| Hotline: 0983.970.780

Tái định cư dự án trại bò nhưng giao đất 'di dân' thủy điện Na Hang?

Thứ Ba 01/04/2025 , 16:29 (GMT+7)

Sau hơn 20 năm không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người dân phát hiện nhiều điểm bất thường trong chính sách di dân tái định cư tại thủy điện Na Hang.

Bất thường trong việc giao đất tái định cư

Theo các hộ dân, vào tháng 4/2002 UBND xã Phú Lâm thực hiện dự án trại bò Phú Lâm, khi đó 7 hộ dân trong diện thu hồi đất để hiện dự án. Sau khi hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng các hộ dân nhận được biên bản “xác định hoàn thành di chuyển giải phóng mặt bằng thi công công trình đường vào khu sản xuất” do Ban di dân và Chủ tịch UBND xã Phú Lâm ký.  

Tuy nhiên, thời điểm tháng 7/2024, 7 hộ dân nhận được tờ biên bản giao đất thổ cư do UBND phường Mỹ Lâm cung cấp. Biên bản lấy mốc thời gian nhận bàn giao đất vào ngày 22/9/2015 và được lập dựa trên các căn cứ sau:

“Quyết định số 345/QĐ-UBND ngày 14/4/2015 của UBND tỉnh Tuyên Quang về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Dự án đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật và bố trí tái định cư, định canh cho các hộ gia đình nằm trong vùng ngập lòng hồ thủy điện Na Hang được chuyển đến tại xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang”.

Và “Căn cứ tờ bản đồ quy hoạch hạ tầng kỹ thuật điểm tái định cư Đát Khế, xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn được phê duyệt tại Quyết định số 308/QĐ-UBND ngày 28/8/2015 của UBND huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang”.

Biên bản giao đất thổ cư cho các hộ dân tại xã Phú Lâm được giao cho các hộ dân vào tháng 7/2024. Ảnh: Hùng Khang.

Biên bản giao đất thổ cư cho các hộ dân tại xã Phú Lâm được giao cho các hộ dân vào tháng 7/2024. Ảnh: Hùng Khang.

Nội dung hai biên bản “bàn giao đất thổ cư” và biên bản “xác định hoàn thành di chuyển giải phóng mặt bằng thi công công trình đường vào khu sản xuất” không đề cập đến dự án trại bò Phú Lâm, chỉ để cập đến việc các hộ dân được bàn giao đất tái định cư theo diện "tái định cư, định canh cho các hộ gia đình nằm trong vùng ngập lòng hồ thủy điện Na Hang được chuyển đến ở tại xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang".

Nghịch lý cả 7 hộ dân đều không biết thủy điện Na Hang ở đâu, khi thu hồi đất chỉ được cán bộ thông báo lấy đất cho dự án trại bò Phú Lâm, không hề nhắc đến thủy điện Na Hang. 

Bà Trần Thị Chấn búc xúc nói: "Văn bản bàn giao đất cho chúng tôi với nội dung di dân theo thủy điện Na Hang, nhưng thực tế chúng tôi thuộc diện tái định cư tại chỗ của dự án trại bò Phú Lâm, không ai biết thủy điện Na Hang ở đâu, điều này tôi thấy rất phi lý”.

Các hộ dân không biết biên bản bàn giao đất của UBND xã Phú Lâm. Ảnh: Hùng Khang.

Các hộ dân không biết biên bản bàn giao đất của UBND xã Phú Lâm. Ảnh: Hùng Khang.

“Chúng tôi ở đây ổn định từ tháng 9/2002, đến tháng 7/2024 cán bộ địa chính phường đưa cho tờ giấy bàn giao đất thổ cư lấy mốc thời gian là năm 2015, biên bản bàn giao đất tôi hoàn toàn không biết và chưa từng ký vào văn bản này”, bà Trần Thị Chinh thông tin thêm.

Trong khi đó biên bản “giao đất thổ cư cho hộ dân sở tại xã Phú Lâm” các hộ dân không được biết, không được ký, vậy mà trong văn bản lại có chữ ký giống với chữ ký của các hộ dân: “Tôi rất mong cơ quan chức năng vào cuộc để xem xét, giám định lại chữ ký của tôi. Chữ ký đó giống chữ ký của tôi nhưng tôi không hề ký vào biên bản giao đất thổ cư cho hộ dân sở tại xã Phú Lâm”, bà Chinh phân trần.

Các hộ dân ngờ rằng, đây chính là nguyên nhân khiến hơn 20 năm qua họ sống trên đất giao tái định cư mà không được cấp sổ đỏ và mong muốn cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Tuyên Quang vào cuộc điều tra để làm rõ tính chính xác của biên bản bàn giao đất thổ cư này. 

Sổ đỏ chưa có người dân tiếp tục bị thu hồi đất

Khi những khúc mắc của người vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng, thì đến năm 2022 người dân lại tiếp tục bị thu hồi đất cho dự án xây dựng đường từ Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm đến Quốc lộ 2D kết nối với đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ.

Gia đình ông Hoàng Văn Tính tổ 9 (phường Mỹ Lâm, TP Tuyên Quang) là một trong 7 hộ gia đình sau hơn 20 năm vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên gia đình ông Tính và nhiều hộ dân khác gặp nhiều khó khăn trong việc xác định vị trí đất, công tác kiểm kê đất tài sản trên đất.

Dự án xây dựng đường từ Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm đến Quốc lộ 2D khiến người dân khó khăn trong việc kiểm kê đất và tài sản liên quan. Ảnh: Hùng Khang.

Dự án xây dựng đường từ Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm đến Quốc lộ 2D khiến người dân khó khăn trong việc kiểm kê đất và tài sản liên quan. Ảnh: Hùng Khang.

Chị Hoàng Thị Viên (con gái ông Hoàng Văn Tính) cho biết, năm 2002 gia đình chị được giao đất tái định cư tại chỗ tại xã Phú Lâm với diện tích đất thổ cư là 400m2 tính từ bờ rào đường đi lên, con đường trước đây là đường dân sinh đi lên núi, gia đình chị và 6 hộ dân trong khu đều được cắm đất giống nhau với chiều sâu 26,6m và chiều rộng 15m.

Năm 2022, khi thực hiện việc đo đạc, kiểm kê cho công tác giải phóng mặt bằng xây dựng tuyến đường 2D gia đình chị mất trắng 150m2 đất được tính vào hành lang đường. Cùng với đó là hạng mục công trình chăn nuôi thủy sản của gia đình không được kiểm kê.

“Tôi không hiểu tại sao lại tính như vậy trong khi con đường này chỉ là đường dân sinh, đường đi lên núi mà lại tính hành lang đường 10m", chị Viên cho biết.

Sơ đồ hiện trạng thửa đất của gia đình bà Hầu Thị Hợi thể hiện chỉ giới quy hoạch giao thông là 5m. Ảnh: Hùng Khang.

Sơ đồ hiện trạng thửa đất của gia đình bà Hầu Thị Hợi thể hiện chỉ giới quy hoạch giao thông là 5m. Ảnh: Hùng Khang.

Những bấp cập trong công tác kiểm đếm, đo đạc tại dự án xây dựng đường từ Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm đến Quốc lộ 2D không chỉ xảy ra đối với hộ chưa có sổ đỏ, mà còn xảy ra với những hộ đã có sổ đỏ.

Chúng tôi tìm đến hộ gia đình bà Phạm Thị Hà tại xã Kim Phú, trong căn nhà tình nghĩa được nhà nước trao tặng do có công với cách mạng, lật tìm cuốn sổ đỏ của gia đình, bà Phạm Thanh Hà chia sẻ: “Tôi thấy công tác kiểm kê, đo đạc chưa thỏa đáng. Mỗi lần cán bộ địa chính gửi về một con số khác. Thực tế so với số liệu trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gia đình tôi đã bị thâm hụt 500,2m2 đất”.

Dù đã ở tuổi xế chiều, bên cạnh nỗi lo chống chọi với di chứng do chất độc màu da cam của chồng, bà Hà còn phải đau đáu với chuyện đo đạc, kiểm kê chưa được thỏa đáng.

Bà Hà cho biết đất của gia đình không mua bán giao dịch, không tranh chấp với tổ chức cá nhân nào, đến khi cán bộ đo đạc thì bị “bốc hơi”, thiếu hụt. “Bây giờ tôi đã trên 70 tuổi rồi, con cái thì không có, vừa mất đất vừa mất nhà đất nhà cán bộ đi đo thì lại để thiếu hàng trăm mét đất như thế là không được”, bà Hà ngậm ngùi.

Diện tích đất của gia đình bà Phạm Thị Hà bị thiếu hụt, dù đã làm đơn nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Ảnh: Hùng Khang.

Diện tích đất của gia đình bà Phạm Thị Hà bị thiếu hụt, dù đã làm đơn nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Ảnh: Hùng Khang.

Ông Lưu Hồng Châm, Chủ tịch UBND xã Kim Phú, cho biết: “Việc thiếu diện tích đất của hộ bà Phạm Thị Hà là do thời điểm trước việc cấp đất không có sơ đồ, vì vậy mới dẫn đến việc kiểm đếm bị thiếu hụt diện tích”.

Trong khi tại nghị trường Quốc hội các đại biểu vẫn luôn đề cập đến việc “phải đảm bảo người dân có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”. Thế nhưng trên thực tế những người dân bị thu hồi đất tại phường Mỹ Lâm vẫn phải sống trong cảnh bất an, lo lắng vì chưa thể chứng minh quyền sở hữu hợp pháp với mảnh đất của gia đình trong suốt 20 năm qua.

Xem thêm
Người vay qua đời, khoản nợ có được xóa bỏ?

Khi người vay không may qua đời, khoản nợ vẫn tồn tại. Người thừa kế phải trả trong phạm vi di sản nhận được, trừ khi hợp đồng quy định khác.

Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Thái Bình: Khen thưởng Ban chuyên án phá đường dây lô đề nghìn tỷ

Công an tỉnh Thái Bình vừa tổ chức biểu dương, khen thưởng Ban chuyên án triệt phá đường dây lô đề quy mô hàng nghìn tỷ đồng do ông trùm ‘Tuấn chợ Gốc’ cầm đầu.

Bộ Công an: Cụm thi đua số 4 giao ước giải quyết tin tố giác tội phạm đạt 90%

Khối các đơn vị trực thuộc Bộ Công an vừa tổ chức Lễ ký giao ước thi đua và phát động phong trào thi đua 'Vì an ninh Tổ quốc' năm 2025.

Ca sĩ An Ngọc góp tiền xoá nhà tạm cho 5 hộ nghèo quê lúa

An Ngọc yêu nông sản - thương hiệu kết nối nông sản do ca sỹ An Ngọc xây dựng đã chung tay xóa 5 nhà tạm cho các hộ nghèo ở Thái Bình.

Điều tra bổ sung vụ nữ CEO Công ty Nhật Nam chiếm đoạt 4.816 tỷ đồng

Vũ Thị Thúy, nữ CEO Công ty Nhật Nam, bị cáo buộc lừa đảo 25.925 người, thu hơn 9.113 tỷ đồng, chi 4.297 tỷ để trả gốc và lãi, chiếm đoạt 4.816 tỷ đồng.

Hà Nội đẩy mạnh chống lãng phí trong đầu tư công, đất đai, tài sản công

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 85/KH-UBND nhằm cụ thể hóa các biện pháp phòng, chống lãng phí trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

Bình luận mới nhất