| Hotline: 0983.970.780

Bí thư cấp ủy không phải người địa phương:

Đoàn kết, công minh... là bí quyết thành công

Thứ Tư 18/07/2018 , 13:05 (GMT+7)

Trước sự thương yêu đùm bọc, giúp đỡ tận tình của tập thể Đảng ủy và những người đồng chí thân thiết, ông Ninh nhận ra được vấn đề nên quyết tâm học tốt. Đúng như kỳ vọng của tổ chức, học xong, ông Ninh về được tổ chức phân công công việc, được nhân dân tín nhiệm...

Ông Nguyễn Văn Khương, Chủ tịch UBND xã Thành Tâm, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) nói như vậy trong câu chuyện với chúng tôi. Là người quê gốc ở huyện Hoằng Hóa, sau khi đi bộ đội về thì ông được người dân tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm HTXNN. Năm 1994, lãnh đạo xã Thành Tâm vi phạm khuyết điểm, Huyện ủy vào cuộc kiểm tra, kết quả Bí thư Đảng ủy không còn được tín nhiệm còn Chủ tịch xã bị bắt giam.
 

Công tác cán bộ phải kiên trì từ hai phía

30 tuổi, ông Khương từ vị trí Chủ nhiệm HTXNN được Huyện ủy điều động sang làm Bí thư Đảng ủy xã và ông đảm đương vị trí này suốt 3 khóa. Ông nhớ lại, lúc đó rất khó khăn với tôi và Đảng bộ vì vấn đề đất đai bắt đầu nóng lên. Khi đó tôi đề nghị anh em phải đoàn kết một lòng và phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau thì may ra mới vượt qua được những trở ngại, khó khăn này.

Ông Nguyễn Văn Khương (phải) Chủ tịch UBND xã Thành Tâm trong cuộc trò chuyện với PV

Bằng ý chí và quyết tâm, chúng tôi tích cực vận động nhân dân ra sức sản xuất để đảm bảo tốt nhất đời sống và tìm các giải pháp để trả tiền cho người dân. Một thời gian sau thì xã trả được 75 triệu và đến thời điểm này vẫn còn một số nữa, chúng tôi đang xin cơ chế để trả hết tiền cho dân.

“Trong cái khó, ló cái khôn”, ông Khương tự nhủ và khuyến khích cán bộ xã tranh thủ đi học thêm. Một số anh em đã tự bỏ kinh phí để đi học bổ túc văn hóa, học chuyên môn và học lý luận chính trị. Cũng từ đó việc vận động quần chúng của anh em gặp nhiều thuận lợi. Từ môi trường quân ngũ, tôi hiểu ra rằng, muốn có kỷ luật trước hết phải được học, có văn hóa để hiểu biết công việc mình làm.

Đến giờ thế hệ đó được điều động luân chuyển sang các xã khác làm Bí thư, Chủ tịch, Phó Bí thư Thường trực hay các vị trí chuyên môn khác cho thấy họ thực sự trưởng thành vượt bậc. Rõ ràng, công tác cán bộ không thể ngày một ngày hai mới nên mà phải cả một quá trình kiên trì và phải thực sự trách nhiệm, tâm huyết từ hai phía, từ tổ chức và từ chính người cán bộ đó.

Chúng tôi muốn liên hệ một câu chuyện cũ với thành quả hiện tại bằng một nhân vật trưởng thành ở xã Thành Tâm, ông Khương không ngần ngại kể về người đồng nghiệp, đồng chí của mình là Bùi Hải Ninh. Ngày ông Khương được Huyện ủy điều động làm Bí thư Đảng ủy xã thì ông Ninh được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm HTXNN thay ông Khương.

Một thời gian sau HTXNN giải thể, Đảng ủy xã cử ông Ninh làm cán bộ nông nghiệp và cho đi học bổ túc hết chương trình phổ thông trung học. Học xong, ông Ninh được bầu bổ sung vào Ban Thường vụ Đảng ủy, làm trực Đảng, tiếp đến cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu hội đồng và được HĐND bầu làm Chủ tịch xã.

“Ninh khi đi học thường hay bỏ học để đi vác mía thuê cho người dân. Chuyện đến tai, tôi gọi Ninh về và làm công tác tư tưởng để Ninh hiểu ngọn ngành”, ông Khương nhớ lại.

Trước sự thương yêu đùm bọc, giúp đỡ tận tình của tập thể Đảng ủy và những người đồng chí thân thiết, ông Ninh nhận ra được vấn đề nên quyết tâm học tốt. Đúng như kỳ vọng của tổ chức, học xong, ông Ninh về được tổ chức phân công công việc, được nhân dân tín nhiệm, tập thể trao trọng trách. Chính vì thế sau 12 năm làm Chủ tịch xã Thành Tâm đến năm 2010, ông Ninh được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng ủy xã.
 

Tâm tư về khoảng cách và nhà công vụ

Đầu năm 2015, thực hiện chủ trương Bí thư cấp ủy không phải là người địa phương, Huyện ủy Thạch Thành điều ông Bùi Hải Ninh sang làm Bí thư Đảng ủy xã Thành Vân. Theo như tìm hiểu của chúng tôi thì mặc dù ở địa bàn mới nhưng ông Ninh đã cùng với tập thể Đảng ủy, UBND xã Thành Vân đoàn kết cùng nhân dân đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, tổ chức lại sản xuất.

Công sở khang trang của xã Thành Tâm

Nhờ đó, chỉ trong một thời gian, bằng các quyết sách mạnh mẽ và nhất là giải quyết công việc không phải né tránh, ngại va chạm ai nên hoạt động của cả hệ thống rất tốt. Chính vì thế, chương trình xây dựng NTM ở Thành Vân cán đích NTM trước thời hạn so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đề ra.

Không chỉ có ông Ninh mà đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thành Tâm được điều động đến làm Bí thư Đảng ủy xã Thành Tân cũng phát huy được năng lực, sở trường lãnh đạo, chỉ đạo phong trào địa phương rất tốt. Điều mà cả cấp ủy, chính quyền và người dân những nơi có cán bộ luân chuyển đến đều ghi nhận công sở có sự thay đổi, chuyển biến rõ nét nhất là lề lối và tác phong làm việc. Trong giải quyết công việc nhanh và để lại sự hài lòng cho nhân dân.

Hỏi đâu là bài học kinh nghiệm khi đi luân chuyển để phát huy sức mạnh nội lực, Bí thư Đảng ủy xã Thành Vân Bùi Hải Ninh nói, đó chính là làm việc không bị ràng buộc nào từ các mối quan hệ thân hữu như anh em ruột thịt, họ hàng, con cháu. Điều mà rất nhiều người đã vì nể nang trong giải quyết công việc để rồi mất đoàn kết nội bộ, có khi hại cả sinh mệnh chính trị của mình. Do đó, luân chuyển đi địa phương khác nó hay là chỗ đó, làm việc rất công minh.

Cũng theo ông Ninh, để cán bộ, đảng viên tin yêu thì trước hết mình phải luôn lắng nghe họ nói. Đảng ủy chỉ đạo thay đổi lịch sinh hoạt của các chi bộ để anh em trong Thường vụ, trong Đảng ủy, nhất là các đồng chí chủ chốt mới chuyển về đều bố trí thời gian, công việc tham dự sinh hoạt đầy đủ với các chi bộ và họp thôn của nhân dân.

Trước đây việc sinh hoạt của các chi bộ ấn định vào mùng 3 hàng tháng. Nay được thay đổi, có thể là chủ nhật hoặc họp buổi tối. Ngoài ra, hàng tháng đến ngày 28, Đảng bộ xã tổ chức giao ban với các chi bộ và UBND xã. Tại đó, các chi bộ có vấn đề gì thì báo cáo, ủy ban giải trình. Từ đó, mọi khó khăn, vướng mắc đều tìm được tiếng nói chung để giải quyết. Gần như các vấn đề nóng, kéo dài đã được chấm dứt trong những năm gần đây.

Thuận lợi và thành công bước đầu thấy rõ, thế còn khó khăn và kiến nghị ở đây là gì thì những người được điều động đều có chung quan điểm là nên tính đến khoảng cách đi lại giữa nơi ở và nơi làm việc của cán bộ được luân chuyển. Bởi lẽ, hầu hết nơi làm việc của các xã đều không có nhà ở công vụ, nếu bố trí địa bàn xa, nhất là các xã miền núi sẽ rất khó khăn cho cán bộ luân chuyển.

Tại huyện Thạch Thành và huyện Ngọc Lặc không chỉ có 3 chức danh chủ chốt được điều động mà còn nhiều vị trí khác như địa chính, kế toán, văn phòng, các đoàn thể… cũng được luân chuyển. Ở Ngọc Lặc có trường hợp cán bộ địa chính là người ở xã Phúc Thịnh phải đi 39 km để làm việc ở xã Thành Lập. Ở huyện Thạch Thành cũng có trường hợp đi xa đến mấy chục cây số.

Theo ông Phạm Văn Quý (người ở xã Quý Sơn được Huyện ủy Ngọc Lặc điều động đến làm Bí thư Đảng ủy xã Quang Trung) thì địa bàn ở xa sẽ gặp không ít khó khăn trong xử lý các tình huống khẩn cấp như thiên tai, bão lũ. Vì ở gần, đêm hôm có tin báo là đến được nhanh chứ ở xa quá thì có khi không thể đến kịp hoặc như vừa rồi cách khúc sông mà không tài nào qua được để tiếp cận với địa bàn nơi xảy ra lốc xoáy.

Giải pháp đề ra theo ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Thành Vân (Thạch Thành) thì việc luân chuyển ở xã này sang xã khác nên phân theo cụm. Mỗi cụm khoảng 3 – 4 xã hoặc 5 – 6 xã trong bán kính khoảng 10 – 12 km có tương đồng về KT – XH. Cách này sẽ giảm áp lực đi lại và nơi ở cho cán bộ luân chuyển trong khi nhà nước chưa có kinh phí hỗ trợ đi lại và ăn, ở cho cán bộ đi luân chuyển.

Những tâm tư, kiến nghị này hy vọng trong quá trình thực hiện chủ trương này một cách đại trà sẽ được xem xét xử lý.

Theo ông Lê Văn Chiến người được điều động từ xã Hoằng Anh sang làm Chủ tịch UBND xã Hoằng Long (TP Thanh Hóa) thì chỉ cần luân chuyển Bí thư và Chủ tịch còn Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thì nên để là người địa phương.

Ông nói, khi họp Thường vụ Đảng ủy trong 3 chức danh mà có 1 người sở tại thì thông tin sẽ đầy đủ và sát sườn hơn. “Từ khi về làm Chủ tịch ở đây, họp ban thường vụ, chúng tôi không tổ chức được mà toàn phải họp mở rộng vì 3 đồng chí thường vụ đều người khác địa phương. Do đó cần xem xét chỗ này”, ông Chiến đề nghị.

 

Xem thêm
Trà Vinh kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng

Tỉnh này đã họp bàn tinh gọn tổ chức bộ máy, kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng và thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.