt qua khó khăn trước mắt này".

Về giải pháp căn cơ, Tổ trưởng Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT cho biết ông đã đề nghị lãnh đạo 19 tỉnh phía Nam tạo điều kiện cho hợp tác xã, nhà máy hoạt động. Ưu tiên cho người lao động trong khối này được tiêm vacxin.

"Tại Công ty TNHH MTV Ấn Độ Dương, mới có 300 trong tổng số 1.300 công nhân được tiêm vacxin. Tôi đã đề nghị lãnh đạo Cần Thơ ưu tiên cho 1.000 công nhân còn lại".

Ngoài ra, Thứ trưởng Nam đề nghị các tỉnh, thành tạo điều kiện về lưu thông hàng hóa để nông dân, doanh nghiệp nông sản có dư địa tiếp tục phát triển, đáp ứng cả kim ngạch xuất khẩu.

Công nhân “đóng trại”

Liên quan đến tình hình vừa sản xuất, vừa chống dịch Covid-19, Công ty TNHH MTV Ấn Độ Dương thuộc Tập đoàn Nam Việt, đã thực hiện phương án 3 tại chỗ. Đơn vị này tận dụng nhà máy Đại Tây Dương diện tích 25.000m2 hiện đang tạm ngưng hoạt động để làm nơi lưu trú tập trung cho 1.300 công nhân (giảm so với 3.000 công nhân lúc hoạt động bình thường).

Kể từ 17/7/2021, công ty không nhận người lao động bên ngoài vào đăng ký lưu trú kể cả có giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính còn hiệu lực.

Để đảm bảo cho công nhân, công ty có chế độ đãi ngộ 40.000 đồng/ngày, bao ăn 3 bữa miễn phí mỗi ngày.

Sử dụng 100% hệ thống các phòng ban, nhà xưởng Công ty TNHH Đại Tây Dương (khoảng 25.000m2) để làm nơi lưu trú.

Phân chia thành các khu vực riêng cho từng nhóm, từng bộ phận, phân biệt khu ở của nam và nữ, có gắn biển riêng từng khu vực và lối đi riêng.

Mỗi người được cung cấp 1 chiếu, mùng để ngủ, mỗi người nằm cách nhau tối thiểu 1,5m. Trang bị ổ cắm điện từng người để phục vụ nhu cầu cá nhân.

Có 170 nhà vệ sinh, nhà tắm, sân phơi đồ bố trí gần với nơi ở, đảm bảo đủ cho công nhân sử dụng nhanh chóng.

Ăn uống tại công ty, khung giờ ăn uống lệch giờ theo từng bộ phận để đảm bảo giãn cách không tập trung quá đông một thời điểm.

Bàn ăn được thiết kế tránh giọt bắn theo khuyến cáo hướng dẫn.

Bố trí nơi giao nhận đảm bảo chống dịch để người nhà công nhân gửi vật dụng sinh hoạt từ bên ngoài gửi vào.

Ông Trần Ánh, Phó Giám đốc Công ty cho biết đã áp dụng chế độ nêu trên từ 14/7 và tiếp tục triển khai đến khi hết dịch.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhiều dự án nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới tài trợ đạt kết quả tốt

Chiều 22/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới vùng Đông Á – Thái Bình Dương Manuela V. Ferro.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.