| Hotline: 0983.970.780

Đọc sách có ích gì cho mỗi người? [Bài 3]: Cầm lấy cuốn sách như một niềm tin bền vững

Thứ Năm 20/04/2023 , 14:33 (GMT+7)

Cầm lấy cuốn sách là thái độ mưu cầu lối sống tử tế, vì cuốn sách như một người thầy nhẫn nại, như một người bạn ân cần, như một người người tình chung thủy.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đảm nhận vai trò đại sứ văn hóa đọc ở tuổi 103.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đảm nhận vai trò đại sứ văn hóa đọc ở tuổi 103.

Cầm lấy cuốn sách, mỗi người có một cảm xúc riêng, mỗi người có một tâm trạng riêng, và thậm chí mỗi người có một toan tính riêng. Thế nhưng, cầm lấy cuốn sách đã là một sự chọn lựa thú vị giữa cuộc sống nhiều bon chen danh lợi.

Cầm lấy cuốn sách, độc giả có thể không cần biết hành trình từ bàn viết tác giả đến cánh cổng nhà in, mà độc giả rất cần suy ngẫm hành trình từ cá nhân đến cộng đồng, từ hiện tại đến tương lai. Bởi lẽ, đó chính là câu chuyện của văn hóa đọc.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có mấy chục năm đi khắp nơi để truyền cảm hứng đọc sách cho giới trẻ, không ngần ngại thổ lộ: “Bấy lâu nay, trên các hãng truyền thông, không ít học giả cứ băn khoăn về văn hóa đọc. Có người tỏ ra bi quan. Có người hoàn toàn tuyệt vọng. Hình như người Việt đã mất thói quen đọc sách? Đó là dấu hiệu suy vong đáng lo sợ. Tuy nhiên, nếu bảo người Việt không đọc sách, hoặc rất ít người đọc sách, thì tôi lại nghi ngờ. Hình như cũng không phải thế. Nếu chẳng còn ai đọc sách nữa, thì người ta in sách ra để làm gì?

Hãy vào bất kỳ một nhà sách nào cũng thấy rõ. Phải nói là “trên trời dưới sách”. Không thiếu bất kỳ một chủng loại nào. Chúng ta không có nhà xuất bản tư nhân, nhưng phần lớn các nhà xuất bản lại liên kết với các công ty tư nhân. Họ in sách hoàn toàn vì lợi nhuận, cứ cuốn sách nào ăn khách thì in. Nhờ thế, chúng ta có được rất nhiều tác phẩm đặc sắc của tinh hoa nhân loại.

Dù chỉ có một mục đích thực dụng, mục đích duy nhất là kiếm tiền, nhưng các nhà “buôn sách” ấy lại làm được một nghĩa vụ cao cả và linh thiêng: Nâng cao dân trí đất nước. Một tác phẩm đặc sắc gây được sự chú ý đặc biệt của công chúng quốc tế, thì ngay lập tức đã được dịch ở Việt Nam. Có cuốn sách còn có nhiều bản dịch khác nhau ở nhiều nhà xuất bản. Vì thế, ở Việt Nam bây giờ, ngay cả một người không biết ngoại ngữ, cũng không hề lạc hậu”.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa ký tặng sách cho độc giả nhỏ tuổi.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa ký tặng sách cho độc giả nhỏ tuổi.

Dù nhìn ở góc độ nào, thì mức độ thành bại của văn hóa đọc cũng phải bắt đầu từ số lượng người đọc sách. Nếu mỗi cuốn sách chỉ in vỏn vẹn trên dưới 1000 bản ở một đất nước có 100 triệu dân, thì ước mơ về một nền văn hóa đọc đích thực e chừng hơi mịt mờ. Làm sao để phát triển thị trường sách nhộn nhịp từ thành thị đến nông thôn? Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng kiến nghị: “Gốc để phát triển sách, phát triển xuất bản là có người đọc, có nhiều người đọc. Tức là có thị trường. Vậy hãy bắt tay vào khuyến đọc.

Nhiều quốc gia có giờ đọc trong trường phổ thông. Những người có uy tín, chính trị gia, doanh nhân, văn nghệ sĩ, người nổi tiếng hãy đọc sách và tham gia giới thiệu sách, lập lại chuyên mục “Mỗi ngày một cuốn sách” trên truyền hình, trên báo chí.

Xuất bản cũng là kinh doanh. Kinh doanh phải có thương hiệu. Thương hiệu được tạo nên bởi sự khác biệt. Chúng ta có nhiều nhà xuất bản, mỗi nhà xuất bản phải có thương hiệu của riêng mình, để không lẫn với các nhà xuất bản khác. Nếu tất cả các nhà xuất bản đều giống nhau thì chắc chỉ cần một nhà xuất bản.

Kinh doanh cần giới thiệu, quảng bá. Các nhà sách đang “nghèo” sẽ thật khó khăn trong quảng bá. Các nhà mạng viễn thông Việt Nam có thể giúp xuất bản Việt Nam, giúp sách Việt Nam bằng cách mỗi tuần chuyển miễn phí một tin nhắn về sách tới người dân không? Hành động này có thể nhỏ, nhưng với sách thì lại là quá lớn. Chuyển đổi số ngành xuất bản và chung tay cho sách Việt Nam là lời giải của chúng ta. Sách muốn tái sinh vẫn phải đi con đường Việt Nam, tức là dân tộc hóa, vẫn phải hiện đại hóa bằng công nghệ số, vẫn phải đại chúng hóa thông qua đa nền tảng”.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2023 tại TP.HCM đưa ra 10 đại sứ văn hóa đọc, là những người có sức ảnh hưởng trong cộng đồng ở nhiều lứa tuổi khác nhau, như nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM Phạm Phương Thảo, tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, doanh nhân Lê Đăng Khoa, Á hậu quốc tế Thúy Vân, MC Tấn Tài, ca sĩ Hồ Trung Dũng, tác giả Nguyễn Chánh Tín, nhà báo Trung Nghĩa và học sinh Bùi Lưu Bảo Khánh. Vai trò đại sứ không chỉ dừng lại ở vài sự kiện của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, mà mỗi người tiếp tục lan tỏa văn hóa đọc bằng khả năng của mình.

Cần hiểu cho thật nghiêm túc, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam chính là tiếng còi báo hiệu mỗi người dân tích cực rời khỏi vạch xuất phát trên con đường xây dựng văn hóa đọc quốc gia. Con đường ấy còn rất dài, còn rất xa, mà mỗi người dân phải cầm lấy cuốn sách như một niềm tin bền vững. Mỗi người dân là một đại sứ văn hóa đọc của dân tộc Việt Nam.

Tại những tọa đàm của Hội Xuất bản Việt Nam, hầu hết các ý kiến đều cho rằng vấn nạn ngại đọc, lười đọc mà chúng ta đang chứng kiến là hệ quả của việc thiếu quan tâm, nuôi dưỡng thói quen đọc sách từ nhỏ cho trẻ em. Trường học không có tiết đọc sách chính thức, còn gia đình chưa quan tâm phát triển thói quen đọc sách cho con cái.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại thành phố Ban Mê Thuột, Đăk Lăk.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại thành phố Ban Mê Thuột, Đăk Lăk.

Thời gian gần đây, nhiều hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc đã được triển khai tại các trường học từ bậc trung học đến bậc đại học. Phó giáo sư - tiến sĩ Võ Thị Ngọc Thúy với tư cách Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen khẳng định: “Sách không chỉ là người bạn, sách mở ra cả thế giới cho thầy trò và người đọc những kiến thức quý báu trong chặng đường trải nghiệm cuộc sống. Xây dựng thói quen đọc sách, sau đó hình thành văn hóa đọc là điều rất quan trọng. Hằng tháng thư viện trường cập nhật sách mới để sinh viên có thể đọc. Câu lạc bộ đọc sách khai phóng của trường cũng là môi trường để sinh viên sinh hoạt, hình thành và phát triển thói quen đọc cho mỗi người”.

Bằng kinh nghiệm bản thân, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là tác giả ăn khách số một thị trường sách Việt Nam trong suốt hai thập niên qua, chia sẻ: “Thói quen đọc sách là sự nối dài thói quen nghe chuyện dưới hình thức chủ động, như vậy, đã hình thành một cách tự nhiên với một đứa trẻ. Đó là một hành vi, một nhu cầu như chạy nhảy, bơi lội, đùa nghịch, hát hò, vẽ vời. Nhưng hạt giống của thói quen đó phải được và phải có ai gieo trồng trong đầu đứa trẻ từ thuở ấu thơ. Bằng những câu chuyện kể. Bằng những cuốn sách làm quà. Để nhu cầu đọc sách nảy mầm và trở thành một khát khao tự nhiên, như cỏ cây khát ánh sáng và khí trời.

Trong những buổi tặng chữ ký cho bạn đọc nhân dịp ra sách mới, tôi luôn xúc động khi nhìn thấy cảnh bà dắt cháu hay ba mẹ dắt con tới chỗ tôi ngồi. Hình ảnh đó khiến tôi nhớ đến bà tôi và chú tôi, những người đã in dấu lên trí não tôi thuở ban sơ bằng những câu chuyện đầu đời đẹp đẽ.

Chính những người lớn tuyệt vời đó đã đắp nên con đường đầy hoa lá cho trẻ em đặt chân. Để rồi em lớn lên, đi đâu về đâu, quán xá, tàu xe, dọc lề đường gió bụi hay trong giờ nghỉ giữa sở làm, sách vẫn trong tay. Em bé đó, hi vọng một ngày nào tất cả chúng ta sẽ bắt gặp trong chính ngôi nhà mình”.

Xem thêm
Thông tin mới chuyên án tiếp viên hàng không xách ma túy từ Pháp về

Công an TPHCM tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, mở rộng chuyên án; lần theo dòng chảy ma túy để khui từng vỏ bọc của các 'ông trùm' ma túy.

Nadal lên sẵn kịch bản giải nghệ

Tay vợt người Tây Ban Nha cho biết có tinh thần thoải mái sẵn sàng thi đấu Davis Cup 2024 trên sân nhà cũng như việc sẽ giải nghệ ở đây.

VFF phạt nặng Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn

Ban kỷ luật VFF đã chính thức đưa ra án phạt. Theo đó, cả Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn đều bị phạt 20 triệu đồng và treo giò 4 trận

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.