Xây dựng cơ sở đào tạo vệ tinh của Đại học Hiroshima tại Bắc Giang
Ngày 17/12, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đã dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT và Đoàn công tác của Đại học Hiroshima - Nhật Bản tới thăm và làm việc với trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang.
Chia sẻ tại buổi làm việc, GS. TS. Kaneko Shinji, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hiroshima bày tỏ mong muốn được phối hợp với trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang để xây dựng một cơ sở đào tạo vệ tinh của Đại học Hiroshima tại Bắc Giang.
Cụ thể, trường Đại học Hiroshima sẽ đưa những chuyên gia sang Việt Nam để triển khai khóa đào tạo Tiến sĩ tại Đại học Nông - Lâm Bắc Giang. Mỗi khóa sẽ đào tạo 10 Tiến sĩ, sau khi tham gia sẽ được nhận bằng của Đại học Hiroshima.
“Chúng tôi sẽ cử từ 2-3 Giáo sư thường trực tại trường, đồng thời cử cán bộ định kỳ sang Việt Nam để hỗ trợ khóa đào tạo Tiến sĩ. Cùng với đó, Đại học Hiroshima sẽ đưa những doanh nghiệp hàng đầu sang để cùng phối hợp, cùng phát triển”, GS. TS. Kaneko Shinji cam kết.
Đặc biệt, đại diện Đại học Hiroshima bày tỏ mong muốn được thiết lập những phòng thí nghiệm nghiên cứu chuyên sâu về vi sinh vật, công nghệ tế bào… tại Đại học Nông - Lâm Bắc Giang.
Theo đó, phía Nhật Bản sẽ thực hiện nghiên cứu về những lĩnh vực chính sách trong chuỗi cung ứng thực phẩm, an toàn thực phẩm, vi sinh vật, động vật, công nghệ sinh sản cho vật nuôi… Đại học Hiroshima cũng sẽ đưa công nghệ tiên tiến nhất vào công tác nghiên cứu lúa gạo.
Chính vì vậy, ông Kaneko Shinji mong muốn Bộ NN-PTNT và Đại học Nông - Lâm Bắc Giang sẽ giới thiệu những ứng cử viên xuất sắc, không chỉ tại nhà trường mà còn ở những nơi khác, tham gia vào khóa đào tạo Tiến sĩ, qua đó nâng cao chất lượng Tiến sĩ cũng như uy tín của nhà trường.
Theo PGS. TS. Nguyễn Quang Hà, Hiệu trưởng trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang, những ý tưởng, đề nghị của Đại học Hiroshima đủ hấp dẫn để thu hút các nghiên cứu sinh tham gia và chương trình đào tạo không nhất thiết phải bó hẹp trong khuôn khổ Bộ NN-PTNT mà có thể mở rộng hơn.
Ông Nguyễn Quang Hà cho rằng, cả 2 bên đều cần sớm cụ thể hóa các ý tưởng bằng những hoạt động thực tiễn. Ngoài khuôn khổ khóa đào tạo Tiến sĩ, Đại học Hiroshima cũng có thể phối hợp với Đại học Nông - Lâm Bắc Giang tổ chức thực hiện những chương trình nghiên cứu khoa học mang tính chuyên sâu khác.
Cùng với đó, bên cạnh giảng dạy trực tiếp, Đại học Hiroshima có thể tăng cường giảng dạy theo hình thức trực truyến.
“Khi đã có cơ sở đào tạo Tiến sĩ tại Bắc Giang, các chuyên gia của Nhật Bản ngoài đào tạo cho nghiên cứu sinh cũng có thể tham gia đào tạo cho sinh viên của Đại học Nông - Lâm Bắc Giang”, đại diện nhà trường đề xuất.
Ngoài ra, ông Nguyễn Quang Hà cũng đề nghị Đại học Hiroshima hỗ trợ hướng nghiệp, đào tạo nghề cho học sinh trường THPT Thân Nhân Trung, trường THPT trực thuộc Đại học Nông - Lâm Bắc Giang, với định hướng hỗ trợ từ doanh nghiệp, thông qua cầu nối Đại học Hiroshima để tạo thêm lựa chọn cho học sinh phổ thông.
Tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có
Đóng góp ý kiến tại buổi làm việc, bà Nguyễn Giang Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT), cho rằng việc xác định chuyên ngành trong khóa đào tạo Tiến sĩ của Đại học Hiroshima phải nằm trong định hướng phát triển đào tạo nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp của Bộ NN-PTNT.
Thông tin thêm về nhu cầu xây dựng phòng thí nghiệm sinh học của Đại học Hiroshima, bà Nguyễn Giang Thu cho biết, hiện nay Bộ NN-PTNT đang có 2 phòng thí nghiệm trọng điểm ở Viện Di truyền và Viện Chăn nuôi. Cả 2 phòng thí nghiệm đều được đầu tư bài bản, hàng năm có kinh phí duy trì.
“Ngoài ra, trong Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030 có nội dung đào tạo nguồn nhân lực. Vì vậy mong Đại học Hiroshima sẽ tham gia vào nội dung đó, đồng thời cũng tận dụng nguồn lực sẵn có”, đại diện Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề xuất.
Còn theo ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT), từ trước tới nay, các trường, viện của Bộ NN-PTNT đã tham gia, hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới trong công tác đào tạo cho các ngành nghề chuyên môn. Chính vì vậy sự hợp tác giữa Đại học Nông - Lâm Bắc Giang và Đại học Hiroshima hoàn toàn khả thi.
Bày tỏ sự vui mừng với những đề xuất mạnh dạn từ phía Đại học Hiroshima, ông Liêm cũng cho rằng, để có thể triển khai nhanh chóng chương trình hợp tác, với bề dày lịch sử và những lĩnh vực nghiên cứu rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới, Đại học Hiroshima có thể áp dụng những chương trình nghiên cứu đó trong việc đào tạo tại Đại học Nông - Lâm Bắc Giang.
Ông Nguyễn Xuân Ân, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ NN-PTNT) cho rằng, 2 bên cần giải quyết nhanh chóng những thủ tục hành chính để chương trình được cấp phép triển khai hoạt động.
“Do đó, tôi đề nghị 2 trường thành lập nhóm công tác trong thời gian tới, từ đó đề ra những yêu cầu cụ thể cần phải thực hiện. Việc đề ra mục tiêu càng cụ thể sẽ càng dễ thuyết phục được các cơ quan chức năng cho phép triển khai hoạt động chương trình”, ông Nguyễn Xuân Ân phân tích.
Không để những ý tưởng chỉ nằm trên giấy tờ
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam bày tỏ mong muốn 2 trường sẽ sớm tìm được tiếng nói chung để tiến tới hợp tác trong tương lai gần, qua đó cùng phát triển mạnh mẽ hơn. Thứ trưởng cũng cam kết Bộ NN-PTNT và các đơn vị trực thuộc Bộ sẵn sàng hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho 2 trường.
“Đại học Hiroshima là ngôi trường có uy tín trên thế giới. Việc hợp tác trong đào tạo còn thể hiện sự đoàn kết, truyền thống giữa 2 nước Việt Nam - Nhật Bản. Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang nằm ở vị trí cửa ngõ Đông Bắc bộ, nơi có lợi thế để phát triển nông, lâm nghiệp. Chính vì vậy, việc hợp tác giữa 2 trường sẽ mang lại hiệu quả cao trong công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nông nghiệp”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Theo đó, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đề nghị Ban Giám hiệu trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang sớm họp bàn, nghiên cứu kĩ lưỡng những ý kiến gợi mở từ Đại học Hiroshima, sau đó có văn bản thống nhất gửi tới các đơn vị chuyên môn của Bộ để Bộ gửi nội dung sang phía Nhật Bản.
“Ngay sau đó, trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang cần xây dựng Đề án cụ thể từng nội dung hợp tác. Trên cơ sở Đề án sẽ triển khai trong những năm tới, không được để những ý tưởng, nội dung hợp tác chỉ nằm trên giấy tờ”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đặc biệt lưu ý.
Nâng tầm chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong thủy sản
Theo ông Nguyễn Xuân Ân, năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 10 tỷ USD, qua đó thể hiện tiềm năng phát triển lớn của ngành.
“Hiện nay ngành thủy sản Việt Nam đang muốn đẩy mạnh khai thác hải sản cũng như nuôi biển xa bờ và rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Là một đơn vị có thế mạnh về đào tạo nhân lực ngành thủy sản, Đại học Hiroshima có thể hỗ trợ những suất học bổng cho cán bộ Việt Nam sang học tại Nhật Bản, qua đó đào tạo những chuyên gia đầu ngành về thủy sản cho Việt Nam”, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ đề xuất.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, đây cũng là mong muốn của Bộ NN-PTNT trong việc phát triển kinh tế biển trong giai đoạn tới.
“Thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ chọn ra những lĩnh vực đang cần đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực lâu dài như khoa học đất, chăn nuôi, thủy sản… để đề nghị Đại học Hiroshima hỗ trợ đào tạo đội ngũ những chuyên gia. Sau đó Đội ngũ này có thể về triển khai đào tạo tại các trường Đại học của Bộ NN-PTNT”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chia sẻ.