| Hotline: 0983.970.780

Khó mở rộng thêm diện tích vụ thu đông dù giá lúa gạo đang cao

Thứ Sáu 21/08/2020 , 07:05 (GMT+7)

Giá lúa hàng hóa đang cao, giá gạo xuất khẩu cũng đang rất tốt. Liệu có thể mở rộng thêm diện tích gieo trồng vụ thu đông để chớp cơ hội này?

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt. Ảnh: Thanh Sơn.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt. Ảnh: Thanh Sơn.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã vượt qua giá gạo cùng loại của Thái Lan từ đầu tháng 8 và liên tục ở mức cao nhất trong 5 nước xuất khẩu hàng đầu kể suốt nhiều ngày qua.

Đồng bằng sông Cửu Long lại đang xuống giống vụ thu đông 2020. Vụ lúa này có thể mở rộng diện tích thêm nữa hay không để có thêm gạo xuất khẩu khi giá đang rất tốt.

Báo NNVN đã trao đổi với ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT, về vấn đề này.

Thưa ông, Đồng bằng sông Cửu Long đang xuống giống vụ thu đông. Đến nay, tình hình sản xuất vụ lúa này như thế nào?

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh về việc đẩy mạnh sản xuất lúa vụ thu đông 2020 tại các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Cục Trồng trọt đã thành lập đoàn công tác đi khảo sát.

Trong 4 ngày từ 5-8/8, đoàn công tác đã khảo sát thực địa tình hình sản xuất lúa thu đông năm 2020 tại các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang.

Theo khảo sát và đánh giá sơ bộ của Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố, các trà lúa hiện nay sinh trưởng và phát triển tốt, bà con nông dân đang tăng cường thâm canh và áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, phòng trừ sâu bệnh tổng hợp IPM...

Đến nay, theo báo cáo của Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố ĐBSCL, diện tích xuống giống vụ thu đông 2020 ước khoảng 450 ngàn ha, đạt 56% so với kế hoạch.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam đã tăng cao trong thời gian qua và từ đầu tháng 8 đến nay luôn đứng ở mức cao nhất trong 5 nước xuất khẩu lớn nhất. Một trong những nguyên nhân khiến giá gạo xuất khẩu tăng cao là nguồn cung hiện khá hạn chế. Giá lúa gạo hàng hóa ở ĐBSCL vì thế hiện cũng đang ở mức cao. Nhiều ý kiến cho rằng đây là cơ hội tốt để mở rộng diện tích vụ thu đông 2020, nhất là trong bối cảnh năm nay lũ thấp. Vậy chúng ta có thể mở rộng diện tích vụ thu đông này để tăng sản lượng lúa nhằm chớp cơ hội lúc giá cao?

Ngày 29/5/2020, tại tỉnh Đồng Tháp, Bộ NN-PTNT đã tổ chức “Hội nghị đánh giá kết quả chỉ đạo sản xuất trồng trọt vụ hè thu 2020 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ thu đông, vụ mùa năm 2020 các tỉnh, thành phố vùng Nam bộ”. Hội nghị đã đánh giá và đưa ra các yếu tố thuận lợi để mở rộng sản xuất lúa thu đông 2020 lên 800 ngàn ha. Việc mở rộng này đã được các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cùng thống nhất thực hiện.

Trên cơ sở đó, các tỉnh đã rà soát, xác định diện tích và thực hiện triển khai kế hoạch sản xuất lúa thu đông 2020 các tỉnh, thành vùng ĐBSCL ước đạt tối đa 800 ngàn ha, tăng 76,3 ngàn ha so với vụ thu đông 2019; năng suất ước đạt 55,4 tạ/ha, tăng 0,9 tạ/ha; sản lượng ước đạt 4,432 triệu tấn, tăng 486 ngàn tấn so với vụ thu đông 2019.

Cụ thể từng tỉnh, thành phố như sau: Tiền Giang 50 ngàn ha, tăng 23,1 ngàn ha so năm 2019 (do chuyển đổi mùa vụ và thống kê lại diện tích gieo trồng); An Giang 170 ngàn ha, tăng 12,5 ngàn ha; Đồng Tháp 132 ngàn ha, tăng 13,4 ngàn ha; Sóc Trăng 10 ngàn ha, tăng 6,5 ngàn ha; Cần Thơ 70 ngàn ha, tăng 5,8 ngàn ha; Long An 55 ngàn ha, tăng 4,7 ngàn ha; Kiên Giang 82 ngàn ha, tăng 3,3 ngàn ha; Vĩnh Long 50 ngàn ha, tăng 2,8 ngàn ha; Hậu Giang 42 ngàn ha, tăng 2,4 ngàn ha; Trà Vinh 80 ngàn ha, tăng 1,2 ngàn ha; Bạc Liêu 45 ngàn ha, tăng 0,6 ngàn ha; Bến Tre 14,5 ngàn ha.

Do ảnh hưởng của khô hạn, xâm nhập mặn trong vụ đông xuân 2019-2020 tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Kiên Giang, Sóc Trăng... và một số khu vực mưa muộn hơn, lượng mưa ít nên chưa đủ nguồn nước ngọt để rửa mặn, do đó, một số diện tích xuống giống lúa hè thu 2020 trễ hơn trên đất 3 vụ lúa/năm. Qua đó, khiến cho việc xuống giống lúa thu đông 2020 chậm hơn ở các tỉnh vùng ven biển.

Thời vụ thu đông 2020 ở ĐBSCL cần kết thúc vào ngày 30/8. Bởi nếu xuống giống trễ hơn nữa sẽ ảnh hưởng đến bố trí sản xuất vụ đông xuân 2020-2021. Vụ đông xuân là vụ lúa quan trọng nhất ở ĐBSCL, nên không thể để ảnh hưởng tới vụ lúa này. Vì vậy, dù xuất khẩu gạo đang thuận lợi, giá lúa gạo đang tốt, nhưng khả năng mở rộng diện tích sản xuất vụ thu đông 2020 ở ĐBSCL lên trên 800 ngàn ha là khó khả thi.

Xin cảm ơn ông!

Ông Trần Hồng TháiTổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường: Đỉnh lũ năm 2020, ở đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu và Châu Đốc có khả năng ở trên mức báo động 1 và xuất hiện vào cuối tháng 9. Khả năng xuất hiện lũ lớn là không nhiều, tuy nhiên nguy cơ lũ lên nhanh hơn bình thường do mưa lớn trong thời gian ngắn có thể gây tác động tiêu cực đến vùng ĐBSCL.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.