| Hotline: 0983.970.780

Nguy cơ xóa sổ vùng sắn Văn Yên: [Bài 1] Vụ sắn mất mùa, rớt giá

Thứ Ba 25/02/2025 , 06:40 (GMT+7)

YÊN BÁI Mưa nhiều, đất bạc màu và người dân lạm dụng thuốc diệt cỏ trên đồi nương có thể là nguyên nhân chính gây ra tình trạng thối củ làm giảm năng suất, chất lượng sắn.

LTS: Vùng sắn huyện Văn Yên (Yên Bái) thời hoàng kim có hàng chục nghìn ha, mang lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân nhưng giờ đây đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ bởi nấm bệnh hoành hành và giá cả bấp bênh. Từ cây trồng độc canh trên đất dốc, cây sắn đang dần trở thành cây trồng phụ, trồng xen với cây lâm nghiệp bởi việc liên kết trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm giữa người dân và doanh nghiệp chưa bền vững.

1ha sắn chỉ thu được 10 triệu đồng

Đã vào trung tuần tháng 2 nhưng nhiều đồi sắn ở xã An Bình (huyện Văn Yên) chưa được người dân thu hoạch bởi năng suất thấp, giá sắn tươi giảm một nửa so với vụ trước, lợi nhuận bà con thu được chẳng đáng là bao.

Theo nhiều người dân địa phương, năm trước giá sắn củ tăng cao, trung bình từ 3.000 – 3.200 đồng/kg nên mọi người tích cực thu hoạch từ trước Tết Nguyên Đán để bán cho nhà máy chế biến tinh bột xuất khẩu. Đến vụ xuân các hộ dân lại đua nhau cuốc hố trồng mới. Tuy nhiên năm 2024 thời tiết mưa lũ nhiều, cộng với tình trạng nấm bệnh hoành hành nên củ sắn thối nhiều, năng suất thấp, chỉ đạt hơn 10 tấn/ha.

Sắn bị thối củ nhiều, năng suất, chất lượng thấp khiến người dân chán nản. Ảnh: Thanh Tiến.

Sắn bị thối củ nhiều, năng suất, chất lượng thấp khiến người dân chán nản. Ảnh: Thanh Tiến.

Mất mùa, giá sắn thu mua tại nhà máy lại tụt mạnh, chỉ dao động từ 1.500 – 1.600 đồng/kg (giảm 50% so với năm trước). Mỗi ha sắn sau khi trừ chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuê nhân công thu hoạch, vận chuyển… chỉ còn khoảng 10 triệu đồng.

Gia đình bà Lương Thị Bắc ở thôn Trung Tâm, xã An Bình đã gắn bó với cây sắn từ hơn 20 năm qua. Cây trồng này phù hợp với thổ nhưỡng và địa hình đồi dốc ở địa phương nên hầu hết người dân nơi đây đều lựa chọn để phát triển kinh tế.

Theo bà Bắc, mấy năm nay củ sắn thối nhiều mà không rõ nguyên nhân. Vụ này, khoảng 1ha sắn của gia đình bà chỉ thu được hơn 7 tấn củ, các hộ dân trong xóm hỗ trợ đổi công thu hoạch, sau đó thuê người bốc lên ô tô vận chuyển về nhà máy. Giá sắn tươi năm nay xuống thấp, nhà máy chỉ thu mua với giá 1,5 – 1,6 triệu đồng/tấn.

Với tình trạng sắn vừa mất mùa vừa mất giá, từ trước Tết Nguyên Đán Ất Tỵ, gia đình bà Bắc đã trồng quế trên toàn bộ diện tích đất trồng sắn, tuy nhiên do thời gian qua trời ít mưa, đất đồi khô hạn, thiếu nước tưới nên cây quế non đã chết gần hết. Nhà bà Bắc đang đợi thời tiết có mưa sẽ trồng lại quế và sẽ tiếp tục trồng xen sắn, khoảng 2 - 3 năm tới khi cây quế lên cao sẽ bỏ hẳn cây sắn.

Giá sắn tươi xuống thấp, nhiều hộ chưa thu hoạch để chờ tăng giá. Ảnh: Thanh Tiến.

Giá sắn tươi xuống thấp, nhiều hộ chưa thu hoạch để chờ tăng giá. Ảnh: Thanh Tiến.

Bà Lã Thị Bích Hợi, Bí thư Chi bộ thôn Trung Tâm, xã An Bình cho biết thêm, cả thôn có hơn 200 hộ dân thì có trên 170 hộ dân trồng sắn với diện tích niên vụ 2024 - 2025 hơn 100ha. Khoảng chục năm về trước, sắn được coi là cây trồng chủ lực trong thôn, năng suất luôn đạt hơn 20 tấn/ha, các nhà máy thu mua với giá ổn định, góp phần đem lại thu nhập khá cho các hộ dân. Nhiều gia đình thu được hàng trăm triệu đồng mỗi năm, hàng chục ngôi nhà được xây dựng kiên cố, khang trang nhờ thu nhập từ các đồi sắn.

Thế nhưng vài năm gần đây, giá sắn tươi không còn ổn định. Nếu như vụ trước 1 tấn sắn được Nhà máy sắn Văn Yên thu mua với giá từ 3-3,2 triệu đồng thì vụ thu hoạch năm nay giảm chỉ còn 1,5 - 1,6 triệu đồng. Bên cạnh đó, năng suất cũng giảm mạnh do nhiều nguyên nhân như mưa lũ, nấm bệnh gây thối cây, thối củ. Trung bình mỗi ha năng suất thu hoạch chỉ đạt khoảng 10 tấn củ, tỷ lệ tinh bột trong sắn thấp bởi đất bạc màu hoặc do trồng xen các loại cây lâm nghiệp khác. Vì vậy khi vận chuyển đến nhà máy sẽ bị trừ sản lượng từ 15 - 20%, tùy theo hàm lượng tinh bột. Ví dụ, 10 tấn sắn có hàm lượng tinh bột thấp sẽ bị trừ 20%, nông dân chỉ được trả tiền 8 tấn, do đó bà con càng thêm thiệt thòi.

Việc trồng và thu hoạch sắn trên đất dốc khá vất vả. Ảnh: Thanh Tiến.

Việc trồng và thu hoạch sắn trên đất dốc khá vất vả. Ảnh: Thanh Tiến.

Hiện nay nhiều hộ dân trong thôn Trung Tâm không còn tâm huyết với cây sắn nữa, phần lớn đã chuyển đổi sang trồng quế, keo và một số cây lâm nghiệp khác cho thu nhập cao hơn. Cây sắn hiện chỉ được coi là cây trồng phụ, trồng xen trong những năm đầu khi bà con chuyển sang trồng quế, keo, tre Bát Độ, khi các cây trồng chính này phát triển tốt sẽ loại bỏ hoàn toàn cây sắn.

Thủ phủ sắn trước nguy cơ xóa sổ

Thông thường, vụ thu hoạch sắn sẽ kết thúc trước dịp Tết Nguyên Đán, tuy nhiên năm nay, nhiều hộ dân vẫn chưa thu hoạch vì hy vọng giá sắn sẽ tăng lên. Việc kéo dài thời gian để sắn trên đồi chờ tăng giá có thể dẫn đến nguy cơ sắn bị thối do mưa dầm, làm giảm chất lượng, thêm nữa sẽ không kịp làm đất trồng vụ sắn mới trong khung lịch thời vụ.

An Bình được coi là thủ phủ của vùng nguyên liệu sắn Văn Yên với hình ảnh những đồi sắn trải dài nối tiếp từ triền đồi này sang đồi khác đã trở nên quen thuộc trong hơn 2 thập kỷ qua. Lúc cao điểm (giai đoạn 2010 - 2013) cả xã có hơn 1.000ha sắn, tập trung ở các thôn Khe Trang, Khe Rồng, Trung Tâm...

Tình trạng cây sắn suy giảm năng suất, giá cả bấp bênh không chỉ là vấn đề của vụ sắn này mà đang có dấu hiệu trở thành xu hướng dài hạn. Nếu không có sự thay đổi về chính sách hỗ trợ về giá và biện pháp bảo vệ cây sắn khỏi nấm bệnh, vùng nguyên liệu sắn Văn Yên sẽ đứng trước nguy cơ xóa sổ trong vài năm tới.

Giá sắn tươi năm nay giảm 1/2 so với năm trước. Ảnh: Thanh Tiến.

Giá sắn tươi năm nay giảm 1/2 so với năm trước. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Nguyễn Ngọc Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã An Bình chia sẻ, cây sắn cao sản đã được trồng ở địa phương từ năm 2003. Trước đây, khi chưa có nhà máy chế biến, đa phần người dân băm sắn phơi khô bán sang thị trường Trung Quốc. Từ khi có Nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu (thuộc Công ty Cổ phần Lâm - Nông sản - Thực phẩm Yên Bái) đặt tại xã Đông Cuông, bà con đã tập trung bán sắn tươi tại đây. Trong nhiều năm giá cả ổn định, bà con yên tâm sản xuất, gắn bó với cây sắn. Đến năm 2024 toàn xã vẫn duy trì với diện tích hơn 600ha sắn, nhưng tới khi thu hoạch lại rơi vào cảnh mất mùa, rớt giá, ai cũng buồn và không còn tha thiết với cây sắn.

Theo ông Bắc, trước đây cây sắn được trồng độc canh, đất mới nên còn giàu dinh dưỡng, cho năng suất và hàm lượng tinh bột cao. Tuy nhiên do biến động thị trường và nấm bệnh, giá trị thu nhập từ đồi sắn ngày càng giảm, nhiều hộ dân dần chuyển đổi sang cây trồng khác. Sắn hiện giờ chỉ là cây trồng xen với cây lâm nghiệp, trong đó chủ yếu là quế.

Hiện nay nhà máy chế biến sắn chỉ ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với địa phương với sản lượng từ 4.000 - 4.500 tấn song giá thu mua không thống nhất, nếu xuất khẩu được giá cao thì nâng giá thu mua nguyên liệu, ngược lại thì thu mua với giá rẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã An Bình cho biết tình trạng sắn thối củ đã diễn ra trong khoảng 5 năm gần đây, các đơn vị chức năng của ngành nông nghiệp địa phương đã đến khảo sát, nghiên cứu nhưng chưa đưa ra được giải pháp kỹ thuật để khắc phục hiệu quả. Theo ông Bắc, mưa nhiều và đặc biệt là việc người dân lạm dụng thuốc diệt cỏ trong thời gian dài trên các đồi sắn có thể là nguyên nhân chính gây thối củ ngày càng trầm trọng.

Xem thêm
Vì đâu cơ sở giết mổ lớn phải 'đắp chiếu', hoạt động cầm hơi?

Cũng phần lớn là giết mổ nhỏ lẻ nhưng nay ở Trung Quốc giết mổ không đăng ký là phạm pháp. TS Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam thông tin.

Dịch bệnh bủa vây, người nuôi thận trọng tái đàn

PHÚ YÊN Hiện, người chăn nuôi ở tỉnh Phú Yên đang tập trung tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại nhằm tái đàn thuận lợi, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Lạng Sơn: Hỗ trợ chuyển đổi cây thuốc lá sang trồng ớt

Nhằm tăng thu nhập cho nông dân, Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp phối hợp với các đơn vị triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi cây thuốc lá sang trồng ớt.

Bình luận mới nhất