| Hotline: 0983.970.780

Dịch giả tuổi 80 vẫn thích những trái quýt Nhật Bản

Thứ Hai 18/01/2021 , 14:12 (GMT+7)

Dịch giả Lê Văn Viện - bố của ca sĩ Hồng Nhung, ở tuổi ngoài 80 vẫn có cuốn sách "Những trái quýt" chuyển ngữ 10 truyện ngắn tác giả Nhật Bản - Akutagawa.

Cuốn sách 'Những trái quýt' ở tuổi 80 của dịch giả Lê Văn Viện.

Cuốn sách "Những trái quýt" ở tuổi 80 của dịch giả Lê Văn Viện.

Dịch giả Lê Văn Viện sinh năm Canh Thìn 1940.  Ông là con trai của họa sĩ Lê Văn Ngoạn (thuộc thế hệ được đào tạo ở Trường Mỹ thuật Đông Dương), nên có máu văn nghệ từ nhỏ. Dịch giả Lê Văn Viện sớm chia tay người vợ đầu tiên, và chấp nhận cảnh gà trống nuôi con để chăm sóc cho con gái bé bỏng có tên thân mật là Bống. Ca sĩ Hồng Nhung được ông bố tài hoa nhưng nghiêm khắc bắt buộc phải trang bị nền tảng văn hóa trước khi theo nghề hát. Vì vậy, trong show biz Việt, ca sĩ Hồng Nhung là gương mặt giỏi ngoại ngữ và ứng xử khéo léo bậc nhất.

Dịch giả Lê Văn Viện đi đâu cũng được người ta giới thiệu là “bố của ca sĩ Hồng Nhung”. Thế nhưng, tên tuổi của con gái nổi tiếng vẫn không làm lu mờ sự nghiệp riêng của dịch giả Lê Văn Viện. Nhắc đến dịch giả Lê Văn Viện là nhắc đến một nhân vật đam mê văn chương và luôn tìm kiếm những tác phẩm “khó nhằn” để chuyển ngữ.

Bước vào tuổi 80, thì hầu hết thiên hạ đã chọn cách nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Tuy nhiên, dịch giả Lê Văn Viện vẫn “lão” mà không “an”. Ông cứ đọc, cứ viết như thách thức thời gian khắc nghiệt. Tuyển tập truyện ngắn “Những trái quýt” do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành, chính là ví dụ thuyết phục cho đam mê của dịch giả Lê Văn Viện.

Nhà văn Akutagawa là một tác giả Nhật bản không phải quen thuộc với công chúng Việt Nam. Đó là hạn chế của giao lưu văn hóa, chứ không phải do tầm vóc của Akutagawa. Dịch giả Lê Văn Viện chọn Akutagawa để làm quà tặng văn chương bạn đọc nước ta, với quan niệm khá rõ ràng: “Tôi giới thiệu tác phẩm của Akutagawa không phải là giới thiệu nền văn học cận - hiện đại Nhật Bản dưới mọi khía cạnh của nó. Ở Nhật Bản ngày nay, Akutagawa được xem là một trong những nhà văn lớn nhất. Tên ông được đặt cho một giải thưởng văn học xứ sở mặt trời mọc. Akutagawa để lại cho người đi sau một cách viết độc đáo: hiện đại, mà rất dân tộc”.

Nhà văn Akutagawa có tên đầy đủ là Ryunosuke Akutagawa, sinh ngày 1/3/1892 tại Tokyo. Sau tác phẩm đầu tay “Cái mũi” ra mắt vào năm 1916, nhà văn Akutagawa gây ấn tượng mạnh mẽ cho độc giả Phù Tang bằng truyện vừa “Địa ngục môn” và tiểu thuyết “Kappa”. Năm 1927, nhà văn Akutagawa tự kết liễu đời mình ở tuổi 35, gửi lại di sản hơn 100 truyện ngắn được xưng tụng là “tinh hoa của bậc thầy”.

Với cuốn sách “Những trái quýt”, dịch giả Lê Văn Viện đã phô diễn giá trị 10 truyện ngắn của Akutagawa, gồm “Bức bình phong địa ngục”, “Hòn đất”, “Nezumi - Robin Hood Nhật Bản”, “Heichu - kẻ bợm tình”, “Genkaku - Sanbo”, “Otomi trinh trắng”, “Tơ nhện”, “Cái mũi”, “Những trái quýt” và “Chuyện Yonosuke”.

Dịch giả Lê Văn Viện đánh giá: “Akutagawa không chỉ viết, mà ông sống cuộc tìm kiếm. Cái súc tích rất Đông phương ở Akutagawa không hề biến từng truyện thành từng tích tóm tắt gãy gọn. Trái lại, lời tuy ngắn, mà từng môi trường mang đậm không khí riêng biệt. Cao hơn hết là tiếng nói thầm sau từng truyện, khi lời người kể đã tắt. Đó là tiếng nói bằng khoảng trống, mà tranh Tống, tranh Thiền của hội họa cổ truyền Nhật Bản từng viện đến”.

Truyện ngắn Akutagawa bắt nguồn hầu hết từ những tích cổ Nhật Bản ra đời hồi các thế kỷ 12, 13, nhưng qua ngòi bút của ông vẫn nói lên tâm lý và cá tính người thời nay. 10 truyện ngắn mà dịch giả Lê Văn Viện đưa vào tuyển tập “Những trái quýt”, cũng thể hiện khá cụ thể thông điệp kia. Đấy là người họa sĩ trong “Bình phong địa ngục”, đấy là bà già nông thôn trong “Hòn đất”, đấy là chàng trai hào hoa trong “Chuyện Yonosuke”… Họ đều bỏ qua những tình tiết có thực mà họ đang sống hằng ngày, để hướng đến một điều gì kỳ vĩ không sờ mó được. Người họa sĩ thì đến với cái đẹp mà ông phải trả giá bằng cái chết rùng rợn của cô con gái thân yêu. Bà già nông thôn thì trở về một sự bình yên tuyệt đối mà bà vẫn không đạt được, sau cái chết của con trai và con dâu. Còn chàng trai hào hoa thì tìm đến một mối tình hoàn hảo mà anh chỉ một lần lướt qua…

Tác phẩm của nhà văn Akutagawa đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Dịch giả Lê Văn Viện đã chuyển ngữ tiếng Việt cho “Những trái quýt” qua bản tiếng Anh, với tinh thần chuyên nghiệp “luôn cố gắng để noi theo sự cầu toàn thật tinh tế của người Nhật Bản”.

Nhờ tình bạn với dịch giả Lê Văn Viện, mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn quý mến ca sĩ Hồng Nhung.

Nhờ tình bạn với dịch giả Lê Văn Viện, mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn quý mến ca sĩ Hồng Nhung.

Với “Những trái quýt”, dịch giả Lê Văn Viện chứng minh ông vẫn tràn trề năng lượng ở tuổi 80. Ngoài đam mê văn chương, dịch giả Lê Văn Viện còn được bạn bè nể phục về khả năng quảng giao. Dịch giả Lê Văn Việt có tri âm và tri kỷ từ Nam chí Bắc, từ trẻ đến già.

Cũng chính nhờ tình bằng hữu với dịch giả Lê Văn Viện, mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã quý mến ca sĩ Hồng Nhung khi cô vừa đặt chân vào phương Nam. Và đứa con gái có tên thân mật Bống của dịch giả Lê Văn Viện, đã được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết tặng đến 3 ca khúc “Bống bồng ơi”, “Bống không là Bống” và “Thuở Bống là người”.

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.