| Hotline: 0983.970.780

Giống gia cầm lậu khuynh đảo ngành chăn nuôi

Điểm trung chuyển 'gà Tàu' Ninh Giang - nơi gieo rắc tai họa

Thứ Năm 14/09/2023 , 13:30 (GMT+7)

Gà choai '4 không': không vacxin, không kiểm dịch, không chứng nhận chất lượng, không xuất xứ từ Ninh Giang (Hải Dương) được chuyển đi khắp miền Bắc, rắc hiểm họa cho ngành chăn nuôi.

Mục sở thị “công xưởng” gột gà Tàu

Những năm qua, vùng đất Ninh Giang được mệnh danh là “thủ phủ” nuôi gột các loại gia cầm, trong đó không ít trang trại nuôi gột các giống gà Trung Quốc như K8, K9, các giống gà chíp (chíp mận, chíp vàng, chíp lai...).

Trại nuôi gột gà chíp Tàu (toàn trống) của ông Chiến (đã đổi tên) ở thôn 11, xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang do Việt 'hàng Tàu' cung cấp giống. Ảnh: Hùng Khang.

Trại nuôi gột gà chíp Tàu (toàn trống) của ông Chiến (đã đổi tên) ở thôn 11, xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang do Việt "hàng Tàu" cung cấp giống. Ảnh: Hùng Khang.

Sau quá trình kết thân, Việt “hàng Tàu” (“trùm” buôn gà giống lậu đất Ninh Giang) dẫn chúng tôi mục sở thị một số trại liên kết để cấp con giống gà Tàu cho người dân nuôi gột thành gà choai, sau đó thu mua lại để bán cho các đại lý phân phối, khu chợ khắp các tỉnh phía Bắc.

Điểm đến đầu tiên là trại gà của ông Chiến (đã đổi tên)  ở thôn 11, xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang.

Khu nuôi úm gà nở thành gà choai của ông Chiến có 3 chuồng kín (mỗi chuồng rộng khoảng 70m2), được đầu tư lò sưởi và hệ thống bóng đèn chuyên dụng trong chăn nuôi. Mỗi chuồng (gồm 14 ô lồng hình vuông, ngăn cách với nhau bằng lưới) có thể nuôi 3.000 - 3.500 con gà. Như vậy, trại có thể nuôi gột cùng lúc 1 vạn con gà.

Dẫn chúng tôi thăm chuồng và ngắm gà chíp Tàu, Việt giới thiệu và nhấn mạnh rằng: “Con gà này như mình nói là các chú (chủ trại) không vào vacxin, vì  tiêm vacxin sẽ cộng vào 1.000 đồng/con”. Tôi quay sang hỏi ông Chiến: “Sao nhiều gà thế này mà chú không vào vacxin?”, thì chủ trại trả lời rằng: “Nuôi có mười mấy ngày là bán ấy mà”. Mười mấy ngày thì nó chưa phát bệnh, nuôi đến tầm 3 tháng thì nó mới có (nguy cơ) phát bệnh.

Sau 15 ngày nuôi úm, con gà chíp đạt trọng lượng 180 đến 200 gram, bắt đầu nhú mào và đến kỳ xuất bán cho các đầu nậu buôn gà choai. Đặc điểm của giống gà chíp Tàu là gần như 100% là con trống.

Nếu là chíp mận thì trọng lượng tối đa của con trống chỉ đạt khoảng 2kg/con, còn giống gà chíp lai màu vàng có vóc dáng to hơn, biểu cân có thể đạt 2,8 - 3kg.

Gia đình ông Chiến bắt gà để Việt 'hàng Tàu' chở đi chợ đầu mối giống gia cầm Đại Xuyên bán cho đại lý vào khoảng 3h sáng 1/9/2023. Ảnh: Hùng Khang.

Gia đình ông Chiến bắt gà để Việt "hàng Tàu" chở đi chợ đầu mối giống gia cầm Đại Xuyên bán cho đại lý vào khoảng 3h sáng 1/9/2023. Ảnh: Hùng Khang.

Rời nhà ông Chiến, Việt tiếp tục dẫn sang một hộ đang nuôi gột gà Tàu khác cách đó vài km ở thôn Cáp, xã Hồng Dụ. Chủ cơ sở nói đã nuôi gà chíp Tàu được hơn chục năm. “Ngày xưa con chíp to, giống đẹp lắm. Nhưng bây giờ giống ào ào. Trước đây gột gà chíp lùn chỉ 1 - 2 con mái thôi, bây giờ mái nhiều lắm”. “Ngày xưa ở đây chỉ có 10 - 20 nhà nuôi, nhưng bây giờ bao nhiêu nhà. Các trại nuôi lại to, vài vạn con. Giờ làm cũng khó, cùng một lúc chẳng có con gà gì, độc con gà chíp nó về thì tất cả cùng vào”, chủ cơ sở này cho biết.

Quá trình điều tra, chúng tôi được biết, mỗi trại thường nuôi gột nhiều giống gà khác nhau, tùy nhu cầu thị trường từng thời điểm. Giống gà Tàu nuôi xen lẫn giống gà nội, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn.

Trò chuyện với chúng tôi, Việt lý giải câu hỏi vì sao gà Trung Quốc lại về đất Hải Dương này. Đó là vì hàng từ Trung Quốc đi qua Móng Cái (Quảng Ninh) về đến đây là gần nhất. Và vùng này cũng là vùng chăn nuôi, quỹ đất chật hẹp nên phát triển nghề nuôi gột để đỡ tốn diện tích. Sau khi gột lên rồi mới chuyển đi các nơi, do đó gọi đây là “thủ phủ gà Trung Quốc”.

Gia đình ông Chiến phụ Việt 'hàng Tàu' bốc gà lên xe BKS 34C-270.0x. Ảnh: Hùng Khang.

Gia đình ông Chiến phụ Việt "hàng Tàu" bốc gà lên xe BKS 34C-270.0x. Ảnh: Hùng Khang.

Chúng tôi thật sự choáng váng, bởi theo lời của Việt, ở Ninh Giang còn có các  trại nuôi gột gà cho doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm. Chẳng may bên Trung Quốc bùng nổ các dịch bệnh nguy hiểm thì làm thế nào ngăn được mầm bệnh di chuyển từ ngoài biên giới vào nước ta? Những cơ quan chuyên ngành quản lý thú y của tỉnh Hải Dương, huyện Ninh Giang và chính quyền cơ sở cần trả lời cho câu hỏi này.

Theo xe gà Tàu rong ruổi khắp 4 tỉnh

Chúng tôi đề nghị Việt tạo điều kiện để trải nghiệm thực tế bắt gà Tàu trong đêm và theo xe chở gà Tàu từ Ninh Giang giao hàng cho chợ đầu mối gia cầm giống Đại Xuyên (Phú Xuyên, Hà Nội) để quay tư liệu phục vụ quảng cáo bán hàng onlie. Mặc dù rất phân vân, nhưng cuối cùng Việt vẫn đồng ý.

Tối 31/8, chúng tôi thuê một nhà nghỉ gần nhà Việt để tá túc qua đêm và tranh thủ gặp Việt trước giờ đi bắt gà. Việt khẳng định, nếu chúng tôi bán được cả vạn con mỗi ngày thì ngay từ bây giờ Việt sẽ đi thuê các trại gột gà, để 15 ngày sau là bắt đầu có hàng. Nếu số lượng đơn hàng lớn thì Việt có thể cung cấp cả chục vạn con trong “chiến dịch quảng cáo bán hàng”.

Hơn 2h sáng, đến giờ lên đường bắt gà, Việt bảo tôi lên xe tải BKS 34C-270.0x để cùng tài xế di chuyển đến địa chỉ đội 11 xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang bắt hàng nghìn con gà chíp choai Tàu toàn trống, sau đó vận chuyển đến một ngã 3 cách đó 2km để chuyển một phần chíp choai và sang ô tô BKS 34C-349.1x (cũng của Việt) rồi bốc thêm những con gà chíp nở K8.

Sau khi bốc lô gà chíp choai Tàu xong, Việt đóng thùng xe để di chuyển ra địa điểm khác san hàng cho ô tô 34C-349.1x tại ngã 3 cách đó khoảng 3km. Ảnh: Hùng Khang.

Sau khi bốc lô gà chíp choai Tàu xong, Việt đóng thùng xe để di chuyển ra địa điểm khác san hàng cho ô tô 34C-349.1x tại ngã 3 cách đó khoảng 3km. Ảnh: Hùng Khang.

Việt giao cho tài xế xe 34C-270.0x di chuyển lên Bắc Giang trả hàng, còn xe 34C-349.1x chở gần 3.000 con gà K8, chíp nở và chíp choai lăn bánh đi giao cho đại lý gia cầm giống tại chợ đầu mối gia cầm giống Đại Xuyên. Quãng đường từ huyện Ninh Giang lên Phú Xuyên mất khoảng 70km, xuyên qua 4 tỉnh, thành phố (Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, TP Hà Nội).

Trước khi vào chợ giống gia cầm Đại Xuyên, chiếc xe BKS 34C-349.1x chỉ phải đi qua duy nhất 1 chốt kiểm dịch động vật liên ngành tại Km 213+100 Quốc lộ 1A, thôn Bài Lễ, xã Châu Can, huyện Phú Xuyên.

San gà chíp, K8 mới nở từ xe 34C-270.0x sang xe 34C-349.15 để vận chuyển giao hàng cho đại lý tại chợ đầu mối giống gia cầm Đại Xuyên, Hà Nội. Ảnh: Hùng Khang.

San gà chíp, K8 mới nở từ xe 34C-270.0x sang xe 34C-349.15 để vận chuyển giao hàng cho đại lý tại chợ đầu mối giống gia cầm Đại Xuyên, Hà Nội. Ảnh: Hùng Khang.

Tưởng rằng ô tô chở gần 3.000 con gà giống Trung Quốc 34C-349.1x sẽ bị lực lượng chức năng dừng lại để kiểm soát. Thế nhưng, chúng tôi ngạc nhiên khi chiếc xe vô tư vọt qua trước mắt lực lượng liên ngành (gồm cảnh sát giao thông, thú y và quản lý thị trường), như “gió vào nhà trống”.

Xe ô tô 34C-349.1x đi qua Chốt kiểm dịch liên ngành tại Km 213+100 Quốc lộ 1A, thôn Bài Lễ, xã Châu Can, huyện Phú Xuyên mà không hề bị lực lượng chức năng dừng để kiểm soát. Ảnh: Hùng Khang.

Xe ô tô 34C-349.1x đi qua Chốt kiểm dịch liên ngành tại Km 213+100 Quốc lộ 1A, thôn Bài Lễ, xã Châu Can, huyện Phú Xuyên mà không hề bị lực lượng chức năng dừng để kiểm soát. Ảnh: Hùng Khang.

Có hay không chuyện muốn qua chốt, yên ổn kinh doanh thì phải “đóng luật”?

Việt bảo: “Ở Phú Xuyên thì ngay từ đầu chợ có một chốt kiểm dịch, mình phải làm việc với đội kiểm dịch, phải đóng với họ theo năm luôn”. Hầu như ngày nào cũng đánh xe chở gà, vịt Tàu qua chốt, nhưng Việt coi cái chốt đó như không tồn tại. “Xe của mình không bao giờ quan tâm đến chốt kiểm dịch”. Thực tế, quá trình điều tra, chúng tôi đã quay được video hình ảnh cả hai ô tô của Việt “thông chốt” như chốn không người.

Linh - chủ cơ sở buôn bán giống gia cầm Thúy Bộ tại khu vực ngã 3 đường tàu dẫn vào Trung tâm Nghiên cứu Vịt Đại Xuyên cũng chia sẻ với chúng tôi: “Ở đây phải làm luật” với lực lượng chức năng. “Nếu xe chở hàng cho nhà em, chỉ cần bảo chở hàng cho nhà Linh Đạt là đi qua luôn, bọn em “làm luật” rồi, còn nếu của nhà khác mà chưa làm luật là ăn phạt luôn, bắt tiêu hủy”.

Xe tải chở gần 3.000 con gà Tàu di chuyển từ Ninh Giang (Hải Dương) lên đổ hàng cho đại lý bán giống gia cầm Ngọc Hải ở khu vực Đại Xuyên mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Ảnh: Hùng Khang.

Xe tải chở gần 3.000 con gà Tàu di chuyển từ Ninh Giang (Hải Dương) lên đổ hàng cho đại lý bán giống gia cầm Ngọc Hải ở khu vực Đại Xuyên mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Ảnh: Hùng Khang.

Đang thời vụ, dù lượng con giống vịt, gà Tàu giao dịch mỗi ngày lên tới cả vạn con, nhưng Linh thản nhiên nói: “Nhà nào máu mặt ở đây thì chưa bao giờ bị bắt đâu. Những nhà làm to ở khu vực này độ 10 nhà, chả bao giờ nó sờ đến... Những nhà ở đây đóng hàng nhiều, xe đỗ ở cửa để bốc hàng lên cũng phải đóng luật. Các xe ô tô khách đậu ở cửa bốc hàng lên cũng phải đóng luật. Làm sao ai cho đứng ngang nhiên bốc hàng như thế”.

Chúng tôi đem những hình ảnh ghi được về chuyện phải “đóng luật” theo năm từng đầu xe mới có thể qua chốt an toàn cho ông Lê Anh Ngọc - Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Phú Xuyên, phụ trách Chốt chốt kiểm dịch động vật liên ngành tại Km 213+100 Quốc lộ 1A.

Và, câu trả lời của ông Lê Anh Ngọc là: “Về một vài người dân hoặc chủ phương tiện có ý kiến là nếu muốn đi qua chốt là phải “làm luật”, “mua luật” thì với tư cách cá nhân, tôi là quản lý chốt kiểm dịch liên ngành đó và Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hà Nội giao cho, tôi cam kết và khẳng định với các đồng chí là sẽ không có việc đó xảy ra. Nhưng chúng tôi cũng rất cảm ơn các đồng chí đã có những kênh thông tin để chúng tôi biết như vậy. Chúng tôi sẽ rà soát, kiểm tra và chia sẻ lại với các anh”.

Theo ông Lê Ngọc Anh, phụ trách Chốt kiểm dịch liên ngành tại tại KM 213+100 Quốc lộ 1A, 8 tháng đầu năm 2023, lực lượng tại Chốt kiểm tra được khoảng 7.600 lượt phương tiện vận chuyển qua chốt, trong đó có khoảng 7.600 phương tiện. Số lượng gia cầm, động vật nói chung được kiểm soát gần 4,6 triệu con, trong đó chủ yếu là gia cầm (4,5 triệu con).

Tuy nhiên, 8 tháng đầu năm 2023, chốt này chỉ xử lý được 3 trường hợp vi phạm với số tiền 40 triệu đồng. Trong đó có 1 vụ vào ngày 9/9, do Chi cục Chăn nuôi -– Thú y Hà Nội phối hợp với chốt kiểm tra, xử phạt theo nguồn tin Báo Nông nghiệp Việt Nam cung cấp BKS (chủ hàng là ông Lê Văn Khởi và lái xe Bùi Văn Vĩnh, đang vận chuyển khoảng 2.000 con gà choai từ huyện Ninh Giang lên chợ giống gia cầm Đại Xuyên tiêu thụ). Cũng trong 8 tháng đầu năm nay, Trạm Thú y huyện Phú Xuyên cũng chỉ xử phạt được 2,5 triệu đồng đối với 1 cơ sở kinh doanh giống gia cầm không đảm bảo vệ sinh thú y tại khu vực chợ (tự phát) đầu mối giống gia cầm Đại Xuyên.

Liệu rằng, lực lượng chức năng của huyện Phú Xuyên đã làm hết trách nhiệm trong việc kiểm soát vận chuyển, mua bán giống gia cầm hay chưa, khi mà những đối tượng vận chuyển, buôn bán gà, vịt Trung Quốc ngày ngày đánh hàng lên chợ Đại Xuyên nhưng… không hề sợ lực lượng chức năng. 

Xem thêm
Kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Trương Hòa Bình; khiển trách bà Trương Thị Mai

Ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Trương Thị Mai, ông Trương Hòa Bình đã có những vi phạm, khuyết điểm bị Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật.

Mời gọi doanh nghiệp ngành lúa gạo Việt Nam đầu tư tại Cuba

Cần Thơ Cuba mong muốn học hỏi kinh nghiệm cũng như mời gọi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong ngành lúa gạo Việt Nam tham gia đầu tư, thúc đẩy sản xuất lương thực tại Cuba.

Trao tặng 80 di ảnh cho thân nhân các anh hùng liệt sỹ

Hội Cựu công an nhân dân (CAND) tỉnh Ninh Bình vừa tổ chức lễ trao 80 di ảnh các anh hùng, liệt sỹ tới thân nhân, gia đình.