Tái định cư sau 20 năm vẫn không được cấp sổ đỏ
Trong căn nhà cấp bốn đã xuống cấp, bà Chinh lật giở xấp hồ sơ đã úa vàng theo năm tháng. Đôi mắt bà hằn lên nỗi buồn và sự mệt mỏi. Hơn 20 năm qua, bà cùng 6 hộ dân trong khu đã chạy khắp nơi, từ xã lên huyện, từ huyện ra tỉnh, chỉ để tìm một thứ đó chính là: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.
Năm 2002, bà Trần Thị Chinh cùng với 6 hộ dân thôn Đát Khế, xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn bị thu hồi toàn bộ đất ở để phục vụ dự án trại bò sữa Phú Lâm. Sau đó bà và các hộ dân được UBND xã Phú Lâm bàn giao cho lô đất ở thổ cư có diện tích là 400m2 theo diện tái định cư tại chỗ. Tuy nhiên đến nay bà và các hộ dân trong khu vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Biên bản xác định hoàn thành di chuyển giải phóng mặt bằng được UBND xã Phú Lâm gửi cho các hộ dân. Ảnh: Hùng Khang.
Bà Chinh và các hộ dân đã làm đơn đến gõ cửa các cơ quan của tỉnh Tuyên Quang để mong có được câu trả lời thỏa đáng rằng: “Tại sao vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất? Vướng mắc ở đâu?”… Tất cả vẫn đều bặt vô âm tín.
Nỗi cơ cực càng đè nặng lên đôi vai của bà khi xã Phú Lâm được sáp nhập vào phường Mỹ Lâm, thành phố Tuyên Quang từ năm 2020. “Ngày ấy mọi thủ tục, giấy tờ giải phóng mặt bằng, cấp đất tái định cư tại chỗ đều do UBND xã Phú Lâm giải quyết, khi sáp nhập xong chúng tôi như ngồi trên đống lửa, vì không có ai đứng ra để giải quyết các thủ tục cấp sổ đỏ”, bà Chinh nhớ lại.
Vì trót tin lời hứa “an cư lạc nghiệp” của cán bộ bà và các hộ dân đã chuyển đến khu đất tái định cư được bàn giao, họ đang từ chỗ có nhà, có sổ đỏ thành ra phải sống chật vật, bất an vì không có sổ đỏ.
“Chồng tôi trước lúc nhắm mắt xuôi tay anh chỉ có một ước nguyện là được nhìn thấy cuốn sổ đỏ của gia đình, ngày anh trút hơi thở cuối cùng tôi chỉ biết xin lỗi anh vì không làm được ước nguyện đó”, trong tiếng nấc nghẹn ngào đầy chua xót bà Chinh chia sẻ về ước nguyện của chồng lúc cuối đời.
Cả 7 hộ gia đình gồm: Hoàng Văn Tính, Hầu Thị Hợi, Âu Văn Sâm, Âu Văn Kiểm, Trần Thị Chinh, Ma Thị Phúc, Hoàng Văn Trọng. Đến giờ họ không thể nhớ được số lần đã đi chạy vạy khắp các cơ quan từ huyện đến tỉnh chỉ để tìm cuốn sổ đỏ, có những người giờ đã tuổi cao sức yếu không thể đi lại, người thì cắn răng chịu đựng phó mặc cho trời.
Thế nhưng có một thực tế, các con các cháu của họ ngày càng lớn, không có sổ đỏ đồng nghĩa với việc họ không thể sang tên, tách thửa cho con cái ra ở riêng, nhiều gia đình cả 3 thế hệ phải sống chung trong ngôi nhà chật chội, xuống cấp.

Nhiều gia đình phải sống trong ngôi nhà chật chội, xuống cấp. Ảnh: Hùng Khang.
Không có sổ đỏ, nhiều gia đình không thể vay được vốn ngân hàng để kinh doanh, lo cho con cái đi học, thế rồi cái nghèo cái đói, cứ dai dẳng đeo bám họ.
"Nhiều khi gia đình thiếu vốn làm ăn, chúng tôi muốn vay vốn cũng không được ngân hàng cho vay vì không có tài sản thế chấp. Các con của tôi đều đã lập gia đình, giờ muốn tách thửa để chia cho con làm nhà cũng không được vì chưa có sổ đỏ", ông Kiểm chia sẻ.
Quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, làm lụng kiếm tiền chỉ đủ để trang trải cho những chuyến xe đi lên lên tỉnh đỏi hỏi quyền lợi cho gia đình. Đến nay ông Kiểm vẫn chưa nhận được câu trả lời vì sao lại chậm trễ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 7 hộ dân.
“Đã rất nhiều lần người dân chúng tôi đến hỏi chính quyền địa phương về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng chính quyền địa phương khi đó là UBND xã Phú Lâm trả lời rằng chưa cấp được bởi vì đang có sự nhầm lẫn hồ sơ giấy tờ, khi nào tìm được hồ sơ, giấy tờ mới có thể cấp được sổ đỏ", nói đoạn, giọng ông Kiểm trùng xuống, đôi mắt đỏ hoe nhìn về xa xăm.
Ông Kiểm giờ đây sức khỏe đã yếu, đôi chân không còn đủ sức để chạy vạy khắp nơi như trước nữa. Ngôi nhà cũ cũng đã xuống cấp, con cái của ông muốn sửa sang, xây lại nhưng không có giấy tờ hợp pháp. Ông sợ chẳng may mất đi, mảnh đất mấy chục năm gia đình gắn bó rất dễ rơi vào vòng xoáy tranh chấp, vì theo giấy tờ, nó không thuộc về ai.
Cán bộ thất lạc hồ sơ, dân chịu khổ?
Phóng viên đã liên hệ làm việc với UBND phường Mỹ Lâm để tìm hiểu thông tin lý do tại sao người dân hơn 20 năm vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Ông Lê Việt Anh - Chủ tịch UBND phường Mỹ Lâm cho biết: “Năm 2002 sau khi huyện Yên Sơn thu hồi đất của người dân thôn Đát Khế để thực hiện dự án trại bò sữa Phú Lâm, từ đó đến nay các hộ dân đã được giao đất tái định cư và sống ổn định từ đó đến nay”.
“Lý do các hộ dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là do hồ sơ, tài liệu của dự án bị xáo trộn, do vậy việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân này còn vướng mắc”, vị đại diện UBND phường Mỹ Lâm chia sẻ.

Ông Lê Việt Anh - Chủ tịch UBND phường Mỹ Lâm, thành phố Tuyên Quang. Ảnh: Hùng Khang.
“Các cơ quan như UBND thành phố Tuyên Quang và UBND huyện Yên Sơn đang phối hợp để sao lục các hồ sơ, tài liệu có liên quan để cung cấp cho UBND thành phố, khi đủ căn cứ UBND phường Mỹ Lâm sẽ hướng dẫn cho các gia đình lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đảm bảo theo pháp luật hiện hành”, ông Lê Việt Anh thông tin thêm.
Trong khi đó, 7 hộ dân với 39 nhân khẩu, hơn 20 năm qua họ sống trên mảnh đất của mình nhưng chưa khi nào được công nhận. Những bộ hồ sơ vẫn còn nằm đâu đó trên bàn làm việc, những lời hứa vẫn trôi theo năm tháng, cuốn sổ đỏ tưởng chừng như đơn giản nhưng lại là giấc mơ với họ.
Nếu như xảy ra việc tranh chấp đất đai hay khi nhà nước hồi giải phóng mặt bằng, khi đó các hộ dân sẽ không có căn cứ pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, dễ nảy sinh khiếu kiện kéo dài, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.