Thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030, trong giai đoạn 2024 - 2025, Phòng NN-PTNT huyện Châu Thành A (Hậu Giang) phối hợp với Công ty Cổ phần GFA triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Mô hình sử dụng giống lúa Đài thơm 8, gieo sạ trên quy mô 110ha tại tổ hợp tác sản xuất số 1 và số 3, ấp Trường Thắng, xã Trường Long A và khoảng 7 ngày nữa sẽ bắt đầu thu hoạch.

Lãnh đạo Phòng NN-PTNT huyện Châu Thành A, cùng đại diện Công ty Cổ phần GFA và bà con nông dân đánh giá hiệu quả mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp đang triển khai tại ấp Trường Thắng, xã Trường Long A. Ảnh: Kim Anh.
Điểm nhấn của mô hình là ứng dụng cơ giới hóa, đồng thời thực hiện giảm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thông qua việc đưa phân hữu cơ Matsuda Organic vào đồng ruộng, bón lót ngay từ đầu vụ để cải tạo đất.
Sau quá trình triển khai mô hình, các hộ nông dân tham gia đã có những đánh giá tích cực về phân bón hữu cơ Matsuda Organic, đặc biệt là những lợi ích lâu dài trong cải thiện sức khỏe đất, duy trì dinh dưỡng, giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chi phí sản xuất.
Nông dân Nguyễn Văn Hùng đã áp dụng mô hình liên tục qua 3 vụ lúa. Ông Hùng đánh giá, trước đây ông từng sử dụng nhiều loại phân bón hữu cơ khác nhau, nhưng phân bón Matsuda Organic có hàm lượng hữu cơ và dinh dưỡng cao hơn. Điều này không chỉ đảm bảo năng suất cây lúa mà còn góp phần giảm ô nhiễm môi trường và hạn chế tồn dư hóa chất trong hạt gạo.
“So với trước kia, khi tôi chỉ sử dụng phân bón hóa học, mỗi vụ phải bón tới 4 lần. Nhưng khi chuyển sang bón lót bằng phân hữu cơ Matsuda Organic, tôi chỉ cần bón phân hóa học 3 lần/vụ. Ngoài ra, phân hữu cơ này còn giúp duy trì dinh dưỡng lâu dài trong đất, giảm dần sự phụ thuộc vào phân hóa học theo thời gian”, ông Hùng cho biết.

Trải qua 3 vụ lúa ứng dụng phân bón hữu cơ Matsuda Organic, nông dân Nguyễn Văn Hùng tự tin nhân rộng mô hình. Ảnh: Kim Anh.
Về mặt kinh tế, ông Hùng cho biết chi phí phân bón mỗi vụ không thay đổi nhiều, vẫn ở mức 3,5 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, ông nhận thấy, lượng phân bón hóa học đã giảm đáng kể, bên cạnh đó giảm được số lần phun thuốc sâu bệnh và chi phí nhân công. Với xu hướng giá phân bón hóa học ngày càng tăng, việc sử dụng phân hữu cơ là một giải pháp bền vững, giúp giảm dần được chi phí đầu tư trong tương lai.
Một điểm đáng chú ý khác là sức chống chịu của cây lúa được cải thiện rõ rệt. Ruộng lúa của ông Hùng không bị sâu bệnh nhiều, cây lúa cứng cáp, khỏe mạnh, ít bị đổ ngã.
Ông Chu Hữu Hải, một nông dân khác tham gia mô hình cũng đánh giá cao hiệu quả của phân bón hữu cơ Matsuda Organic. Ông cho biết ban đầu ông chỉ sử dụng phân bón hóa học vì tính tiện lợi và hiệu quả nhanh. Tuy nhiên, sau khi được ngành nông nghiệp huyện Châu Thành A hỗ trợ, ông quyết định thử nghiệm phân bón hữu cơ và nhận thấy màu lá lúa đẹp hơn, lá lúa xanh bền, cây lúa phát triển tốt và đặc biệt là sâu hại giảm đáng kể.
“Nông dân chúng tôi rất quan tâm đến năng suất, vì vậy khi sử dụng phân hữu cơ, ai cũng lo lắng liệu năng suất có bị ảnh hưởng không. Tuy nhiên, sau 1 vụ sử dụng, tôi thấy phân bón hữu cơ vẫn đảm bảo năng suất tương đương, mà còn có lợi ích lâu dài cho đất. Nếu khắc phục được một số hạn chế, tôi nghĩ phương pháp này có thể triển khai rộng rãi hơn trong tương lai”, ông Hải nhận xét.

Ông Trần Văn Thắng - Giám đốc Công ty Cổ phần GFA chia sẻ định hướng nhân rộng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại huyện Châu Thành A. Ảnh: Kim Anh.
Còn tại ruộng lúa đang canh tác 3,5ha giống lúa OM18 theo mô hình của ông Huỳnh Văn Khơi cũng ghi nhận kết quả bước đầu khả quan. Ông Khơi chia sẻ, việc sử dụng phân hữu cơ Matsuda Organic giúp cây lúa có sức đề kháng tốt hơn, chống chịu tốt với điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Trước đây, gia đình ông chưa từng sử dụng phân bón hữu cơ, nhưng sau khi chuyển đổi trong vụ đông xuân 2024 - 2025, đến thời điểm này còn khoảng 1 tuần nữa sẽ thu hoạch, nhưng ông vẫn chưa phun thuốc diệt sâu hại như trước.
Theo ông Lê Văn Khoa - Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Thành A, trong năm 2025, huyện đăng ký tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao với diện tích 2.000ha tại xã Trường Long A và Trường Long Tây.
Vừa qua, huyện đang triển khai 3 mô hình thực hiện quy trình canh tác theo đề án, gồm: mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh; mô hình sản xuất lúa chất lượng cao gắn với đưa rơm rạ ra khỏi đồng ruộng; mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Hạ tầng thủy lợi ở ấp Trường Thắng, xã Trường Long A, huyện Châu Thành thuận lợi để triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Kim Anh.
Bước đầu, các mô hình này đã mang lại kết quả tích cực, giúp bà con giảm lượng giống gieo sạ, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ để giảm phân bón hóa học, đồng thời đưa rơm rạ ra khỏi đồng ruộng để hạn chế phát thải khí nhà kính. Đây là những tiền đề quan trọng để thực hiện thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao trong tương lai. Trong đó có vai trò quan trọng trong của việc sử dụng phân bón hữu cơ Matsuda Organic.
Khi tham gia đề án, bà con cũng nhận được sự hỗ trợ về giống, phân bón. Đặc biệt là đầu tư hạ tầng, nhất là hệ thống trạm bơm điện để tối ưu hóa phương pháp tưới ướt - khô xen kẽ, giúp tiết kiệm nước và tăng hiệu quả sản xuất.
Từ những đánh giá tích cực của nông dân tại huyện Châu Thành A, việc mở rộng sử dụng phân bón hữu cơ Matsuda Organic trong sản xuất lúa không chỉ giúp nông dân nâng cao thu nhập mà còn góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới một nền nông nghiệp an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững. Đồng thời, Công ty Cổ phần GFA, tiếp tục đồng hành cùng địa phương nhân rộng các mô hình theo Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.