| Hotline: 0983.970.780

Ứng xử khi ĐBSCL không có lũ

Điều chỉnh mùa vụ để mở rộng vụ thu đông

Thứ Ba 25/08/2020 , 06:35 (GMT+7)

Đó là quan điểm của ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt về vấn đề có nên mở rộng vụ thu đông trong bối cảnh lũ thấp ở ĐBSCL.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt. Ảnh: Thanh Sơn.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt. Ảnh: Thanh Sơn.

Thưa ông, do biến đổi khí hậu và các nguyên nhân khác, lũ thấp, hạn mặn đang ngày càng trở nên thường xuyên hơn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Thực trạng đó ảnh hưởng như thế nào tới việc bố trí thời vụ sản xuất lúa của khu vực này?

Sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phải thích ứng với biến đổi khí hậu chung trong toàn vùng, bao gồm lũ cao hay lũ thấp, đi kèm với đó mặn nhiều hay mặn ít, rồi mưa nắng bất thường, nhiệt độ tăng cao…

Song song đó, sản xuất lúa gạo cũng phải thích ứng với tình hình thương mại lúa gạo trong nước và thế giới, chuyển đổi cơ cấu giống lúa trong những năm gần đây... Tất cả những vấn đề trên đều cần được tính tới để bố trí sản xuất lúa một cách hợp lý nhất.

Thực tế ở ĐBSCL cho thấy sự bất thường của thời tiết, khí hậu diễn ra ở một mùa vụ sẽ tác động tới sản xuất lúa của các vụ tiếp theo. Do đó, để thích ứng với biến đổi khí hậu, kế hoạch sản xuất lúa ở ĐBSCL tuy vẫn mang tính chiến lược trong cả một năm, nhưng cần phải linh hoạt theo từng vụ.

Đây là một bài toán khó, bởi Bộ NN-PTNT vẫn đang phải chịu áp lực về tổng sản lượng lúa gạo cả năm nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và phục vụ xuất khẩu. Các tỉnh cũng muốn duy trì sản lượng lúa gạo để tính vào tăng trưởng GDP.

Lâu nay, để tính giá trị sản xuất lúa, chúng ta vẫn quy đổi từ sản lượng sang chất lượng, nhưng chỉ chia thành 2 loại lúa là lúa chất lượng cao và lúa thường.

Trong khi đó, sản xuất lúa ở ĐBSCL hiện có 5 nhóm: lúa đặc sản; lúa thơm nhẹ; lúa chất lượng cao; lúa chất lượng trung bình; lúa nếp và lúa hạt tròn. Nếu công tác thống kê để tính GDP cũng chia ra 5 nhóm lúa như trên thì vừa phù hợp với thực tế sản xuất, mà giá trị sản xuất lúa gạo ở các tỉnh ĐBSCL sẽ tăng lên nhiều vì lúa đặc sản, lúa thơm, lúa nếp và lúa hạt tròn thường có giá cao. Qua đó, giảm bớt được áp lực về sản lượng.

Bố trí thời vụ ở ĐBSCL đã phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nước sông Mekong và mùa mưa đến sớm hay trễ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bố trí thời vụ ở ĐBSCL đã phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nước sông Mekong và mùa mưa đến sớm hay trễ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Về sản xuất, chúng ta đang dựa trên quan điểm bảo vệ thực vật để bố trí lịch thời vụ nhằm giảm thiểu nguy cơ bị bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Đó là căn cứ vào tình hình rầy nâu để bố trí lịch gieo sạ đồng loạt né rầy, giữa vụ này với vụ kia phải có thời gian trống ít nhất là 3 tuần nhằm cắt đứt vòng đời sâu bệnh, không để cho các đối tượng dịch hại có cơ hội luân chuyển từ vụ này sang vụ khác. Đây là quan điểm đúng và đã chứng tỏ được hiệu quả lớn trong sản xuất lúa ở ĐBSCL những năm trước đây.

Tuy nhiên, thực tế sản xuất lúa những năm gần đây cho thấy, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, việc bố trí thời vụ ở ĐBSCL đã phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nước sông Mekong và mùa mưa đến sớm hay trễ.

Thực tế sản xuất lúa ở ĐBSCL hiện nay, có những điểm nghịch lý. Chẳng hạn, trong khi vụ hè thu ở Bạc Liêu chưa xuống giống thì lúa vụ thu đông ở Đồng Tháp đã sắp thu hoạch. Điều này gây khó khăn không nhỏ cho việc chỉ đạo của ngành nông nghiệp.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt

Do đó, bây giờ cần phải lấy tổng diện tích, sản lượng lúa cả năm làm mục tiêu, rồi dựa vào nguồn nước kết hợp với yêu cầu BVTV để bố trí thời vụ. Cụ thể là bố trí thời vụ theo nguồn nước, nhưng trên mỗi cánh đồng vẫn phải thực hiện cùng một thời điểm xuống giống căn cứ vào tình hình rầy nâu di trú và rầy nâu tại chỗ. Việc bố trí thời vụ như vậy sẽ hài hòa hơn.

Trong bối cảnh lũ thấp ở ĐBSCL, nếu bố trí thời vụ theo nguồn nước, sẽ tiết kiệm được nước do nước vào cùng một lúc, ra cùng một lúc, đồng thời thực hiện được việc chia sẻ nguồn nước của thượng nguồn cho hạ du.

Với xu thế lũ thấp sẽ ngày càng trở nên thường xuyên hơn, sản xuất lúa thu đông ở ĐBSCL đang ngày càng trở nên an toàn, chắc ăn hơn nếu so với vụ hè thu. Vậy có thể mở rộng vụ thu đông lên nữa hay không để vụ lúa này có vai trò lớn hơn trong cơ cấu 3 vụ lúa ở ĐBSCL?

Trước năm 2011, lúa thu đông ở ĐBSCL đã nằm trong kế hoạch sản xuất của các địa phương nhưng được thống kê là thu đông – mùa. Hồi đó, Bộ NN-PTNT cũng đã thống kê diện tích, sản lượng vụ lúa này nhưng chưa xem là vụ chính.

Năm 2011, Bộ NN-PTNT có văn bản chính thức coi vụ thu đông là vụ lúa chính ở ĐBSCL. Sau đó, Phân viện Quy hoạch Thiết kế Nông nghiệp Miền Nam đã thực hiện một quy hoạch về vụ thu đông cho ĐBSCL theo 3 phương án. Phương án 1 là sản xuất 750 ngàn ha, phương án 2 là sản xuất 850 ngàn ha và phương án 3 là sản xuất 950 ngàn ha.

Từ đó đến nay, không phải do tình hình lũ mà chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ lúa gạo trong nước và xuất khẩu, các tỉnh ĐBSCL vẫn chỉ sản xuất lúa thu đông xung quanh 750 ngàn ha/vụ.

Năm cao nhất đạt 826 ngàn ha. Mặc dù với hệ thống đê bao hiện tại, có thể làm được 950 ngàn ha lúa thu đông ở ĐBSCL, nhưng khá nhiều diện tích trong đó đã chuyển đổi sang các cây trồng khác.

Diện tích vụ thu đông ở từng năm còn bị ảnh hưởng khi một số địa phương ở thượng nguồn sông Cửu Long hiện không còn sản xuất “2 năm 6 vụ” nữa mà chuyển thành “2 năm 5 vụ” hoặc “3 năm 7 vụ”, tức là 2 năm hay 3 năm sẽ nghỉ sản xuất một vụ thu đông để xả lũ, đưa phù sa vào đồng ruộng. Đây là phương án sản xuất bền vững, cần được duy trì.

Dư địa để mở rộng vụ thu đông ở ĐBSCL hiện rất hạn chế, chủ yếu liên quan đến đê bao. Tỉnh Kiên Giang có 300 ngàn ha canh tác lúa, nhưng hiện chỉ sản xuất được tối đa 80 ngàn ha thu đông, diện tích còn lại khó phát triển vụ lúa này vì không có hệ thống đê bao. Đồng Tháp và An Giang là 2 tỉnh có diện tích lúa thu đông lớn nhất, nhưng An Giang chỉ có thể sản xuất tối đa 170 ngàn ha lúa thu đông, Đồng Tháp tối đa 160 ngàn ha.

Vùng thượng của tỉnh Long An, tuy có diện tích canh tác lúa tới 180 ngàn ha, nhưng chỉ có thể làm 30 ngàn ha lúa vụ thu đông vì không có hệ thống đê bao như ở An Giang, Đồng Tháp. Nếu muốn mở rộng diện tích lúa thu đông ở vùng thượng Long An thì phải làm hệ thống đê bao rất tốn kém, nhất là khi biên giới giữa Long An và Campuchia quá dài.

Ở ĐBSCL, tháng nào cũng có nhiều diện tích xuống giống lúa. Khi thống nhất lại mùa vụ, các tháng thuộc vụ hè thu có thể giảm diện tích xuống giống ở những nơi nguồn nước không thuận lợi để tăng diện tích đó cho vụ thu đông. Như vậy, vẫn vừa đảm bảo được tổng diện tích, sản lượng lúa cả năm mà lại tăng được chất lượng gạo đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu thường tăng cao trong những tháng cuối năm nay và đầu năm sau.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt

Tuy nhiên chúng ta có thể điều chỉnh giữa 2 vụ hè thu và thu đông để giảm quy mô vụ hè thu, tăng quy mô thu đông. Lâu nay, về diện tích sản xuất từng vụ ở ĐBSCL, vụ đông xuân khoảng 1,6 triệu ha, hè thu khoảng 1,6 triệu ha và thu đông khoảng 800 ngàn ha. Tổng cộng là khoảng 4 triệu ha gieo trồng.

Nếu điều chỉnh mùa vụ thì đông xuân vẫn giữ 1,6 triệu ha, hè thu giảm xuống còn 1 triệu ha và thu đông tăng lên thành 1,4 triệu ha. Tổng cộng vẫn là 4 triệu ha gieo trồng mỗi năm.

Ông vừa nêu ý kiến về việc điều chỉnh mùa vụ để mở rộng vụ thu đông. Cụ thể là như thế nào?

Thực tế sản xuất lúa ở ĐBSCL hiện nay, có những điểm nghịch lý. Chẳng hạn, trong khi vụ hè thu ở Bạc Liêu chưa xuống giống thì lúa vụ thu đông ở Đồng Tháp đã sắp thu hoạch. Nguyên nhân là do nguồn nước, nên mùa vụ ở Đồng Tháp đi trước Bạc Liêu tới gần 1 vụ. Điều này gây khó khăn không nhỏ cho việc chỉ đạo của ngành nông nghiệp, vì có những thời điểm, ở tỉnh này là lúa hè thu, thì tỉnh khác lại là lúa thu đông, dù thời gian xuống giống tương đồng với nhau.

Các doanh nghiệp nhiều khi cũng lúng túng trong việc thu mua do không biết được trà lúa đang thu hoạch ở địa bàn nào đó là thuộc vụ hè thu hay thu đông. Trong khi đó, trên thực tế trà lúa hè thu ở tỉnh này không có gì khác so với trà lúa thu đông ở tỉnh kia khi cùng thời điểm xuống giống, thời gian sinh trưởng, chất lượng gạo sau khi thu hoạch...

Chính vì vậy, tôi cho rằng cần có sự thống nhất lại về mùa vụ trên toàn vùng ĐBSCL trong bối cảnh cần phải bố trí thời vụ xuống giống căn cứ theo nguồn nước.

Cần có sự thống nhất lại về mùa vụ trên toàn vùng ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Cần có sự thống nhất lại về mùa vụ trên toàn vùng ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chẳng hạn, tất cả các trà lúa xuống giống trong khoảng thời gian từ tháng a đến tháng b trên toàn ĐBSCL đều thuộc vụ đông xuân, từ tháng c đến tháng d là vụ hè thu… Thống nhất lại như vậy sẽ thuận tiện hơn cho việc chỉ đạo của Bộ NN-PTNT và các địa phương sẽ không bị chồng chéo vụ này vụ kia.

Khi đã thống nhất lại về mùa vụ, rất nhiều diện tích lúa hiện đang được xếp vào vụ hè thu ở nhiều địa phương, sẽ thuộc về lúa vụ thu đông. Như vậy, quy mô vụ hè thu sẽ giảm mạnh, đồng thời quy mô vụ thu đông tăng lên rất nhiều.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất