| Hotline: 0983.970.780

Dịch tả lợn Châu Phi âm ỉ lan rộng

Thứ Ba 25/02/2025 , 09:27 (GMT+7)

HÀ TĨNH Dịch tả lợn Châu Phi đang âm ỉ tại các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, thành phố Hà Tĩnh và có nguy cơ lây lan rộng, gây thiệt hại cho người chăn nuôi.

Hơn 10 xã dính dịch

Thời tiết giao mùa đúng thời điểm giá lợn hơi tăng cao, nhu cầu tái đàn của người dân lớn, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, từ đầu năm 2025 đến nay, dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh đang có nhiều diễn biến phức tạp. Theo đó, dịch đã xảy ra tại 3 địa phương: Cẩm Xuyên, Thạch Hà và TP. Hà Tĩnh với hơn 10 xã có ổ dịch, làm trên 275 con lợn mắc bệnh chết, buộc tiêu huỷ.

Dịch tả lợn Châu Phi làm hàng trăm gia súc ốm, chết phải tiêu hủy. Ảnh: Thanh Nga.

Dịch tả lợn Châu Phi làm hàng trăm gia súc ốm, chết phải tiêu hủy. Ảnh: Thanh Nga.

Tại huyện Cẩm Xuyên, dịch xảy ra tại 6 xã Cẩm Thạch, Cẩm Dương, Yên Hòa, Cẩm Thịnh, Cẩm Sơn, Cẩm Mỹ, làm 185 con lợn mắc bệnh chết, buộc tiêu hủy. Điều đáng lo ngại là các ổ dịch đã xảy ra trước Tết tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và đang tiếp tục bùng phát, lây lan tại các hộ mới với số lượng tổng đàn lớn.

“Qua kiểm tra cho thấy, việc nắm bắt thông tin, kiểm tra, giám sát, báo cáo dịch bệnh chưa đảm bảo theo quy định; công tác tiêu độc khử trùng còn hạn chế về tần suất, chất lượng, người chăn nuôi có tâm lý chủ quan với công tác phòng chống dịch bệnh, việc giết mổ, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ, sử dụng các loại thịt tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh”, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh nhấn mạnh.

Tại TP. Hà Tĩnh, các ổ dịch tả lợn Châu Phi tại 3 xã Tượng Sơn, Thạch Trị, Thạch Thắng đã làm 45 con lợn mắc bệnh, chết phải tiêu hủy. Đây là địa bàn rộng, tỷ lệ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nhiều trong khi lưu lượng gia súc, sản phẩm gia súc vận chuyển, buôn bán qua địa bàn lớn càng khiến dịch có nguy cơ lây lan.

Ông Nguyễn Việt Hiền, Quyền Trưởng phòng Kinh tế TP Hà Tĩnh cho biết, hiện thành phố đã cấp phát 754 lít hoá chất, 9.700kg vôi bột để tiêu độc, khử trùng. Đồng thời, cử cán bộ chuyên môn trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn UBND các xã, phường thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch.

Trong đó, tập trung giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại thôn, xóm, tổ dân phố, cơ sở chăn nuôi; tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn trên địa bàn, yêu cầu người chăn nuôi khi phát hiện lợn ốm, chết không rõ nguyên nhân phải báo cáo ngay Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi để kiểm tra, hướng dẫn xử lý.

Các giải pháp phòng, chống dịch cần thực hiện đồng bộ. Ảnh: Thanh Nga.

Các giải pháp phòng, chống dịch cần thực hiện đồng bộ. Ảnh: Thanh Nga.

Theo đánh giá của ngành chuyên môn, đây là giai đoạn chuyển mùa, sức đề kháng của đàn vật nuôi kém, dễ mắc bệnh; hoạt động mua bán, vận chuyển gia tăng... khiến dịch bệnh có nguy cơ lây lan cao. Ngoài ra, tình trạng người chăn nuôi khi phát hiện lợn ốm không báo cho chính quyền địa phương mà gọi thú y tư nhân hành nghề điều trị.

Bên cạnh đó, người mua lợn trực tiếp vào chuồng trước khi xảy ra dịch, một số địa phương chưa quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp trong công tác phòng, chống dịch bệnh, các giải pháp còn mang tính hình thức như chốt gác, tiêu độc khử trùng ra vào ổ dịch... cũng là những nguyên nhân khiến dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp, khó lường.

Chủ tịch UBND tỉnh ra Công điện khẩn

Cách đây vài ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải đã ban hành Công điện yêu cầu ngành chuyên môn và chính quyền các địa phương vào cuộc mạnh mẽ nhằm khống chế dịch, hạn chế thiệt hại cho người sản xuất. Trong đó nhấn mạnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã đang có dịch nếu lơ là, thiếu tập trung chỉ đạo để xảy ra dịch bệnh phát sinh diện rộng, gây thiệt hại lớn trên địa bàn quản lý sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Trước mắt, các địa phương cấp huyện chỉ đạo xã, phường khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình, diễn biến, công bố dịch bệnh và tập trung các nguồn lực, tổ chức chống dịch bệnh theo đúng quy định của Luật Thú y.

Ngành chuyên môn tăng cường kiểm soát giết mổ nhằm hạn chế dịch lây lan. Ảnh: Thanh Nga.

Ngành chuyên môn tăng cường kiểm soát giết mổ nhằm hạn chế dịch lây lan. Ảnh: Thanh Nga.

Đặc biệt, rà soát, nắm chắc biến động tổng đàn vật nuôi, giám sát chặt chẽ tình hình để phát hiện sớm, xử lý dịch bệnh theo phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng biện pháp an toàn sinh học, không tái đàn khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn dịch bệnh để tránh thiệt hại; thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi và khu vực liên quan đảm bảo yêu cầu, tần suất.

Kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ và thực hiện tiêu độc khử trùng phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tại các trục giao thông chính, thức ăn, trang thiết bị chăn nuôi, trong đó, lưu ý quản lý khai thác lợn đực giống, mua bán sử dụng con giống, xử lý thức ăn chăn nuôi tại các hộ xảy ra dịch…

Lập hội đồng xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, đảm bảo chính xác về số lượng, khối lượng gia súc tiêu huỷ, hồ sơ, thủ tục theo quy định. Rà soát, yêu cầu các lực lượng tham gia chống dịch áp dụng các biện pháp bảo hộ cá nhân, vệ sinh, sát trùng, tiêu độc để không làm lây lan dịch bệnh trong quá trình xử lý, vận chuyển, tiêu huỷ lợn mắc bệnh. Có biện pháp xử lý các hố chôn lợn bệnh và vùng xung quanh để không phát sinh nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Đối với các huyện, thành phố, thị xã chưa có dịch, tổ chức kiểm tra, rà soát dịch bệnh gia súc, gia cầm trên toàn địa bàn đảm bảo phát hiện sớm, xử lý kịp thời, đúng quy định đối với các ổ dịch trên gia súc, gia cầm. Thực hiện nghiêm công tác báo cáo dịch bệnh gia súc, gia cầm từ cơ sở ngay từ khi mới phát sinh ổ dịch. Thông tin, tuyên truyền về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh, các quy định, hiệu quả của việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi.

Đồng thời, phát động đợt tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi; hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn, chủ động phòng bệnh, không giấu dịch, không bán chạy, giết mổ, vứt xác động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh...

Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh cũng yêu cầu ngành chuyên môn bố trí kinh phí và các nguồn lực đảm bảo để tổ chức, triển khai kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế dịch tả lợn Châu Phi và công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi.

Riêng công tác tiêm phòng đợt 1 năm 2025, người chăn nuôi cần nâng cao ý thức, xác định đây là “tấm áo giáp” bảo vệ tài sản của gia đình. Từ đó, đăng ký tiêm phòng đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 80% đàn vật nuôi được tiêm đủ, đúng loại vắc xin tại thời điểm tiêm phòng, hoàn thành trước ngày 30/5/2025.

Xem thêm
Vì đâu cơ sở giết mổ lớn phải 'đắp chiếu', hoạt động cầm hơi?

Cũng phần lớn là giết mổ nhỏ lẻ nhưng nay ở Trung Quốc giết mổ không đăng ký là phạm pháp. TS Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam thông tin.

Khởi sắc mía đường: [Bài 4] Vùng biên viễn thay da đổi thịt nhờ cây mía

CAO BẰNG Gần 30 năm gắn bó với cây mía kể từ khi nhà máy đường Cao Bằng ra đời, vùng biên giới huyện Quảng Hòa (Cao Bằng) đã không ngừng thay da đổi thịt.

Nguy cơ xóa sổ vùng sắn Văn Yên: [Bài 1] Vụ sắn mất mùa, rớt giá

YÊN BÁI Mưa nhiều, đất bạc màu và người dân lạm dụng thuốc diệt cỏ trên đồi nương có thể là nguyên nhân chính gây ra tình trạng thối củ làm giảm năng suất, chất lượng sắn.

Bình luận mới nhất