| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 19/04/2022 , 10:46 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 10:46 - 19/04/2022

Đội bắt chó và nỗi ái ngại thú cưng

Ở những chung cư không cấm nuôi chó, thì sự xuất hiện của chó cũng là nguyên nhân gây mất đoàn kết cho cộng đồng...

Trong kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại trên địa bàn giai đoạn 2022 - 2030 của UBND Hà Nội, có dự định thành lập 600 đội bắt chó thả rông tại 30 quận, huyện, thị xã. Mục tiêu đặt ra là giám sát được chó, mèo mắc bệnh, nghi mắc bệnh dại, nhằm xây dựng vùng an toàn bệnh dại đối với các quận chưa được công nhận và duy trì các điều kiện an toàn dịch bệnh đối với 100% vùng an toàn dịch bệnh dại đã được công nhận.

Đội bắt chó không phải là một điều quá xa lạ với đời sống. Ở nhiều địa phương, Chi cục Thú y có cả xe bắt chó thường xuyên rong ruổi trên các cung đường để tóm cổ những con chó thả rông có thể gây nguy hiểm cho hoạt động giao thông và sinh hoạt của con người. Thế nhưng, ở Hà Nội và những đô thị lớn, thì chó lại được nuôi như một loại thú cưng. Có những con chó thuộc giống quý hiếm có giá vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng, được nuôi và chăm sóc theo tiêu chuẩn cao.

Thế nhưng, thành lập 600 đội bắt chó ở Thủ đô lại phải đối diện không ít thách thức. Lực lượng bắt chó không lẽ trưng dụng từ bảo vệ dân phố, công an khu vực, nhân viên y tế hay phải đào tạo cán bộ chuyên trách? Đội bắt chó mỗi tuần xuất kích 1 - 2 ngày, còn những ngày khác thì sao? Đội bắt chó thực hiện nhiệm vụ theo tin báo của quần chúng, hay chỉ tập trung ở những khu vực công cộng?

Bắt chó thả rông sẽ hạn chế tối đa tình trạng người tử vong do chó cắn. Thực tế, ở nhiều nơi vẫn xảy ra tình trạng người nuôi để chó chạy ra đường mà không có rọ mõm, không có xích và phóng uế bừa bãi. Tuy nhiên, khi đột bắt chó đã tóm được “đối tượng” thì lại có nhiều rắc rối khó giải quyết. Lấy chỗ nào “tạm giữ” và lấy đâu chí phí nuôi dưỡng “đối tượng” khi chưa xác định được chủ nhân trong vòng 48 giờ? Nếu “đối tượng” có sự cố gì trong thời gian “tạm giữ” mà chủ nhân khiếu nại và đòi bồi thường thì sao?

Hiện nay, việc nuôi chó trong khu dân cư vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Khoản 3 điều 35 Nghị định 99/2015/NĐ-CP có quy định hành vi chăn, thả gia súc, gia cầm trong khu vực nhà chung cư là một trong các hành vi bị nghiêm cấm, nhưng Luật Thú y 2018 thì không xác định chó nằm trong những phạm vi bị chế tài.

Ở những chung cư không cấm nuôi chó, thì sự xuất hiện của chó cũng là nguyên nhân gây mất đoàn kết cho cộng đồng, bởi không thể kiểm soát được những tiếng sủa bất thình lình giữa trưa vắng hay canh khuya. Và không ai dám đảm bảo những người nuôi tuân thủ đầy đủ theo pháp luật về việc tiêm phòng vacxin cho chó.   

Thành lập đội bắt chó là một ý tưởng đột phá, nhưng liệu có khả thi? Muốn con chó không gây họa cho con người, thì phải kiện toàn các quy định về nuôi chó ở đô thị, thậm chí phải hạn chế cả những giống chó hung dữ, khó thuần dưỡng như thú cưng. Quản lý ngay chủ nuôi, chứ không thể chờ chó chạy rông mới đuổi bắt kiểu may rủi và oái oăm.