Hội nghị đào tạo năm 2024 nhằm thúc đẩy tự chủ và đổi mới trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đồng thời, hội nghị tạo cơ hội học tập, chia sẻ kinh nghiệm từ các đơn vị để từng bước nâng cao chất lượng và uy tín trong đào tạo.
GS.TS Phạm Bảo Dương, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang, cho biết, hiện trường đang đào tạo 4 ngành trình độ thạc sĩ và 19 ngành trình độ đại học, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp trên cả nước. Trường tập trung vào đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, và không ngừng nâng cao chất lượng, uy tín, thương hiệu. Đến năm 2025, trường hướng tới trở thành đại học đa ngành, đa phương thức, có uy tín trong và ngoài nước về đào tạo và nghiên cứu theo định hướng ứng dụng.
Nhà trường đã vinh dự đạt danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cùng nhiều thành tích trong quá trình xây dựng và phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Bộ NN-PTNT.
Phát biểu chỉ đạo về công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, cần thiết phải đổi mới tư duy trong quản lý nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo trong các viện và trường thuộc Bộ.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Hội nghị đào tạo năm 2024 được tổ chức hai năm một lần, và từ năm 2022, công tác giáo dục đào tạo đã chứng kiến nhiều thay đổi quan trọng, ảnh hưởng đến cả ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Các chủ trương, nghị quyết của Trung ương Đảng và Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết số 37-NQ/BCSĐ của Bộ NN-PTNT về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đã đặt ra những yêu cầu mới trong công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp.
Một trong những nội dung quan trọng là việc phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi giá trị và đáp ứng nhu cầu thị trường. Điều này đòi hỏi công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học cần đổi mới để phù hợp với xu hướng chuyển đổi nông nghiệp xanh, tuần hoàn, giảm phát thải.
Nội dung trọng tâm cần thực hiện bao gồm thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở đào tạo, xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp có tri thức và tay nghề cao, và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học có năng lực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ hiện đại. Cần khuyến khích nghiên cứu gắn với các chương trình khoa học công nghệ trọng điểm và tìm giải pháp tăng nguồn thu từ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ.
Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác đào tạo trong nước và quốc tế, đặc biệt giữa các trường đại học, cao đẳng trực thuộc Bộ, nhằm phát triển đội ngũ cán bộ quản lý kế thừa. Việc đầu tư cơ sở vật chất cho đào tạo và nghiên cứu cũng rất quan trọng để đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2026-2030.
Các tham luận tại Hội nghị cũng đã đánh giá kết quả triển khai công tác đào tạo giai đoạn 2022-2024, nêu rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đồng thời đề xuất giải pháp đổi mới công tác đào tạo trong thời gian tới. Những nội dung này sẽ làm nền tảng cho việc định hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng như thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29 của Hội nghị Trung ương 8, khóa XI về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo.
Các đề xuất và tham luận tại Hội nghị sẽ được tổng hợp, xây dựng thành báo cáo để trình bày trong hội nghị tiếp theo vào năm 2026, nhằm đưa ra những giải pháp cụ thể và khả thi cho công tác đào tạo trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.