| Hotline: 0983.970.780

Dịch bệnh bủa vây, người nuôi thận trọng tái đàn

Thứ Hai 24/02/2025 , 16:56 (GMT+7)

PHÚ YÊN Hiện, người chăn nuôi ở tỉnh Phú Yên đang tập trung tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại nhằm tái đàn thuận lợi, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Thận trọng tái đàn

Anh Lương Ngọc Thiệu là người chuyên nuôi gà thịt ở thôn Phú Diễn Trong, xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa (Phú Yên) từ năm 2018. Đến nay, anh có 4 dãy chuồng nuôi được thiết kế theo hình thức bán chăn thả, thông thoáng. Mỗi dãy chuồng rộng khoảng 300 m2 thả 1.000 con/lứa.

Anh Lương Ngọc Thiệu ở xã Hòa Đồng cho biết, anh rất chú trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gà. Ảnh: KS.

Anh Lương Ngọc Thiệu ở xã Hòa Đồng cho biết, anh rất chú trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gà. Ảnh: KS.

Anh Thiệu cho biết, vụ Tết vừa qua, gia đình anh xuất hết 3 dãy chuồng, chủ yếu loại gà trống tơ cúng nên giá từ 60-65 ngàn đồng/kg (tăng 9-10 ngàn đồng/kg so với lứa bình thường), sau khi trừ chi phí anh lãi hàng chục triệu đồng/lứa, rất phấn khởi.

Tuy nhiên, thay vì bắt tay ngay vào việc tái đàn, anh Thiệu lại để các chuồng trống một thời gian để tập trung tiêu độc khử trùng và vệ sinh chuồng, thu gom toàn bộ rác, chất thải chăn nuôi để tiêu hủy.

“Năm nay, với cảnh báo về dịch bệnh cúm gia cầm nên gia đình thả nuôi thận trọng, không ồ ạt. Trước khi tái đàn, gia đình phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Đây là khâu rất quan trọng nhằm tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường, ngăn chặn lây lan dịch bệnh để việc tái đàn thuận lợi”, anh Thiệu chia sẻ.

Bên cạnh đó, việc chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng và tiêm phòng vacxin đầy đủ cho đàn gà trong quá trình nuôi cũng được anh rất chú trọng.

Anh Thiệu vệ sinh chuồng trại sạch sẽ trước khi tái đàn gà. Ảnh: KS.

Anh Thiệu vệ sinh chuồng trại sạch sẽ trước khi tái đàn gà. Ảnh: KS.

Theo anh Thiệu, đối với giống gà nuôi anh chọn mua tại các công ty có uy tín nên được chủng ngừa vacxin cần thiết ngay từ đầu. Trong quá trình nuôi, anh cũng tiêm ngừa đầy đủ các loại vacxin như dịch tả, gumboro, nhất là cúm gia cầm, từ đó đảm bảo an toàn cho đàn gà trong suốt quá trình chăn nuôi.

Đối với các hộ nuôi bò hiện nay cũng bắt đầu cho lứa nuôi mới sau khi xuất bán dịp Tết. Như gia đình ông Ngô Văn Trọng, ở thôn Vinh Ba, xã Hòa Đồng trước Tết đã bán 6 con bò thịt với giá từ 32-35 triệu đồng/con, sau khi trừ chi phí lãi hơn 10 triệu đồng/con. Hiện nay, ông đang chăm sóc cũng như tái đàn gồm 15 con sinh sản kết hợp vỗ béo.

Với kinh nghiệm hơn 25 năm trong nuôi bò, ông Ngô Văn Trọng cho biết, tuy bò có sức đề kháng cao hơn lợn. Song khi gặp thời tiết nắng mưa thất thường, đàn bò cũng rất dễ bị nhiễm bệnh. Vì vậy, để chăn nuôi hiệu quả, ông kiểm soát chặt chẽ từ việc vệ sinh chuồng trại, con giống, thức ăn cho đến tiêm phòng đầy đủ 3 đợt trong năm.

“Đối với bò thường bị các bệnh nguy hiểm như tụ huyết trùng, lở mồm long móng và viêm da nổi cục. Vì vậy, khi đến đợt tiêm phòng tôi đều cho tiêm vacxin để bảo vệ đàn bò. Từ đó, tôi rất yên tâm chăn nuôi, không lo ngại dịch bệnh”, ông Trọng chia sẻ.

Đối với các hộ chăn nuôi lợn, hiện nay cũng tập trung vệ sinh, phơi phóng chuồng trại chuẩn bị cho tái đàn. Theo người nuôi, từ trước Tết đến nay giá lợn hơi rất tốt, dao động từ 65-72 ngàn đồng/kg nên người nuôi xuất bán lãi khá. Vì vậy, sau khi xuất bán hết lứa lợn trong dịp Tết, nhiều gia đình đã sớm đặt cọc mua lợn giống.

Ông Ngô Văn Trọng cho biết, khi tiêm vacxin phòng bệnh cho đàn bò đầy đủ nên rất yên tâm chăn nuôi. Ảnh: KS.

Ông Ngô Văn Trọng cho biết, khi tiêm vacxin phòng bệnh cho đàn bò đầy đủ nên rất yên tâm chăn nuôi. Ảnh: KS.

Lưu ý thời tiết

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên, tổng đàn trâu toàn tỉnh khoảng 162.500 con, đàn lợn 148.400 con và đàn gia cầm hơn 4,6 triệu con (trong đó đàn gà khoảng 3,8 triệu con). Dịp Tết vừa qua, một lượng lớn gia súc, gia cầm được xuất bán để cung cấp cho nhu cầu của người tiêu dùng, nên tổng đàn gia súc, gia cầm đã giảm mạnh. Hiện nông dân đã bắt đầu khôi phục đàn để cung ứng thị trường.

Tuy nhiên, hiện thời tiết đang bước vào giai đoạn chuyển mùa, mưa nắng thất thường sẽ tác động tới sức khỏe của đàn vật nuôi làm giảm sức đề kháng, gây dễ bị nhiễm bệnh.

Bên cạnh đó, thời tiết nắng mưa đan xen cũng là điều kiện thuận lợi để các vi sinh vật gây bệnh phát sinh, phát triển làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là ở những những ổ dịch cũ như bệnh tụ huyết trùng trâu, bò cấp tính, lở mồm long móng, viêm da nổi cục.

Một số bệnh do thời tiết gây cho vật nuôi như cảm nóng, cảm lạnh, tiêu chảy, chướng hơi dạ cỏ, dịch tả lợn Châu Phi, tai xanh, phó thương hàn, tụ huyết trùng lợn, cúm gia cầm chủng độc lực cao H5N1, H5N6.

Ngành Thú y Phú Yên đang hướng dẫn bà con tái đàn, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Ảnh: KS.

Ngành Thú y Phú Yên đang hướng dẫn bà con tái đàn, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Ảnh: KS.

Trước tình hình trên, để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, theo ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên khuyến cáo người nuôi ngay từ bây giờ cần chủ động triển khai các giải pháp bảo vệ đàn vật nuôi như che chắn chuồng trại, tránh mưa tạt, gió lùa và giữ ấm cho đàn vật nuôi khi nhiệt độ môi trường thấp.

Hằng ngày tăng cường sức đề kháng vật nuôi thông qua bổ sung vitamin, điện giải, khoáng chất...Đảm bảo dinh dưỡng, nước uống đầy đủ cho đàn vật nuôi trong thời điểm giao mùa. Đặc biệt người chăn nuôi phải chú trọng tiêm phòng các loại vacxin đầy đủ cho vật nuôi, thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi và các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

“Để hỗ trợ các hộ chăn nuôi tái đàn đạt hiệu quả cao, chúng tôi đã tham mưu Sở NN-PTNT trình UBND tỉnh phân bổ 5.000 lít hóa chất sát trùng để thực hiện tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi đợt 1/2025, thời gian bắt đầu từ ngày 15/1 đến trước ngày 10/3/2025”, ông Lâm chia sẻ và cho biết thêm, Chi cục đã có văn bản hướng dẫn quản lý, sử dụng hóa chất sát trùng phòng, chống dịch bệnh động vật. Cũng như đã có văn bản triển khai công tác tiêm vacxin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đợt 1 năm 2025, thời gian từ ngày 1/3 đến hết ngày 30/4/2025.

Ngoài ra, Chi cục tăng cường công tác kiểm tra giám sát tình hình dịch bệnh động vật để nắm bắt thông tin, xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh, ổ dịch cũ tránh lây lan diện rộng. Từ đó giúp các hộ chăn nuôi hiệu quả, an toàn.

Xem thêm
Vì đâu cơ sở giết mổ lớn phải 'đắp chiếu', hoạt động cầm hơi?

Cũng phần lớn là giết mổ nhỏ lẻ nhưng nay ở Trung Quốc giết mổ không đăng ký là phạm pháp. TS Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam thông tin.

Lạng Sơn: Hỗ trợ chuyển đổi cây thuốc lá sang trồng ớt

Nhằm tăng thu nhập cho nông dân, Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp phối hợp với các đơn vị triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi cây thuốc lá sang trồng ớt.

Làm nông nghiệp kiểu Quảng Tây: 'Nói chuyện' với cây trồng

QUẢNG NINH Với công nghệ thông minh, nông dân tại Quảng Tây (Trung Quốc) hoàn toàn có thể 'nói chuyện' với cây trồng để bắt bệnh.

Bình luận mới nhất