"Công nhân là tài sản dài hạn của doanh nghiệp. Để đào tạo nên một người lao động lành nghề mất rất nhiều thời gian, công sức. Vì thế, tôi đề nghị Bộ NN-PTNT và các Bộ, ban, ngành liên quan có chính sách ưu tiên dành vacxin để tiêm cho đối tượng này", bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà nói trong Hội nghị trực tuyến về sản xuất chăn nuôi, cung - cầu thực phẩm các tháng cuối năm 2021 sáng 1/9.
Theo bà Hà, từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại các tỉnh, thành phố phía Nam, Công ty San Hà gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh việc một số cơ sở phải ngưng hoạt động, đứt gãy chuỗi cung ứng, gặp nhiều rào cản về lưu thông, vận chuyển hàng hóa, bà còn phải đương đầu với nỗi lo nhân sự.
Do là cơ sở chế biến, San Hà khó tổ chức sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ". Ngay cả khi chấp nhận bù lỗ, do giá cám, chi phí vận chuyển leo thang nhưng chưa được hưởng ưu đãi về lãi vay, công nợ và thuế, công ty vẫn bị đứt gãy cung ứng bởi không thể tìm lực lượng lao động có đủ tay nghề thay thế.
"Phương châm của công ty, là sau khi đưa những ca F0 đưa điều trị, cách ly tập trung các ca F1, và phun khử khuẩn, vệ sinh cơ sở, nhà máy chế biến, chúng tôi sẽ bắt tay vào tái sản xuất. Tuy nhiên, hiếm ai muốn đi làm lúc này vì nỗi lo dịch bệnh", bà Hà chia sẻ.
Chung nỗi niềm như Công ty San Hà, bà Phạm Thị Huân - Tổng giám đốc Công ty TNHH Ba Huân - cho biết, nhiều công nhân trong công ty chưa được tiêm mũi 1, hoặc đã quá ngày chờ tiêm mũi 2 vacxin phòng Covid-19.
"Bản thân tôi đã tiêm mũi 1 được hai tháng nhưng cũng chưa biết liên hệ đâu để tiêm mũi nữa. Ở Ba Huân, một số người thậm chí đã phải chờ 3 tháng, nhưng chưa được tiêm mũi 2. Chúng tôi sẵn sàng tổ chức sản xuất để đảm bảo chuỗi cung ứng, nhưng nếu tình trạng như này kéo dài lâu, tâm lý người lao động sẽ ảnh hưởng", bà Huân bày tỏ.
Khó khăn của Công ty San Hà, Công ty Ba Huân cũng là vấn đề chung của ngành chăn nuôi trong điều kiện dịch bệnh.
Ông Dương Tất Thắng, Quyền Cục trưởng Cục chăn nuôi thông tin, chi phí cho lưu thông vận chuyển hàng hóa đều tăng. Lợi ích giữa 3 khâu: sản xuất - lưu thông - tiêu dùng khó hài hòa. Từ đó, các sản phẩm chăn nuôi có hiện tượng khan hiếm cục bộ, sản phẩm quá lứa, quá thời gian nuôi ứ đọng tại nơi sản xuất, nên thiếu chuồng trại để tái đàn.
"Duy trì hoạt động là vấn đề sống còn của các cơ sở sản xuất", ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam nhận xét.
Theo ông Tuấn, ngay cả khi doanh nghiệp đảm bảo sản xuất theo mô hình 3 tại chỗ, họ cũng bị đội chi phí ở các khâu ăn ở, trợ cấp, và xét nghiệm định kỳ.
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Nguyễn Thanh Sơn thừa nhận, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi hiện đứng trước nguy cơ mất vốn, bởi cả tổng cung lẫn tổng cầu đều giảm sút.
Ông Sơn cho rằng, chỉ khi các tỉnh, thành phố kiểm soát dịch bệnh trong tháng 9, tổng cầu mới tăng trở lại, kéo theo tổng cung.
"Ngành chăn nuôi đang gặp hai vấn đề, đó là dịch bệnh và thị trường. Chúng ta cần cái nhìn tổng thể, khách quan, để có giải pháp căn cơ, phù hợp với cả định hướng trước mắt lẫn tương lai lâu dài. Rõ ràng, Covid-19 đã làm thay đổi cục diện chăn nuôi toàn cầu, trong đó có nước ta", ông Sơn nhấn mạnh.
Nhằm giữ đà tăng trưởng 5-6% và đạt sản lượng thịt 5,8 triệu tấn trong năm 2021, ông Sơn kiến nghị Bộ NN-PTNT cùng các đơn vị liên quan thúc đẩy việc sản xuất thức ăn trong nước, giảm chi phí vận chuyển và các thủ tục hành chính, đồng thời có chính sách hỗ trợ sâu, sát với người lao động trong nhà máy, cơ sở sản xuất.