| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng nhãn hiệu 'Cá sông Đà Sơn La' gắn với phát triển nông thôn

Chủ Nhật 05/01/2025 , 09:13 (GMT+7)

Lan tỏa hình ảnh và chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu ‘Cá sông Đà Sơn La’ tới khắp cả nước, góp phần giúp người dân thoát nghèo bền vững…

Buổi nghiệm thu diễn ra trong không khí sôi nổi, các đại diện đề rõ những khó khăn để tìm phương án giải quyết. Ảnh: Đức Bình.

Buổi nghiệm thu diễn ra trong không khí sôi nổi, các đại diện đề rõ những khó khăn để tìm phương án giải quyết. Ảnh: Đức Bình.

Ngày 4/1, tại Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La, buổi nghiệm thu dự án xây dựng mô hình khai thác nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) “Cá sông Đà Sơn La” đã diễn ra với sự tham gia của đại diện các cấp quản lý và đơn vị vận hành. 

Đây được đánh giá là dự án có ý nghĩa thiết thực trong việc phát triển kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống người dân do Trung tâm nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp chủ trì vận hành.

Xác định cụ thể từng quy trình

Mục tiêu chính nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh và thu nhập cho các hộ nuôi cá cũng như các hợp tác xã (HTX) kinh doanh cá tại địa phương, khai thác hiệu quả nhãn hiệu “Cá sông Đà Sơn La”.

Người dân được hỗ trợ toàn bộ từ cách thiết kế lồng bè, đến phương thức nuôi cá. Ảnh: VT.

Người dân được hỗ trợ toàn bộ từ cách thiết kế lồng bè, đến phương thức nuôi cá. Ảnh: VT.

Dự án tập trung phát triển trên địa bàn ba huyện Quỳnh Nhai, Mường La và Thuận Châu, tổng số lượng lồng cá đạt 6.559 lồng, với sản lượng ước tính khoảng 6.500 tấn/năm. Trong đó, huyện Quỳnh Nhai dẫn đầu với 4.691 lồng cá, chiếm 71,52% tổng số lồng.

Các chuyên gia trực tiếp hỗ trợ người dân từ phương pháp nuôi trồng đến nguồn tiêu thụ. Các buổi tập huấn chuyên sâu, cung cấp kiến thức và kỹ năng cần thiết cho các HTX, doanh nghiệp và hộ nuôi cá. Mở rộng phát triển thêm các kỹ năng marketing, đàm phán, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, thiết kế logo, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu và quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo,…

Ông Bùi Quang Duẩn chủ nhiệm dự án bộc bạch một số khúc mắc trong giai đoạn triển khai. Ảnh: Đức Bình.

Ông Bùi Quang Duẩn chủ nhiệm dự án bộc bạch một số khúc mắc trong giai đoạn triển khai. Ảnh: Đức Bình.

Ông Bùi Quang Duẩn, chủ nhiệm dự án nhấn mạnh: “Việc xây dựng và nâng cao giá trị thương mại của nhãn hiệu là yếu tố cốt lõi để đảm bảo sự phát triển bền vững. Nếu không xây dựng được nhãn hiệu mạnh, việc phát triển sản phẩm sẽ không thể đạt hiệu quả tối ưu".

Sau thời gian triển khai, một số HTX vẫn gặp nhiều khó khăn trong công tác tiêu thụ, đành phải bỏ dở vì không còn khả năng từ lao động đến kinh phí. Theo ông Vũ Tiến Đĩnh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La, bài toán đầu ra rất quan trọng, để làm được điều đó phải xác định cụ thể từng quy trình. Từ sản xuất đến xây dựng được nhãn hiệu, khi nhãn hiệu được khẳng định, thị trường đầu ra sẽ trở nên ổn định. Đây là nền tảng để phát triển bền vững.

Để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản lâu dài, sự hợp tác và chia sẻ lợi nhuận giữa các bên liên quan là yếu tố then chốt. Hiện nay, nhiều HTX đang đối mặt với khó khăn lớn do thiếu phương tiện vận chuyển và các kênh tiêu thụ sản phẩm. Điều này đòi hỏi các HTX cần phối hợp chặt chẽ với thương lái, doanh nghiệp và các bên liên quan để cùng chia sẻ lợi nhuận, đảm bảo cả hai bên cùng có lợi.

Ngoài ý nghĩa kinh tế, dự án còn góp phần quan trọng trong việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Là bài học kinh nghiệm thực tiễn để triển khai mô hình khai thác nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu cộng đồng tại các địa phương khác trong tỉnh Sơn La.

Phát triển đúng đối tượng, tránh dàn trải

Tỉnh Sơn La hiện mới chỉ có 1/11 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Riêng huyện Quỳnh Nhai (nơi tập trung phát triển dự án) dự kiến đặt mục tiêu đạt vào tháng 9/2025. Các mô hình kinh tế đang góp phần quan trọng vào quá trình phát triển đời sống của người dân. Dù một số dự án đã giúp nâng cao thu nhập cho bà con, nhưng cần phải được triển khai sâu sát và hiệu quả hơn.

Để phát triển bền vững cần phải xây dựng nhãn hiệu, từ đó mới có nguồn đầu ra ổn định. Ảnh: VT.

Để phát triển bền vững cần phải xây dựng nhãn hiệu, từ đó mới có nguồn đầu ra ổn định. Ảnh: VT.

Lòng hồ nuôi trồng thủy sản thuộc huyện Quỳnh Nhai chiếm một nửa diện tích toàn bộ lòng hồ thủy điện nơi được đưa vào quy hoạch khu du lịch Quốc gia, cần có phương án khai thác hợp lý để phát huy tối đa tiềm năng.

Theo ông Lưu Bình Khiêm, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La, liên quan đến những vướng mắc trong việc công nhận nhãn hiệu cho sản phẩm Cá sông Đà Sơn La, các cấp ban ngành trong tỉnh đang phối hợp cùng ban chủ nhiệm dự án để sớm đưa ra những giải pháp cụ thể. Trước hết, cần phân tích rõ nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong năng lực của một số hợp tác xã (HTX).

Hỗ trợ chỉ nên đóng vai trò là bước khởi đầu, tránh tình trạng "nay làm, mai nghỉ". Việc quản lý cần được thực hiện theo quy hoạch từng vùng, gắn liền với cơ chế chính sách, đồng thời tập trung đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng liên kết chuỗi đầu ra nhằm hướng đến sự phát triển bền vững.

Thay vì mở rộng quy mô đồng loạt, cần tập trung phát triển toàn diện một số nhóm đối tượng có tiềm năng để tạo mô hình mẫu. Đối với những đối tượng không còn khả năng phát triển, chuyển sang hướng gia công sản xuất theo phân khúc phù hợp.

Xây dựng bộ tiêu chí cụ thể để làm cơ sở triển khai, đảm bảo sự rõ ràng từ đào tạo nhân lực, phân bổ nguồn vốn. Hỗ trợ cần được thực hiện đúng trọng tâm, tránh sự dàn trải và thiếu hiệu quả.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với các tỉnh miền xuôi, Sơn La khó phát huy thế mạnh nếu vẫn phụ thuộc vào việc vận chuyển sản phẩm thủy sản để chờ chế biến. Vì vậy, cần xây dựng các trung tâm chế biến ngay tại địa phương và chủ động phối hợp với các cụm công nghiệp để nâng cao giá trị sản phẩm.

Xem thêm
Rau quả Việt Nam có cơ hội ở Thụy Điển nhờ khác biệt mùa vụ

Thụy Điển là thị trường có tiềm năng lớn với rau quả Việt Nam, do thị trường này nhập khẩu rau quả với khối lượng lớn và sự khác biệt về mùa vụ.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Syngenta hỗ trợ xây trường học và nhà ở cho hộ nghèo

ĐẮK LẮK Syngenta Việt Nam hỗ trợ xây nhà ở cho 2 gia đình có hoàn cảnh khó khăn và 1 điểm trường tại xã Tân Tiến và Vụ Bổn (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk).