| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp tùy tiện lập Đền thờ quan Hoàng Bảy trên đỉnh Hoàng Liên

Thứ Tư 26/07/2023 , 16:51 (GMT+7)

LAI CHÂU Mạng xã hội lan truyền thông tin, hình ảnh khu Đền thờ thần vệ quốc - quan Hoàng Bảy - trên đỉnh Hoàng Liên, có dấu hiệu xuyên tạc lịch sử, bóp méo sự thật.

Khu du lịch cầu kính Rồng Mây mỗi ngày thu hút hàng nghìn du khách nên việc bóp méo lịch sử rất nguy hại. Ảnh: Hải Đăng.

Khu du lịch cầu kính Rồng Mây mỗi ngày thu hút hàng nghìn du khách nên việc bóp méo lịch sử rất nguy hại. Ảnh: Hải Đăng.

Quan Hoàng Bảy được đưa lên đèo Ô Quý Hồ

Ngày 20/7/2023, trên facebook của Khu du lịch cầu kính Rồng Mây thuộc khu vực cổng trời, đèo Ô Quý Hồ, địa phận thuộc xã Sơn Bình (huyện Tam Đường, Lai Châu) của Công ty Cổ phần Đầu tư Hoàng Liên Sơn có đưa thông tin gây bức xúc dư luận và khiến cơ quan quản lý bất ngờ. 

Cụ thể facebook công ty này đăng tải: "Đền quan Hoàng Bảy được ngự tại đỉnh thiêng dãy núi Hoàng Liên. Sự tích tương truyền rằng, tại nơi đây ông Hoàng Bảy đã từng ngự trị đóng quân, điều binh khiển tướng, dẫn quân dẹp loạn. Nay Công ty Cổ phần đầu tư Hoàng Liên Sơn - Khu du lịch cầu kính Rồng Mây tiếp quản lại phần đất khi xưa ông đóng quân. Phục dựng lại ngôi đền thờ ông để nhân dân trong vùng cũng như du khách có nơi để tưởng nhớ đến những công lao của ông với quê hương và đất nước. Các du khách hãy cùng tới cầu kính Rồng Mây thưởng ngoạn khung cảnh tựa núi nhìn mây của ngôi đền quan Hoàng Bảy - đỉnh núi Hoàng Liên".

Cùng với nội dung trên, trên facebook của Khu du lịch cầu kính Rồng Mây này còn đăng tải hình ảnh, clip khu đền thờ mới được xây dựng, đã hoàn thiện.

Theo ông Dương Tuấn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lào Cai, việc đưa thông tin trên trang facebook của Khu du lịch cầu kính Rồng Mây thuộc khu vực cổng trời đèo Ô Qúy Hồ nói trên là không đúng sự thật, có dấu hiệu xuyên tạc lịch sử, tên địa danh, nhân vật quan Hoàng Bảy, cũng như gốc tích ngôi đền Bảo Hà... gây hoang mang trong dư luận, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa Đền Bảo Hà tại tỉnh Lào Cai.

Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lào Cai cũng đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lai Châu xác minh, làm rõ nội dung thông tin Khu du lịch cầu kính Rồng Mây do Công ty Cổ phần Đầu tư Hoàng Liên Sơn quản lý đã đăng tải trên facebook và có biện pháp xử lý cụ thể, kịp thời đối với những tổ chức, cá nhân đưa thông tin sai lệch, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về di sản văn hóa theo quy định.

Trước đó, ngay khi thông tin nêu trên xuất hiện trên mạng xã hội, phóng viên đã liên lạc với số điện thoại trên facebook của Công ty Cổ phần đầu tư Hoàng Liên Sơn tìm hiểu thông tin đền quan Hoàng Bảy ngự tại đỉnh thiêng Hoàng Liên. 

Nhân viên này cho biết: "Từ ngày 6/8/2023 đền mới sẽ được khánh thành và đi vào hoạt động. Họ rước ngài từ Đền ở dưới Bảo Hà lên. Bên em để ở trên đấy để thờ cúng còn khách lên chủ yếu là khách đi du lịch. Muốn lên Đền phải mua vé cầu kính mới lên tham quan ở trên được. Đền nằm ở trên đỉnh cao nhất, đi bộ mấy trăm mét nhưng đường rất dốc. Mấy hôm nữa lễ chắc sẽ có thầy còn hiện giờ thì chưa".

Khu du lịch cầu kính Rồng Mây đăng thông tin sai lệch về đền thờ quan Hoàng Bảy. Ảnh: Hải Đăng.

Khu du lịch cầu kính Rồng Mây đăng thông tin sai lệch về đền thờ quan Hoàng Bảy. Ảnh: Hải Đăng.

Đền Bảo Hà không liên quan khu cầu kính Rồng Mây

Ông Nguyễn Văn Quyền, Trưởng Ban quản lý di tích và phát triển du lịch huyện Bảo Yên (Lào Cai) cho biết, đền Bảo Hà không có mối liên lạc với Khu du lịch cầu kính Rồng Mây nên không thể có hoạt động rước ông Hoàng Bảy từ Bảo Hà lên đỉnh dãy Hoàng Liên, đèo Ô Qúy Hồ để thờ phụng.

Hiện nay, có những nghiên cứu về hình tượng quan Hoàng Bảy, có ý nghĩa thực tiễn rất lớn, đặc biệt trong đời sống sinh hoạt thực hành văn hóa tín ngưỡng. Các nghiên cứu này nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương cũng như những cơ quan quản lý của ngành văn hóa. 

Tới đây, dịp lễ hội đền Bảo Hà 2023, sẽ tiếp tục có hội thảo khoa học về "Thần vệ quốc Hoàng Bảy - Bảo Hà" với sự tham gia của các PGS, TS trong đó sẽ nêu bật các tư liệu lịch sử của di tích đền Bảo Hà trong các tài liệu Hán văn, tiếng Pháp và các công trình nghiên cứu của các học giả Pháp và Việt Nam; Nhìn nhận nguồn gốc của ông Hoàng Bảy (tiếp cận từ góc nhìn: địa văn hóa - lịch sử); Sự tham gia của cộng đồng và Nhà nước trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích đền Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai; Lễ hội ông Hoàng Bảy và vấn đề xây dựng sản phẩm du lịch di sản theo hướng bền vững...

Trong khi đó, UBND xã Sơn Bình (huyện Tam Đường, Lai Châu) cho biết, Khu du lịch cầu kính Rồng Mây không có thông báo nào đến chính quyền xã về việc lập đền thờ quan Hoàng Bảy tại khu du lịch như thông tin đã nêu trên.

Khu du lịch cầu kính Rồng Mây mặc dù mới được đưa vào khai thác vài năm gần đây, và liên tiếp xảy ra các sự cố như nứt kính, tai nạn xe hơi và hoạt động quản lý tại khu du lịch này…

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.