Điện Biên Phủ hôm nay đã là một cái tên quen thuộc của hàng triệu con người Việt Nam và bè bạn quốc tế. 70 năm trước, ngày 7/5/1954, chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm nên một cột mốc chói lọi trong lịch sử dân tộc chúng ta. Với bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” nóng hổi thời sự lúc ấy, Tố Hữu khẳng định hình ảnh tướng Christian de Castrie xin đầu hàng là kết quả “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn”.
“Năm mươi sáu ngày đêm” được tính chung cho cả ba đợt tiến công cứ điểm Điện Biên Phủ. Đợt tiến công thứ nhất từ ngày 13/3 đến 17/3. Đợt tiến công thứ hai từ ngày 30/3 đến ngày 30/4. Đợt tiến công thứ ba từ ngày 1/5 đến ngày 7/5. Thực dân Pháp huy động nhân lực và tài lực để xây dựng cứ điểm Điện Biên Phủ thành một “pháo đài bất khả xâm phạm”, nhưng không thể ngăn chặn bước chân của những con người Việt Nam yêu nước. Cho nên, chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ chứng minh trí tuệ lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tài năng cầm quân của đại tướng Võ Nguyên Giáp, mà còn khẳng định sự đoàn kết một lòng một dạ của toàn dân quyết tâm đánh đuổi ngoại xâm với tất cả sục sôi “ngựa bay lên dốc/ đuốc chạy sáng rừng”.
Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã làm bừng sáng những địa danh Mường Phăng, Pha Đin, Lũng Lô… Và chiến thắng Điện Biên Phủ tôn vinh những anh hùng Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn... Thế nhưng, chiến thắng Điện Biên Phủ không thể lãng quên những chiến sĩ vô danh khác, như Chính Hữu viết: “Ôi những con người mỗi khi nằm xuống/ Vẫn nằm trong tư thế tiến công/ Bên trái: Lò Văn Sự/ Bên phải: Nguyễn Đình Ba” hoặc như Vũ Cao viết: “Những người anh từ biển sông xa sóng đổ cát bồi/ Từ những xóm trung du, những bản làng dốc núi/ Từ trăm nẻo đất quê mang hờn căm nhức nhối/ Đã hành quân lên/ Không có ngày về”.
Cho nên, chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của khát vọng Việt Nam, chiến thắng của tinh thần Việt Nam. Chính nhà báo Pháp Giuyn dõi theo thất bại của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ đã đánh giá: “Không phải viện trợ bên ngoài đã đánh bại tướng Henri Navarre mà chính là những chiếc xe đạp thồ 200 ký, 300 ký hàng và đẩy bằng sức người, những con người ăn chưa đủ no và ngủ thì nằm ngay dưới đất trải tấm ni lông. Cái đã đánh bại tướng, không phải là phương tiện mà là sự bản lĩnh, trí thông minh và ý chí của đối phương”.
Chiến thắng Điện Biên Phủ xóa bỏ gót giày đô hộ của thực dân Pháp trên đất nước Việt Nam và góp phần cổ vũ phong trào đứng lên giải phóng cho các dân tộc đang chịu cảnh thuộc địa lầm than trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ đưa ra lời cảnh tỉnh sâu sắc cho những quốc gia hùng mạnh vẫn chủ trương xâm lấn và đô hộ những quốc gia nhỏ bé. Chiến thắng Điện Biên Phủ nhắc nhở những kẻ ngạo mạn và những kẻ tham tàn phải nguội lạnh âm mưu đe dọa bành trướng.
Từ âm vang Điện Biên Phủ được cả nhân loại ngưỡng mộ, đất nước Việt Nam lại kiên cường đối diện đế quốc Mỹ để thống nhất non sông. Những vũ khí hiện đại của đế quốc Mỹ từng gây kinh hoàng khắp năm châu. Và những nhà chiến lược quân sự Mỹ tin rằng, có thể dùng B52 để đẩy Việt Nam vào ngõ hẹp thúc thủ. Tuy nhiên, bài học Điện Biên Phủ một lần nữa bùng nổ kỳ tích. 12 ngày đêm, từ 18/12/1972 đến 30/12/1972, Hà Nội và Hải Phòng hiên ngang chống trả B52 đã viết nên một trang vàng ngạo nghễ “Điện Biên Phủ trên không”.
Điện Biên Phủ của năm 1954 và “Điện Biên Phủ trên không” của năm 1972 là sự tiếp nối hoàn hảo. Thực dân Pháp không thể đè bẹp quân dân Việt Nam và đế quốc Mỹ cũng không thể chế ngự quân dân Việt Nam. Tướng không quân Mỹ George Eade cay đắng thừa nhận: “Tổn thất về máy bay chiến lược B52 cùng phi hành đoàn là hết sức nặng nề, là đòn choáng váng đánh thẳng vào những nhà hoạch định chiến tranh của Lầu Năm Góc”.
Điện Biên Phủ của năm 1954 giành lại vẻ đẹp Hà Nội “năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào, chảy dòng sương sớm long lanh”. Còn “Điện Biên Phủ trên không” buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán để ký Hiệp định Paris rút quân khỏi lãnh thổ Việt Nam, mở đường cho ngày Việt Nam thống nhất 30/4/1975. Vì vậy, không có gì quá lời, khi nói rằng chiến thắng Điện Biên Phủ là một báu vật trao tay qua nhiều thế hệ để làm nên phẩm giá con người Việt Nam kiêu hãnh trong thế kỷ 20.
Với một dân tộc đã phải gánh chịu nhiều đêm dài nô lệ, chiến thắng Điện Biên Phủ trở thành mốc son trên con đường tự lực tự cường của con người Việt Nam. Hơn ai hết, con người Việt Nam thấu hiểu giá trị máu xương, giá trị mất mát, giá trị chia lìa để có được cuộc sống hòa bình. Vì vậy, Điện Biên Phủ không chỉ vang lên khúc ca lịch sử của một giai đoạn, mà con người Việt Nam tiếp tục góp thêm thanh âm cho bản giao hưởng bất tận đến ngày mai.
Từ Điện Biên Phủ, đất nước Việt Nam độc lập tự do. Từ Điện Biên Phủ, đất nước Việt Nam đẩy lùi đói nghèo lạc hậu. Từ Điện Biên Phủ, con người Việt Nam thúc giục hành trình mới, ấm no và hạnh phúc. Con người Việt Nam tự hào về Điện Biên Phủ và con người Việt Nam phát huy thông điệp Điện Biên Phủ để tri ân quá khứ và để kiến tạo tương lai: “Hỡi các chị, các anh/ Trên chiến trường ngã xuống/ Máu của anh chị, của chúng ta không uổng/ Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam/ Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/ Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng”. Con người Việt Nam hướng đến nhiều "chiến thắng Điện Biên Phủ" nữa trong sứ mệnh đưa đất nước Việt Nam hội nhập thật thịnh vượng và thật văn minh.
Hôm nay, chúng ta kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ để mỗi con người Việt Nam gần lại với nhau và cùng nhau nhìn về phía trước. Bài học Điện Biên Phủ đẩy lùi ngoại xâm trở thành nền tảng cho mơ ước đẩy lùi nội xâm và chinh phục những thử thách khác. Cha ông từng cất tiếng hát trên đồi A1 để cháu con cất tiếng hát trên những công trình sáng tạo rạng rỡ hơn, tươi đẹp hơn.