Căn cứ tại khoản 2 Điều 34 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 về Phân loại phương tiện giao thông đường bộ:
Phân loại phương tiện giao thông đường bộ...
2. Xe thô sơ bao gồm:
a) Xe đạp là xe có ít nhất hai bánh và vận hành do sức người thông qua bàn đạp hoặc tay quay;
b) Xe đạp máy, gồm cả xe đạp điện, là xe đạp có trợ lực từ động cơ, nguồn động lực từ động cơ bị ngắt khi người lái xe dừng đạp hoặc khi xe đạt tới tốc độ 25 km/h;
c) Xe xích lô;
d) Xe lăn dùng cho người khuyết tật;
đ) Xe vật nuôi kéo;
e) Xe tương tự các loại xe quy định tại khoản này....
Căn cứ tại Điều 15 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt người điều khiển xe thô sơ vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông như sau:
Xử phạt người điều khiển xe thô sơ vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe không có bộ phận phát âm thanh cảnh báo (còi, chuông); không có đèn chiếu sáng hoặc tấm phản quang phía trước; không có đèn tín hiệu hoặc tấm phản quang phía sau xe (đối với loại xe quy định phải có bộ phận này).
2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe không có hệ thống (bộ phận) hãm hoặc có nhưng không có hiệu lực (đối với loại xe quy định phải có hệ thống (bộ phận) này).
Tại các điểm e và i khoản 1 Điều 9 Nghị định 168/2024/NĐ-CP còn có quy định xử phạt người điều khiển xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:
Xử phạt người điều khiển xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:...
e) Chạy trong hầm đường bộ không bật đèn hoặc không có vật phát sáng báo hiệu; dừng xe, đỗ xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định; quay đầu xe trong hầm đường bộ;...
i) Điều khiển xe thô sơ trong thời gian từ 18 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ ngày hôm sau không sử dụng đèn hoặc không có báo hiệu ở phía trước và phía sau xe;...
Theo đó, đối với xe đạp không có đèn thì có thể bị phạt như sau:
Hành vi | Mức phạt | Mức phạt cao nhất |
Không có đèn chiếu sáng nhưng có tấm phản quang phía trước | Không bị xử phạt | |
Không có đèn chiếu sáng và không có tấm phản quang phía trước | Từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng | 200.000 đồng |
Chạy trong hầm đường bộ không có đèn chiếu sáng nhưng có vật phát sáng báo hiệu | Không bị xử phạt | |
Chạy trong hầm đường bộ không có đèn chiếu sáng mà không có vật phát sáng báo hiệu | Từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng | 200.000 đồng |
Điều khiển xe đạp trong thời gian từ 18 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ ngày hôm sau không có đèn nhưng có báo hiệu ở phía trước và phía sau xe | Không bị xử phạt | |
Điều khiển xe đạp trong thời gian từ 18 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ ngày hôm sau không có đèn và không có báo hiệu ở phía trước và phía sau xe | Từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng | 200.000 đồng |
Xe đạp phải bật đèn trong khoảng thời gian nào theo Nghị định 168?
Căn cứ tại điểm i khoản 1 Điều 9 Nghị định 168/2024/NĐ-CP còn có quy định xử phạt người điều khiển xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:
Xử phạt người điều khiển xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:...
i) Điều khiển xe thô sơ trong thời gian từ 18 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ ngày hôm sau không sử dụng đèn hoặc không có báo hiệu ở phía trước và phía sau xe;...
Theo đó, từ 18 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ ngày hôm sau thì người điều khiển xe đạp phải bật đèn xe, trừ trường hợp có báo hiệu ở phía trước và phía sau xe.