| Hotline: 0983.970.780

Điện Biên thu hút vốn đầu tư, tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Thứ Tư 24/11/2021 , 17:07 (GMT+7)

Do nguồn lực đầu tư của tỉnh còn hạn chế, Điện Biên chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp dựa trên 3 đề án lớn và sự vào cuộc của doanh nghiệp.

Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Điện Biên phát biểu trong buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Điện Biên phát biểu trong buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ. Ảnh: Bảo Thắng.

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Điện Biên 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt 2.761,998 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), trong đó khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 1.381,15 tỷ đồng. Dù thống kê này tăng đều hàng năm, Điện Biên vẫn thuộc tốp cuối cả nước về giá trị.

Thu hút vốn đầu tư là một trong những yêu cầu bắt buộc để tỉnh phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở NN-PTNT Điện Biên cho biết, hàng năm tỉnh dành nguồn lực khoảng 20-25 tỷ đồng để đầu tư cho nông nghiệp. Con số này khá hạn chế, và tỉnh hiện rất cần cơ chế từ Trung ương để thu hút đầu tư từ doanh nghiệp.

"Điện Biên là vùng lõm của khu vực Tây Bắc trong việc thu hút doanh nghiệp, cũng như tích tụ đất đai. Sở NN-PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách, trong đó có Nghị quyết 09 về phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Ngoài ra ngành nông nghiệp Điện Biên còn đang xây dựng và phát triển 3 đề án là: phát triển cây ăn quả trên đất dốc, chăn nuôi đại gia súc ăn cỏ, và trồng cây lâm nghiệp trên đất lâm nghiệp chưa có rừng", ông Hải nói.

Trong 3 đề án này, phát triển cây lâm nghiệp là hướng đi mũi nhọn. Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh Điện Biên là 954.125 ha, trong đó diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp 694.753 ha, chiếm 72,8% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, tỷ lệ che phủ rừng đến hết năm 2019 của tỉnh là 42,25%. Đây là một trong những điều kiện tốt để Điện Biên phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Sau nhiều thử nghiệm, Điện Biên xác định cây mắc ca là hướng đi chủ đạo trong thời gian tới. Cây mắc ca vốn được nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đưa lên trồng thử nghiệm tại một số huyện và thành phố Điện Biên Phủ từ năm 2003. Đến năm 2009, cây mắc ca tiếp tục được đưa vào trồng thử nghiệm thông qua một số chương trình, dự án, và sau đó được người dân và doanh nghiệp phát triển mở rộng diện tích vùng trồng.

Đến nay, Điện Biên đã trồng được 3.820 ha cây mắc ca. Trong đó: trồng thuần 3.767 ha, trồng xen với cây trồng khác 54 ha. Các diện tích đã trồng tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện Tuần Giáo, Điện Biên, Mường Nhé, Điện Biên Đông, Mường Ảng và thành phố Điện Biên Phủ.

Phần lớn diện tích cây mắc ca trên địa bàn tỉnh do các doanh nghiệp đầu tư trồng (3.375 ha), diện tích còn lại (khoảng 446 ha) do các địa phương trồng xen che bóng cây cà phê, trồng thử nghiệm, người dân trồng tự phát.

Chăn nuôi đại gia súc ăn cỏ là một trong 3 đề án chính để Điện Biên tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ảnh: Minh Phúc.

Chăn nuôi đại gia súc ăn cỏ là một trong 3 đề án chính để Điện Biên tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ảnh: Minh Phúc.

Nhằm thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, Điện Biên đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 8 dự án trồng cây mắc ca, với tổng quy mô trồng được phê duyệt triển khai thực hiện là 47.046 ha, tổng vốn đầu tư 8.812 tỷ đồng.

Tính đến tháng 11/2021, các dự án đã tổ chức triển khai trồng được khoảng 3.375 ha cây mắc ca, đạt 41% so với quy mô tiến độ phê duyệt các dự án đến năm 2021 và đạt 9% so với tổng quy mô các dự án được phê duyệt.

Việc thực hiện các dự án bước đầu đã tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ dân, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, nhất là vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, đưa cây mắc ca trở thành cây trồng có giá trị cao trong sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, được cấp ủy chính quyền các địa phương, quan tâm, ủng hộ, người dân tích cực hưởng ứng, tham gia.

"Việc phát triển cây mắc ca giúp tăng thu nhập cho bà con, và tránh được tình trạng dịch chuyển dân cư tự do ở một số huyện vùng cao. Hiện các doanh nghiệp đầu tư và liên kết chặt chẽ với phía ngân hàng, tạo sức bật ban đầu cho tỉnh phát triển kinh tế ở vùng khó khăn. Với chủ trương chuyển đổi sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tỉnh sẽ dành nguồn lực phát triển kinh tế lâm nghiệp, trong đó có cây mắc ca, đồng thời xây dựng chính sách phù hợp để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư", Giám đốc Sở NN-PTNT Điện Biên, ông Bùi Minh Hải chia sẻ.

Ngoài mắc ca, Điện Biên cũng quan tâm đến việc phát triển cây cao su, và nhiều loại gỗ lớn, cũng như cây dược liệu. Hiện Sở NN-PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định 45 , với nhiều cơ chế hỗ trợ  liên kết sản xuất giữa người dân và doanh nghiệp. Chẳng hạn, trong lĩnh vực chăn nuôi đại gia súc, người dân sẽ được hưởng một khoản tiền hỗ trợ khi tham gia chuỗi sản xuất cùng hợp tác xã, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.

Cây mắc ca trồng tại huyện Tuần Giáo, Điện Biên.

Cây mắc ca trồng tại huyện Tuần Giáo, Điện Biên.

Với quỹ đất lớn, mục tiêu của Điện Biên đến năm 2025, còn là hình thành 6 vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, bền vững, gồm các huyện Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên, Mường Chà, Điện Biên Đông và TP. Điện Biên Phủ với tổng diện tích là 3.000ha, với một số loại cây ăn quả chính như: cam, nhãn, xoài, bưởi, dứa, vú sữa, bơ, táo mèo, chuối và một số cây khác như lê, chanh leo....

Điện Biên chủ trương chuyển đổi cây trồng trên đất dốc, vốn trồng cây lương thực kém hiệu quả (lúa nương, ngô...) sang cây ăn quả là 1.000ha; diện tích sản xuất để cung ứng cho thị trường tiêu thụ quả trong, ngoài tỉnh; đáp ứng tiêu chuẩn hữu cơ, GAP và các tiêu chuẩn tương đương.

Ngoài ra, tỉnh đã lên kế hoạch xây dựng, cải tạo, nâng cấp các cơ sở sản xuất giống để toàn tỉnh có khoảng 2-3 cơ sở sản xuất giống, trong đó ưu tiên xây dựng vườn ươm giống tại các huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên để đáp ứng đủ nhu cầu giống trồng mới cây ăn quả trên địa bàn tỉnh.

Về chăn nuôi, Điện Biên định hướng sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị, có thị trường tiêu thụ ổn định, có sức cạnh tranh cao, có hiệu quả và phát triển bền vững. Tỉnh lên kế hoạch xây dựng đàn trâu, bò, dê vốn quen thuộc với đồng bào các dân tộc. Nhờ kiến thức sẵn có về chăn nuôi và phòng bệnh, người dân chỉ tập trung nâng quy mô tổng đàn.

Tập trung vào những sản phẩm đặc thù, đặc hữu của địa phương, và khai thác triệt để các thế mạnh của từng vùng, từng huyện, từng xã, 3 đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được kỳ vọng sẽ góp phần đưa Điện Biên thoát khỏi "vùng lõm" của khu vực Tây Bắc.

Xem thêm
Rau quả Việt Nam có cơ hội ở Thụy Điển nhờ khác biệt mùa vụ

Thụy Điển là thị trường có tiềm năng lớn với rau quả Việt Nam, do thị trường này nhập khẩu rau quả với khối lượng lớn và sự khác biệt về mùa vụ.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Syngenta hỗ trợ xây trường học và nhà ở cho hộ nghèo

ĐẮK LẮK Syngenta Việt Nam hỗ trợ xây nhà ở cho 2 gia đình có hoàn cảnh khó khăn và 1 điểm trường tại xã Tân Tiến và Vụ Bổn (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk).