| Hotline: 0983.970.780

Diện mạo mới Bắc Giang: [Bài 2] Đường làng đẹp như trên phố

Thứ Sáu 06/09/2024 , 11:16 (GMT+7)

BẮC GIANG Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, những tuyến đường nội thôn, liên thôn tại xã Tân Hưng, huyện Lạng Giang được trang hoàng, trở nên khang trang, đồng bộ như khu vực đô thị.

Những tuyến đường đẹp

Ngay từ khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), các cấp chính quyền huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đã xác định việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, mở rộng các tuyến đường là nhiệm vụ trọng tâm. Đến nay, kể cả những tuyến đường nội thôn, liên thôn cũng đã được mở rộng, nâng cấp với hệ thống đèn chiếu sáng đồng bộ.

Tại xã Tân Hưng, đây là một trong những địa phương đi đầu trong công tác giải phóng mặt bằng và cải tạo, nâng cấp các tuyến đường. Giữa cánh đồng lúa xanh mướt là những con đường bê tông thẳng tắp, hai bên đường được tô điểm bằng sắc màu rực rỡ của cờ và hoa.

Một tuyến đường được xây dựng theo tiêu chí kiểu mẫu ở thôn Cao Thượng, xã Tân Hưng. Ảnh: Thanh Phương.

Một tuyến đường được xây dựng theo tiêu chí kiểu mẫu ở thôn Cao Thượng, xã Tân Hưng. Ảnh: Thanh Phương.

Những con đường nội thôn, liên thôn giờ đây có chiều rộng từ 3.5m – 7.5m với hệ thống đèn chiếu sáng đồng bộ, mương thoát nước để đảm bảo vệ sinh môi trường. Sau khi đưa vào hoạt động, những tuyến đường đã trở thành “đòn bẩy” để phát triển kinh tế, mở ra nhiều cơ hội mới giúp khai thác tối đa tiềm năng, nội lực của địa phương. Song hành với việc cải tạo, nâng cấp hệ thống đường sá, bà con nhân dân nơi đây còn chung tay gìn giữ và bảo đảm vệ sinh môi trường.

Trao đổi với PV, bà Vũ Thị Hương, trưởng thôn Cao Thượng, xã Tân Hưng hồ hởi cho biết, ngay khi được chính quyền địa phương phát động, bà con nhân dân đã hăng hái, xung phong hiến đất để làm đường. Tính đến nay, diện tích hiến đất đã lên tới gần 60.000m2, bao gồm đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất quy hoạch và đất thổ cư, trong đó có những hộ gia đình hiến trên 360m2 đất.

Xác định việc đảm bảo vệ sinh môi trường là việc làm cấp thiết, vì vậy thôn Cao Thượng yêu cầu mỗi gia đình dành ra 1 buổi trong tháng để quét dọn, phát quang bụi rậm. Cùng với đó trách nhiệm quản lý, giám sát hệ thống cơ sở hạ tầng được trực tiếp cho các tổ liên gia đảm trách.

 Nhà văn hóa thôn Cao Thượng được đầu tư khang trang, là nơi sinh hoạt chung của người dân. Ảnh: Thanh Phương.

 Nhà văn hóa thôn Cao Thượng được đầu tư khang trang, là nơi sinh hoạt chung của người dân. Ảnh: Thanh Phương.

Tại Nghĩa Hưng, nếu như trước đây địa phương được biết đến là xã có nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, mặt bằng đời sống nhân dân không đồng đều thì nay khi đang thực hiện các tiêu chí NTM kiểu mẫu, diện mạo khu vực nông thôn đã thực sự thay đổi.

Đơn cử như tại thôn Bờ Lở, đây là thôn nhỏ nhất, ít dân nhất của xã Nghĩa Hưng, chỉ có hơn 110 hộ với khoảng 320 khẩu, khi chưa xây dựng NTM đường sá đi lại khó khăn, đời sống người dân quanh năm túng quẫn. Thế nhưng, từ khi xây dựng NTM, nhất là nông thôn mới kiểu mẫu, đường sá được đầu tư ô tô tải có thể đi tận vào xóm để cung cấp thức ăn chăn nuôi, phân bón rồi chở nông sản ra. Người dân đi làm ra đến ruộng mà “chân vẫn không có bùn đất”, nhà nhà khang trang sạch đẹp, đêm đêm đèn điện thắp sáng đường làng, ngõ xóm.

“Sức dân được đánh thức và cùng với sự giúp đỡ, hỗ trợ của cấp trên, hệ thống hạ tầng ở thôn Bờ Lở được cải thiện nhanh chóng. Các đoàn thể nhận đảm nhiệm những phần việc cụ thể như duy trì ngày Chủ nhật xanh, đường hoa, vẽ bích họa, vệ sinh môi trường,… khiến bộ mặt nông thôn thay đổi toàn diện, nhiều người còn chưa dám tin là sự thật”, ông Đỗ Văn Hưng – Trưởng thôn Bờ Lở cho biết.

Không chỉ dừng lại ở thôn Cao Thượng, hay thôn Bờ Lở,… Tại các thôn khác trên địa bàn huyện Lạng Giang như: Núi Thượng (xã Quang Thịnh); Dâu (xã Nghĩa Hưng), Tây Lò, Tân Phúc (xã Đào Mỹ), Tân Sơn 4 (xã Tân Dĩnh) và Pha Mác (xã An Hà); thôn Nước Giời (xã Tân Hưng),… 

Đảm bảo lợi ích, nâng cao trách nhiệm

Xây dựng NTM thực sự đã tạo thành phong trào rộng khắp trên các địa phương, lan tỏa vào từng ngõ xóm, từng hộ gia đình tại Tân Hưng nói riêng và huyện Lạng Giang nói chung, đã khơi dậy tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân trong xây dựng, kiến thiết quê hương, đất nước.

Giao thông thuận tiện là điều kiện tiên quyết kéo theo sự phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Thanh Phương.

Giao thông thuận tiện là điều kiện tiên quyết kéo theo sự phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Thanh Phương.

Ông Lê Đức Hạnh - Phó Chủ tịch xã Tân Hưng chia sẻ, khi có kế hoạch mở rộng đường, kêu gọi nhân dân hiến đất, chúng tôi phải xây dựng đề án cho từng thôn, tổ liên gia để bàn bạc dân chủ với nhân dân. Cả hệ thống chính trị đều phải vào cuộc, mỗi đơn vị, đoàn thể sẽ phụ trách nhân dân trong từng khu vực để tuyên truyền, vận động. Đối với những khu vực khó thì lựa chọn ra người có uy tín trong cộng đồng, dòng họ để hỗ trợ tuyên truyền.

Đặc biệt, sau khi mỗi con đường được hoàn thành, cả hệ thống chính trị sẽ cùng thảo luận để rút ra kinh nghiệm, quyết tâm làm tốt hơn ở những lần tiếp theo. Cho đến thời điểm này, những tuyến đường trên địa bàn xã đều được người dân hiến đất giải phóng mặt bằng, chính quyền đầu tư kinh phí và người dân góp sức, ngày công để hoàn thành.

“Cốt lõi chính là làm cho người dân nhận thức đầy đủ ý nghĩa công tác tham gia xây dựng NTM kiểu mẫu, người dân chính là chủ thể được hưởng lợi, sử dụng tuyên truyền, vận động để thay đổi tiềm thức của từng người dân”, ông Hạnh nhấn mạnh.

Không chỉ riêng xã Tân Hưng, các xã còn lại trên địa bàn huyện Lạng Giang đã và đang hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Theo thông tin từ UBND huyện Lạng Giang, năm 2023, huyện triển khai xây dựng thêm 4 xã Đào Mỹ, Thái Đào, Xương Lâm, An Hà đạt chuẩn NTM nâng cao; 2 xã Nghĩa Hưng, Tân Hưng đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 19 thôn đạt NTM kiểu mẫu. Đến nay, các xã, các thôn đều hoàn thành các tiêu chí, xây dựng đầy đủ các hạng mục và được công nhận.

Giao thông nội đồng được xây dựng rộng rãi, sạch sẽ, xe ô tô có thể đến tận nơi để vận chuyển nông sản. Ảnh: Thanh Phương.

Giao thông nội đồng được xây dựng rộng rãi, sạch sẽ, xe ô tô có thể đến tận nơi để vận chuyển nông sản. Ảnh: Thanh Phương.

Trong năm 2024, địa phương quyết tâm duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí huyện nông thôn mới theo yêu cầu Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021-2025, phấn đấu hoàn thành 1 tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao theo yêu cầu Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021-2025. Cùng với đó, phấn đấu đến năm 2025 các xã hoàn thành thêm ít nhất 1 tiêu chí theo yêu cầu Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.

Để hoàn thành những mục tiêu đề ra, UBND huyện Lạng Giang đã sớm đưa ra chương trình, kế hoạch thực hiện, trong đó tập trung vào những vấn đề sau: Nâng cao công tác tuyên truyền xây dựng NTM mới để người dân hiểu rõ hơn vai trò, lợi ích của quá trình xây dựng NTM; phát động các phong trào thi đua xây dựng NTM; đa dạng hóa việc huy động nguồn lực xây dựng NTM nâng cao theo phương châm "Huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của các doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là cần thiết".

Theo Phòng NN-PTNT huyện Lạng Giang, trong 6 tháng đầu năm toàn huyện khởi công 139 công trình tại các thôn đăng ký xây dựng NTM kiểu mẫu, trong đó 53 công trình đã hoàn thành. Ấn tượng đầu tiên với mỗi người khi đến đây là những tuyến đường được trồng hoa, cây cảnh, cây xanh hai bên đẹp mắt, nhà văn hóa khang trang và khu thể thao thu hút đông đảo người dân tập luyện, vui chơi mỗi buổi sáng, chiều.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

Cao Bằng dồn lực hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng huy động 5,4 tỷ đồng thực hiện Chương trình OCOP, ngoài ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp, tỉnh cũng dành hơn 700 triệu đồng ngân sách địa phương.