| Hotline: 0983.970.780

DN kháng cự yếu ớt

Thứ Năm 28/07/2011 , 14:48 (GMT+7)

Sự thích ứng và kháng cự của các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nước ta trước cơn bão lạm phát, khát vốn là rất yếu ớt.

Tuy không rơi vào tình cảnh rệu rã giống các HTX hay “lực bất tòng tâm” như các hộ chăn nuôi nhỏ, song sự thích ứng và kháng cự của các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nước ta trước cơn bão lạm phát, khát vốn là rất yếu ớt.

>> ''Đi đêm'' với ngân hàng
>> Đói vốn, nhà nông kiệt sức

"YẾU KHÔNG DÁM RA GIÓ"

Cty CP Chăn nuôi và Dịch vụ Hoàng Long đóng trên địa bàn xã Tân Ước, huyện Thanh Oai là một trong những đơn vị được thành phố Hà Nội rất tâm đắc vì cung cách làm ăn chuyên nghiệp. Với khu trang trại chăn nuôi rộng 2 ha cùng 300 đầu lợn nái và 3.000 lợn thịt, có thể nói đây là một mô hình chăn nuôi khá chuẩn. Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Trọng Long - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty cho biết, thời gian vừa qua, ông theo dõi rất kỹ loạt bài về chăn nuôi NNVN triển khai. Nhiều đêm nằm vắt tay lên trán, bản thân ông Long và các thành viên trong công ty luôn khao khát mở rộng quy mô chăn nuôi để "có tầm, có cỡ". Nhưng sau khi nhìn lại môi trường kinh doanh và cơ chế chính sách của Nhà nước thì nhất loạt ai nấy đều thở dài ngao ngán.

Theo ông Long, để vươn lên trở thành công ty sở hữu 1.000 lợn nái và 10.000 lợn thịt, số tiền chi phí cho chuồng trại ít nhất phải 10 tỷ đồng trở lên. Nhưng điều làm ông Long băn khoăn không chỉ là số tiền quá lớn khó vay hay lãi suất quá cao khó trả mà là thời gian ngân hàng cho vay quá ngắn, không đủ để các DN quay vòng SX.

Ông Long làm một phép tính bài bản, để xây dựng khu chăn nuôi tập trung như trên, thời gian làm chuồng mất từ 24 - 30 tháng. Trong khi đó, ngân hàng chỉ cho vay ngắn và trung hạn từ 1 - 3 năm. Khi xây xong chuồng đã phải trả cả gốc lẫn lãi hàng tỷ đồng là điều bất khả thi. Trong khi, chăn nuôi là ngành đặc thù đòi hỏi thời gian quay vòng lâu, không giống như anh lái buôn, sáng mang hàng đi bán chiều đã có thể thu về cả vốn lẫn lãi. Do vậy, ông Long kiến nghị ngân hàng cần có chính sách cho vay khác nhau giữa đầu tư xây chuồng trại và chăn nuôi. Với chăn nuôi có thể áp dụng kỳ hạn 2 - 3 năm, nhưng xây chuồng trại nhất thiết phải từ 5 -7 năm.

Cùng chung quan điểm với Cty Hoàng Long, ông Nguyễn Văn Thanh, chủ một trang trại nuôi lợn với 1.000 lợn nái và 4.000 lợn thịt ở xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa bức xúc cho rằng, hiện nay cách cho vay của ngân hàng chưa thật sự hợp lý và chưa vì người chăn nuôi. Cụ thể, những khoản vay dài hạn ngân hàng khống chế trong vài trăm triệu đồng còn những khoản vay ngắn hạn lại được tiền tỷ.

“Nhiều lúc chúng tôi vay được 1 - 2 tỷ với thời hạn một năm, nhưng 6 tháng đã phải đáo hạn một lần. Khổ nhất lúc đáo hạn không đúng dịp xuất lợn, bất đắc dĩ phải vay tín dụng đen với lãi suất 10%/tháng. Biết là mỗi ngày mất trắng 3 - 6 triệu đồng tiền lãi cho khoản vay từ 1 - 2 tỷ đồng mà vẫn phải làm. Chính vì lẽ đó mà nhiều khi chúng tôi muốn làm ăn lớn nhưng lượng thấy sức mình không đủ nên cũng thấy tủi thân”- ông Thanh thật thà.

NƯỚC BIỂN TRÀN AO

Với mức lãi suất quá cao cộng lạm phát ở hai con số như hiện nay, các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trong nước khẳng định họ chưa thể bị chết, nhưng chắc chắn không thể mở rộng quy mô SX hay làm ăn lớn. Tuy nhiên, trong tương lai, nếu không được hà hơi tiếp sức, khả năng họ bị DN nước ngoài đè bẹp là khó tránh khỏi.

Ông Lê Quang Thành - TGĐ Cty CP TĂCN Thái Dương chỉ ra một loạt những khó khăn với các DN hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi thời gian này. Khoảng hai năm về trước, để nhập khoảng 1.000 tấn TĂCN, Cty Thái Dương chỉ phải vay ngân hàng 6 tỷ đồng với lãi suất 0,8%/tháng. Nhưng vẫn với 1.000 tấn TĂCN đó, hiện Cty phải bỏ ra tới 8,5 tỷ đồng, tương đương giá TĂCN đã tăng tới 40%. Nhưng cái khó là hai năm trước ngân hàng cho vay 6 tỷ, hai năm sau vẫn chỉ cho vay 6 tỷ, chỉ khác là lãi suất đã tăng lên 1,8 - 2%/tháng. Chính vì thế, hầu hết các DN đều phải vay nhiều nơi, nhiều chỗ với lãi suất cao để lấp vào chỗ trống.

Một DN hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi không ngần ngại nói thẳng, khi làm ăn thua lỗ hay dịch bệnh xảy ra những nhà quản lý luôn đổ vấy nguyên nhân do nền nông nghiệp nước ta manh mún, nhỏ lẻ. Trong khi đó, bản thân các cơ chế chính sách về tín dụng phục vụ ngành nông nghiệp nói chung và lĩnh vực chăn nuôi nói riêng cũng lẻ tẻ, manh mún, thiếu đồng bộ không khác gì ngành nông nghiệp nước ta.

Để đối phó với thực trạng chung không chỉ của lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi mà của hầu hết các ngành nghề khác, Cty Thái Dương phải lôi hết tất cả những ngón nghề ra sử dụng. Từ việc mua nguyên liệu trong nước thay vì nhập khẩu đến rút bớt vốn ở những lĩnh vực phi nông nghiệp để tập trung vào chăn nuôi. Đặc biệt, thay vì lưu kho nguyên liệu trong tới 3 năm như trước đây thì giờ chỉ cho phép 6 tháng để đồng vốn nhanh được quay vòng. Nhưng ông Thành cũng thừa nhận việc làm trên tiềm ẩn nhiều rủi ro và chỉ mang tính tạm thời trước mắt, còn về lâu dài vẫn phải trông chờ vào bàn tay Nhà nước.

Một số DN chăn nuôi trong nước không khỏi bi quan việc ngân hàng thắt chặt cho vay và duy trì mức lãi suất trên 20%/năm như hiện nay trong khi lãi suất quốc tế chỉ từ 1 - 2%/năm, chẳng bao lâu nữa sẽ có tới 50% các DN vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi sẽ trở thành người gia công, làm thuê cho DN nước ngoài vì không thể cạnh tranh khi môi trường kinh doanh giữa DN nội và ngoại giờ là như nhau.

 Xuất phát chậm nhưng chưa hẳn đã muộn, một chuyên gia ngành chăn nuôi cho rằng, cần phải có chính sách dài hơi và bền vững cho ngành chăn nuôi. Tất nhiên, không nên bảo hộ một cách quá đáng đối với các DN trong nước, song cũng cần tập cho họ có một thể lực, tinh thần và tư duy mới khỏe mạnh hơn để khi “nước biển” có tràn vào “ao” họ không bị ngộp thở do chưa thích ứng kịp.

Xem thêm
Giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh

Do nguồn cung khan hiếm vì cuối vụ chong đèn, cộng với thị trường Trung Quốc tiêu thụ ổn định nên giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm