| Hotline: 0983.970.780

Đi tìm triết lý cho nền giáo dục nước nhà

Thứ Sáu 24/01/2020 , 07:30 (GMT+7)

GS.NGND Nguyễn Đình Chú chia sẻ: "Theo tôi, cái thiếu nhất ở cấp độ vĩ mô nhất của nền giáo dục hiện thời của đất nước chính là thiếu một nền tảng khoa học xã hội nhân văn thực sự vững chắc, đích đáng cần có nhất".

04-33-26_cq39491
GS.NGND Nguyễn Đình Chú

Giáo dục đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi của mọi nhà, của toàn dân mà nguyện vọng chung rất mực chính đáng là làm sao đưa được nền giáo dục Việt Nam vươn lên ngang tầm các nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và thế giới.
 

Cần có triết lý giáo dục

Đúng là trong cuộc sống của đất nước hôm nay, không một ngành nào lại được xã hội, báo chí, đặc biệt các bậc thức giả, kể cả Việt kiều ở nước ngoài quan tâm, bàn luận nhiều như với ngành giáo dục. Sở dĩ thế là bởi giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Trong nội dung góp ý cho giáo dục vốn rất phong phú và đa diện, vào những năm gần đây, nổi lên, chủ yếu từ một số trí thức có tên tuổi là cần có triết lý giáo dục. Ý chừng với các vị đó, cái thiếu nhất và cũng cần có nhất đối với giáo dục để thoát khỏi tình trạng yếu kém là phải có triết lý.

Vốn là một người gắn bó với sự nghiệp giáo dục của nước nhà hơn 60 năm qua trong đó giảng dạy đại học hơn nửa thế kỷ, tuy không thuộc chuyên ngành giáo dục học mà là chuyên ngành văn học, nhưng lại thích triết học, thậm chí còn muốn đưa triết học vào nghiên cứu văn học, tôi cũng đã suy nghĩ về vấn đề triết học cho giáo dục.

Nói riêng trong lịch sử giáo dục Việt Nam ta hàng ngàn năm, tạm tính từ ngày có Văn Miếu - Quốc Tử Giám và nhà Thái Học cùng chế độ thi cử theo Hán học xưa dưới chế dộ phong kiến và đầu thế kỷ XX dưới chế độ thực dân nửa phong kiến đã có hai mốc son chói lọi là nền giáo dục ở thời đại Lê Thánh Tông (1460 - 1497) và hiện tượng Đông Kinh nghĩa thục năm 1907 dù chỉ tồn tại được chín tháng (3/1907 đến 12/1907).

Với triều vua Lê Thánh Tông, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có Chiếu khuyến học và từ đó là nhiều chính sách, nhiều biện pháp tích cực để phát triển giáo dục rực rỡ.

Thành quả giáo dục rực rỡ đó là sản phẩm của một tư tưởng vĩ đại của đất nước mà tưởng như một đi chưa thấy trở lại không chỉ trên phương diện lý thuyết mà quan trong hơn là ở thực tiễn rằng: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp. Vì vậy các đấng thánh đế minh vương ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên. Kẻ sĩ quan hệ với quốc gia trọng đại như thế, cho nên quý chuộng kẻ sĩ không biết thế nào là cùng” (Thân Nhân Trung).

Trường hợp Đông Kinh nghĩa thục thì lại chói lọi ở một trạng thái khác. Tư tưởng giáo dục bao trùm của trường Đông Kinh nghĩa thục là nhằm xoay chuyển nền giáo dục cổ truyền của dân tộc vốn thiên về sách vở nhẹ về thực tế sang một nền giáo dục thực nghiệp gắn với sự sống, vì sự sống.

Đông Kinh nghĩa thục thực chất là một phong trào duy tân có ý nghĩa cuộc cách mạng về văn hóa và tư tưởng trong đó có sự phê phán chống lại những tư tưởng lạc hậu, những hủ tục đang cản trở bước tiến của đất nước, đi đôi với việc tiếp thu những tư tưởng mới mẻ, tiến bộ chủ yếu là của giai cấp tư sản thời kỳ còn có vai trò cách mạng ở các nước Âu Mỹ, dựa trên một tinh thần dân tộc vững chãi, một bản lĩnh văn hóa.

Nói lại đôi điều về hai cái mốc chói lọi trong lịch sử giáo dục của nước nhà là để đặt vấn đề: Hôm nay chúng ta đi tìm triết lý cho nền giáo dục nước nhà, liệu có thể khai thác được gì ở hai mốc son chói lọi đã được khẳng định 100% đó? Chủ trương chăm lo đào tạo kẻ sĩ để trở thành hiền tài là nguyên khí của quốc gia, chủ trương xây dựng cho đất nước một nền giáo dục thực nghiệp song song với việc tiến hành một cuộc cách mạng văn hóa tư tưởng tiến bộ, tinh túy cho đất nước phù hợp với đà tiến chung của thế giới hiện đại không là triết lý sao?

Lại nói tiếp về nền giáo dục của nước nhà trong thời dại Hồ Chí Minh thì cũng đã có những khẩu hiệu đích đáng như: Gắn nhà trường với cuộc sống, Trường ra trường lớp ra lớp, Thầy ra thầy trò ra trò, Hai tốt: dạy tốt học tốt. Kể cả khẩu hiệu được lấy lại của tiền nhân là Tiên học lễ hậu học văn… thì đó chưa phải là triết lý sao mà phải đi tìm cái khác? Đành rằng có thể bổ sung.

Rồi nữa, trong lý thuyết giáo dục quen thuộc ở thời nay đã có các thuật ngữ, các khái niệm như mục tiêu giáo dục, phương châm giáo dục, kể cả tư tưởng lớn của giáo dục trong đó có tư tưởng giáo dục của Hồ Chí Minh (ví như: Mọi người đều được học hành) liệu có liên quan như thế nào đến khái niệm triết lý mà chúng ta đang muốn tìm thêm?
 

Khoa học xã hội nhân văn cho/với nền giáo dục hiện thời

Sự thật đã diễn ra trên đất nước ta từ khi có cuộc đụng độ với phương Tây cho đến nay, việc thay chữ viết Hán Nôm bằng chữ Quốc ngữ Latinh hóa tuy đưa đến lợi ích rất lớn nhưng cũng đã tạo ra một sự gián cách lịch sử không kém phần tai hại cho đời sống văn hóa và tinh thần của đất nước, làm cho hậu thế hiểu cạn, hiểu sai đi nhiều giá trị của quá khứ.

Tính hiệu quả thấp của khẩu hiệu Tiên học lễ hậu học văn trong thực tiễn giáo dục nước nhà hiện nay, có nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân là khí quyển đạo đức đã tan loãng không còn như xưa nữa.

Mặt khác, khả năng cảm thức của người thời nay, trước hết là các nhà lãnh đạo giáo dục, người đề ra khẩu hiệu đó, kể đến các thầy cô giáo, người thực hiện khẩu hiệu đó, cũng lại không đủ cường độ với khẩu hiệu đó nữa. Do đó mà cứ muốn đi tìm cái khác. Tôi nghĩ như thế, chẳng rõ đúng không?

Từ lâu, tôi vốn quan niệm nghiên cứu khoa học là Recherche tức là phải tìm đi tìm lại, lật đi lạt lại bằng cách trước bất cứ một vấn đề gì thuộc phạm vi nghiên cứu cũng phải tự đặt ra những câu hỏi để tự tìm câu trả lời cho mình như thế để qua đó mà tìm được cái gì đó gọi là kết quả khoa học.

Không biết có ai sẽ cho tôi là đa sự, là chuyện vẽ rắn thêm chân cho rắc rối không nhưng với tôi thì đã không thể khác và cũng không dấu gì quý vị tôi đã làm như thế mà vẫn chưa đủ sức đi đến kết quả gì thật cụ thể và hệ thống về triết lý giáo dục nước nhà. Trước tình hình đó, tôi đã tạm gác lại vấn đề để chuyển sang một hướng nghĩ khác là vấn đề khoa học xã hội nhân văn cho/với nền giáo dục hiện thời của nước nhà.

Cái gọi là khoa học giáo dục hiện có ở nước ta dù có thành tựu này nọ nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu này. Trong nội dung giáo dục, với thời hiện đại, tất nhiên phải coi khoa học tự nhiên công nghệ là mũi nhọn, là động lực chính nhưng dứt khoát không phải là nền tảng. Khoa học xã hội nhân văn mới là nền tảng và đóng vai trò điều tiết trong phát triển.

Những vấn đề cụ thể của khoa học xã hội nhân văn mà nền giáo dục phải đương đầu gồm: Vấn đề giữ gìn bản sắc dân tộc trong công cuộc hội nhập thế giới; Vấn đề đạo dức trong thời đại làm giàu; Vấn đề nhân cách trong hoàn cảnh quy luật cạnh tranh sinh tồn đã và đang ra sức hoành hành; Vấn đề nhân cách trong hoàn cảnh có sự trổi dậy của đời sống tâm linh; Vấn đề nhân cách trong hoàn cảnh đang có sự trổi dậy của con người cá thể (l’ individu).

“Theo tôi, cái thiếu nhất ở cấp độ vĩ mô nhất của nền giáo dục hiện thời của đất nước chính là thiếu một nền tảng khoa học xã hội nhân văn thực sự vững chắc, đích đáng cần có nhất. Một đất nước muốn phát triển bền vững nhất thiết phải có một nền tảng khoa học xã hội nhân văn bền vững. Một nền giáo dục muốn phát triển cho ra phát triển, cũng vậy, phải có một nền tảng khoa học xã hội nhân văn vững chắc, đích đáng” - GS.NGND Nguyễn Đình Chú.

(Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội)

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm