| Hotline: 0983.970.780

Điều bất công thứ ba

Thứ Tư 17/11/2010 , 08:36 (GMT+7)

Tiếp theo những phán quyết bất công, buộc NNVN phải “cải chính” từ đúng thành sai một số chi tiết mà nhà báo Nghiêm Thị Hằng đã viết đúng, NNVN đã đăng đúng trong các bài báo số 70 và 76 năm 2005, Bản án DSPT số 194/2010/DSPT ngày 1/11 của TAND TP Hà Nội lại buộc NNVN phải “cải chính” 4 chi tiết trong bài báo “Cần xem lại những dự án của ICC”...

Tiếp theo những phán quyết bất công, buộc NNVN phải “cải chính” từ đúng thành sai một số chi tiết mà nhà báo Nghiêm Thị Hằng đã viết đúng, NNVN đã đăng đúng trong các bài báo số 70 và 76 năm 2005, Bản án DSPT số 194/2010/DSPT ngày 1/11 của TAND TP Hà Nội lại buộc NNVN phải “cải chính” 4 chi tiết trong bài báo “Cần xem lại những dự án của ICC” đăng trên NNVN số 251 ngày 19/12/2005. 

>> Quanh bản án phúc thẩm vụ ICC kiện NNVN: Điều bất công thứ nhất
>> Điều bất công thứ hai
>> Quanh vụ NNVN bị xử thua
>> Quanh vụ NNVN bị xử thua: Bạn đọc bức xúc
>> Kết thúc phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ Cty ICC kiện NNVN: Công lý đã thất bại! 

Đó là những chi tiết: “…Cổ đông Đặng Diễm Hương địa chỉ tại số 10 ngõ 40 phố Trần Nhân Tông phường Đồng Xuân… Đây là địa chỉ ma”; “…DETETOUR đã từng bị một số doanh nghiệp mượn danh đi lừa đảo, trong đó có Cty ICC”; “…Không chỉ mạo danh TCty DETTOUR để xin được 2 dự án với 6.720 m2 tại số 2 - 4 Đội Nhân và 317 Trường Chinh, tháng 4/2002 ICC đã mượn danh TCty này với công văn số 87…”; “…Thế mới biết tài của Tổng giám đốc Hoàng Kim Đồng, cổ đông ma… xin dự án thật”.

Chúng tôi xin lần lượt nêu lên những vô lý trong cáo buộc của bản án phúc thẩm trên. Thứ nhất, bà Đặng Diễm Hương là một cổ đông thật của ICC chứ không phải cổ đông “ma”. Nhưng địa chỉ của bà thì đúng là địa chỉ “ma”. Trước khi viết bài, nhà báo Nghiêm Thị Hằng đã đến Sở KH - ĐT Hà Nội để tìm hiểu một số thông tin về ICC. Phòng Đăng kí kinh doanh (ĐKKD) của Sở đã rút từ máy tính ra một danh sách cổ đông sáng lập của ICC, trong đó có tên bà Hương với địa chỉ tại số 10 ngõ 40 phố Trần Nhân Tông, phường Đồng Xuân.  

Ngày 1/8/2008, phòng ĐKKD có công văn số 56 chính thức trả lời NNVN rằng tại ĐKKD thay đổi lần thứ 8 ngày 2/5/2003 của ICC…có 9 cổ đông sáng lập, cổ đông thứ 9 là Đặng Diễm Hương, có địa chỉ đúng như lần cung cấp trước. Nhưng phố Trần Nhân Tông không có ngõ 40, cũng không có ai tên là Đặng Diễm Hương, phố Trần Nhân Tông thuộc phường Nguyễn Du chứ không thuộc phường Đồng Xuân. Thế thì đúng là một địa chỉ “ma” chứ còn gì nữa? Nhà báo viết như vậy là sai hay đúng?  

Thông thường, danh sách cổ đông, số CMND, địa chỉ của họ là do doanh nghiệp đưa lên khi xin giấy phép thành lập hay xin thay đổi ĐKKD. Vậy rất có thể sai sót về địa chỉ này nằm ngay trong văn bản mà ICC đã trình Sở KH-ĐT để xin thay đổi ĐKKD, và phòng ĐKKD cứ thế sai theo. Nếu ICC không sai mà phòng ĐKKD của Sở KH - ĐT cố ý ghi sai địa chỉ cổ đông của mình, thì xin mời ICC cứ việc kiện phòng ĐKKD chứ không thể kiện NNVN. Không làm rõ nguồn gốc chuyện sai sót đó, án phúc thẩm lại đổ cái sai này lên đầu báo NNVN. Lỗi này do nghiệp vụ của tòa yếu kém hay do cố tình? 

Thứ hai, ICC có mượn danh Tổng Cty  DETETOUR hay không? Đây là một trong những vấn đề khiến cho phiên tòa “nóng” nhất, tranh tụng gay gắt nhất. Tại Quyết định số 1784 ngày 17/4/1996 phê chuẩn phương án sắp xếp lại doanh nghiệp DETETOUR (tên giao dịch quốc tế của Tổng Cty Ứng dụng công nghệ mới và du lịch, một doanh nghiệp thuộc Tổng cục II Bộ Quốc phòng) do ông Nguyễn Khánh, Phó Thủ tướng Chính phủ ký, trong danh sách thành viên của Tổng Cty này không có ICC (ICC thành lập năm 2001). 

 Thế nhưng tại sao tại Công văn số 52 ngày 7/5/2002 của ICC do Phó Tổng giám đốc Hoàng Tích Trí ký gửi Cty Lương thực Hà Nội (CTLTHN) lại ghi ở phần “nơi gửi” là Tổng Cty  DETETOUR “để báo cáo”? Đây là dấu hiệu thứ nhất cho thấy ICC đã mượn danh Tổng Cty DETETOUR. Từ công văn có ghi dòng chữ gửi một Tổng Cty chẳng liên quan gì đến mình này “để báo cáo” của ICC, CTLTHN đã có công văn gửi Tổng Cty Lương thực Miền Bắc (cấp trên của CTLTHN), UBND TP Hà Nội và các Sở, ban, ngành của Hà Nội, giới thiệu ICC là “đơn vị triển khai các dự án trọng điểm chuyên ngành của Tổng Cty DETETOUR”. Và đến lượt mình, Tổng Cty Lương thực Miền Bắc lại có công văn giới thiệu ICC với UBNDTP Hà Nội y như cấp dưới của mình đã giới thiệu vậy.  

 Ngày 3/6/2002, Tổng Cty DETETOUR có Công văn số 142 gửi Ban Tài chính - Quản trị TW, giới thiệu ICC là đơn vị thực hiện các dự án trọng điểm của DETETOUR. Công văn này có dấu hiệu là một công văn “ngoài luồng”, không phải là công văn do DETETOUR chính thức phát hành, bởi lẽ thứ nhất là nó không đúng với phom mẫu những công văn chính thức do doanh nghiệp này phát hành. Và thứ hai, là thông thường, khi phát công văn đi, người ta thường đánh số công văn theo thứ tự từ nhỏ đến lớn chứ không bao giờ đánh số ngược lại.  

Công văn chính thức của DETETOUR được gửi đi ngày 19/7/2002 mới mang số 73, thế thì tại sao ngày 3/6/2002 (trước ngày 19/7/2002 một tháng rưỡi) công văn của DETETOUR giới thiệu ICC với Ban Tài chính - Quản trị TW đã mang số 142? Trước đó, ngày 9/4/2002 một công văn mang số 87 cũng không đúng với phom mẫu công văn chính thức, và cũng không đúng với hành tự số thứ tự phát hành công văn của DETETOUR do Tổng giám đốc DETETOUR Ngô Văn Vinh ký, gửi Ban Tài chính - Quản trị TW xin tổng thầu thi công khu nhà ở của CBCNV các ban Đảng ở Sài Đồng (Gia Lâm), phần ghi nơi nhận của công văn này lại là Cty ICC (đơn vị triển khai thực hiện).  

Điều đáng nói nhất là cả hai công văn 87 và 142 đều không lưu tại DETETOUR. Đây là dấu hiệu thứ hai cho thấy ICC đã mượn danh DETETOUR. Nhà báo Nghiêm Thị Hằng đã có nhiều văn bản đề nghị tòa xác minh về 2 công văn trên, nhưng đáng tiếc là tòa không chấp nhận. Ngày 18/9/2002, Tổng giám đốc DETETOUR Ngô Văn Vinh đã ký giấy giới thiệu số 026 giới thiệu hai ông Hoàng Kim Đồng và Nguyễn Mạnh Tiến (đều là Tổng giám đốc “dự án trọng điểm ICC”) đến Sở Địa chính - Nhà đất Hà Nội liên hệ về dự án đất trụ sở làm việc tại số 2 - 4 Đội Nhân.  

ICC là một doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, tài khoản riêng, chẳng liên quan gì tới DETETOUR, không phải thành viên cũng như không thực hiện, không ký một hợp đồng cụ thể nào với DETETOUR, tại sao ICC không dùng giấy giới thiệu của mình mà lại phải dùng giấy giới thiệu của DETETOUR đi xin đất tại 2 - 4 Đội Nhân làm trụ sở? Đây là dấu hiệu thứ 3 cho thấy ICC đã mượn danh DETETOUR.  

Khi xin nhận thầu ngôi nhà 13 tầng của các ban Đảng tại Sài Đồng, ICC lại đưa hồ sơ năng lực của DETETOUR, đây là dấu hiệu thứ tư cho thấy ICC đã mượn danh DETETOUR. Và cuối cùng, điều rõ ràng nhất là tại 2 văn bản 686; 1703 của C15 (Bộ Công an), đều kết luận rằng ICC đã mạo danh DETETOUR để xin đất. Toàn bộ các văn bản mà chúng tôi đã nêu ở trên đều được nhà báo Nghiêm Thị Hằng sao gửi tòa trước đó cũng như xuất trình tại tòa. Còn phía nguyên đơn là ông Hoàng Kim Đồng và ICC chỉ có một bản Hợp đồng nguyên tắc hỗ trợ hợp tác đầu tư ký với DETETOUR ngày 28/11/2001. Ai cũng hiểu hợp đồng nguyên tắc là gì, ở đây chúng tôi không bình luận gì thêm. Thế nhưng, cái hợp đồng nguyên tắc ấy lại được tòa chấp nhận, còn toàn bộ chứng cứ của NNVN thì không.  

Nhưng với một “năng lực” rất hùng hậu về vốn khống, cổ đông ma, nợ thuế, nợ tiền sử dụng đất đầm đìa ấy, ICC đã xin được gần bẩy ngàn mét vuông đất vàng ở thủ đô với một giá gần như cho không, đó chẳng phải “tài” của Tổng giám đốc Hoàng Kim Đồng thì là gì?
Trả lời chi tiết thứ hai: ICC có mượn danh DETETOUR hay không, là chúng tôi cũng đồng thời trả lời chi tiết thứ ba mà bản án phúc thẩm số 194/2010/DSPT của TANDTP Hà Nội đã buộc NNVN phải cải chính một cách bất công. Đó chính là chi tiết: “…Không chỉ mạo danh Tổng Cty DETETOUR để xin được 2 dự án với 6.720 m2 đất… tháng 4/2002 ICC đã mượn danh Tổng Cty này với công văn số 87…”. Đúng như vậy, công văn này không đúng với phom mẫu, không đúng với hành tự số thứ tự trong hệ thống những công văn chính thức được DETETOUR phát hành trong năm 2002 như đã nói ở trên… 

Còn chi tiết cuối cùng “…thế mới biết tài của Tổng giám đốc Hoàng Kim Đồng, cổ đông ma… xin dự án thật”, thì như chúng tôi đã chứng minh ở bài trước, trong tổng số vốn góp 34,1 tỷ của các cổ đông mà ICC đưa ra, có tới 30,55 tỷ là vốn khống, trong đó có những cổ đông khống khổng lồ như bà vợ Phan Thị Thanh Vân của ông Tổng giám đốc ICC Hoàng Kim Đồng đã thế chấp khống biệt thự đơn 2 là vườn cây trong công viên Nghĩa Tân để lấy 16 tỷ vốn khống nộp vào ICC, cả con nghiện đã “dạt vòm” không biết đến nơi bóng nước phương trời nào, vợ chạy ăn từng bữa cũng được đưa vào danh sách cổ đông, tức là cổ đông “ma”.

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm