![z6294575922106_fa5f5471f30a5ce939db10a79016e42c-200444_425-200444.jpg Đã xác định được nguyên nhân trâu bò chết tại Quảng Trị. Ảnh: Võ Dũng.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/10/z6294575922106_fa5f5471f30a5ce939db10a79016e42c-200444_425-200444-210058.jpg)
Đã xác định được nguyên nhân trâu bò chết tại Quảng Trị. Ảnh: Võ Dũng.
Ngày 10/2, Chi cục Thú y Vùng III đã có kết quả xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm do Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị gửi vào ngày 7/2. Theo đó, mẫu bệnh phẩm trâu chết của hộ ông Trần Đức Lợi, thôn Na Nầm, xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông (mẫu lấy tại xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong) phát hiện vi khuẩn Pasteurella multocida gây bệnh tụ huyết trùng trâu, bò. Mẫu bệnh phẩm trâu chết của hộ bà Hồ Thị Liễu, thôn 5, xã Ba Lòng, huyện Đakrông phát hiện vi khuẩn Pasteurella multocida gây bệnh tụ huyết trùng trâu, bò và ký sinh trùng Babesia gây bệnh lê dạng trùng.
Trước đó, vào sáng 9/2, tại hộ ông Hồ Văn Ngam, thôn 5, xã Ba Lòng tiếp tục phát hiện có 1 con bò chết tại chuồng. Theo thông tin của ông Ngam, trước ngày 8/2, bò vẫn bình thường không có triệu chứng bệnh. Đến sáng 9/2 ông Ngam phát hiện thấy bò chết tại chuồng với các biểu hiện bụng chướng, các lỗ tự nhiên bình thường, sưng hạch trước vai và hạch đùi. Sáng ngày 10/2, phát sinh thêm 4 con trâu bị chết. Trong đó có 2 con tại thôn 5, xã Ba Lòng và 2 con của xã Triệu Nguyên chết tại xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong.
Như vậy, tính đến 16 giờ 30 ngày 10/2, tổng số trâu bò chết đã được phát hiện đều là của người dân xã Ba Lòng và xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông với số lượng là 34 con (26 con được phát hiện tại xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong và 8 con được phát hiện tại xã Ba Lòng, huyện Đakrông).
Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã đưa tin, sáng 6/2, Trạm Chăn nuôi và thú y liên huyện Triệu Phong - thị xã Quảng Trị nhận được thông tin về việc tại khu vực rừng thôn Kiên Phước, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong có 20 con trâu nằm chết rải rác.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định, thời gian trâu chết khoảng ngày 30/1 đến nay với các biểu hiện: Chướng hơi dạ cỏ, lồi hậu môn, xuất huyến mũi, miệng, hạch hầu sưng, dòi phát triển rất mạnh, mùi hôi thối nồng nặc…
Ngày 7/2, đoàn công tác huyện Đakrông đã đến hiện trường, lấy mẫu bệnh phẩm gửi Chi cục Thú y vùng III xác định nguyên nhân và ghi nhận thêm 9 con trâu bị chết với cùng các biểu hiện trên.
Triển khai các biện pháp phòng chống dịch
Trong hai ngày 8 và 9/2, xã Ba Lòng đã tổ chức tiêm kháng sinh điều trị dự phòng cho 184 con trâu, bò tại ổ dịch (100% số trâu bò hiện có tại thôn 5, xã Ba Lòng). UBND huyện Triệu Phong tiêu hủy gia súc chết đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Các địa phương xuất hiện trâu, bò chết cũng đã được cấp hóa chất phun tiêu độc khử trùng tại khu vực có gia súc chết, chuồng nuôi, bãi chăn, đường giao thông khu vực có dịch.